Dùng mọi đòn để “ăn miếng trả miếng” với TQ nhưng chính Mỹ lại hoàn toàn mù mờ về điều quan trọng nhất
Nếu không xác định rõ được mục tiêu của mình, Mỹ – Trung sẽ còn mắc kẹt trong chiến tranh thương mại một khoảng thời gian dài.
Theo CNBC, cuộc chiến tranh thương mại do tổng thống Mỹ Donald Trump phát động tuy có chiến lược rất rõ ràng và dồn dập, nhưng không ai biết định nghĩa “chiến thắng” của nước Mỹ là như thế nào.
Tất nhiên, nước Mỹ có rất nhiều tham vọng, trong số đó có thể kể tới một thế giới không có thuế quan, một “sân chơi công bằng” với Trung Quốc – nơi hàng hóa được vận chuyển tự do giữa hai quốc gia, và sự tăng trưởng đầy hứa hẹn nhờ vào những thị trường mới mở và sự kết thúc của nạn đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Nhưng ý nghĩa thực sự của chiến thắng này đối với kinh tế thế giới lại không hề rõ ràng.
Chiến thắng sẽ thể hiện rằng nước Mỹ mạnh hơn hay chỉ là Trung Quốc đang yếu đi. Nếu các công ty Mỹ có toàn quyền tham gia thị trường Trung Quốc, thì thực sự họ có gặt hái được nhiều lợi ích hay không? Và chi phí cho những điều đó là gì?
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, cố vấn kinh tế Nhà Trắng, chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow đã lí giải nguyên nhân Mỹ phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc và những điều có trong bản thỏa thuận đem lại nhiều lợi nhuận cho Mỹ.
“Tổng thống Trump đã nói nhiều lần rằng mục tiêu cuối cùng của ông ấy là hệ thống thương mại thế giới không có thuế quan, không có rào cản thương mại phi thuế quan và không trợ cấp đối với các công ty. Có những lợi ích đáng kể khi giao dịch thực sự tự do và tuân thủ pháp luật. Cả người tiêu dùng và doanh nghiệp hai nước đều hưởng lợi.”
Chiến lược của Mỹ
Trích dẫn số liệu từ cuộc điều tra của lưỡng đảng, ông Kudlow nói Mỹ có thể đòi lại 600 tỉ USD từ các khoản bị đánh cắp sở hữu trí tuệ.
“Tổng thống là một người có tầm nhìn. Ông Trump đang tái thiết lại kinh tế Mỹ và chúng ta đã có những thành công đáng kể. Những điều này không dễ dàng gì, đặc biệt là sự mất cân bằng thương mại. Vậy nên chúng ta cần phải có giao dịch công bằng, tự do và có qua có lại với Trung Quốc.”
Trong khi đó, ông Trump vẫn tiếp tục giáng những đòn mạnh vào kinh tế Trung Quốc mặc dù ông chưa bao giờ chỉ ra cụ thể kết quả của cuộc thỏa thuận là gì. Ông Trump thường hứa hẹn một nền kinh tế tăng trưởng vượt mức 3% mỗi năm, nhưng thuế quan mà Mỹ đặt ra lại là thứ khiến nước này không đạt được mục tiêu đó.
Steven Blitz, nhà kinh tế học tại TS Lombard, nói: “Nếu muốn thành công, thì phải có chiến lược tốt. Phải rõ ràng về mục đích của mình, làm thế nào để có được nó và chiến thắng là như thế nào. Tuy nhiên, tôi cũng không thể nói chiến thắng của nước Mỹ bao gồm những gì.”
“Mục tiêu của ông Trump đúng đắn, nhưng cách làm của ông ấy có phần không rõ ràng. Chúng ta đã không còn biết mục tiêu cuối cùng của Mỹ là gì. Bởi làm sao chúng ta biết được chúng ta đang có giao dịch thương mại tự do?” – ông Blitz nói.
Thuế quan đang khiến Trung Quốc chịu thiệt hại, và ít nhất về mặt lí thuyết Mỹ đã thay đổi chuỗi cung ứng và đẩy Trung Quốc tới giới hạn trên lĩnh vực giao thương toàn cầu. Tuy nhiên, điều đó cũng không đảm bảo được một môi trường thương mại tự do mà Mỹ mong muốn.
Đối với các doanh nghiệp Mỹ làm ăn với Trung Quốc, có một số mong muốn rất rõ ràng: người Trung Quốc không được cưỡng ép công ty Mỹ phải chuyển giao bí mật công nghệ và cần một cấu trúc thuế quan công bằng hơn để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Tập đoàn DWS dự đoán rằng Trung Quốc có thể chờ kết quả của cuộc bầu cử năm 2020 trước khi tiếp tục đàm phán. Công ty này cho rằng thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh và điều này có thể buộc hai nước phải đi tới thỏa thuận với những thiệt hại nhất định đối với cả 2 bên Mỹ-Trung.
Ngọc Hoàng