+
Aa
-
like
comment

Đừng mặc nhiên cho Facebook đóng vai “người bị hại”

Komi - 23/11/2020 17:34

Facebook là mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay với 2,45 tỷ người dùng hàng tháng (Số liệu do Facebook cung cấp năm 2019). Trên nền tảng này, người dùng có thể tự do chia sẻ thông tin, hình ảnh, quảng cáo, giải trí… với sự kết nối toàn cầu. Facebook rõ ràng là một kênh truyền thông lớn, tuy nhiên lại chưa bao giờ trở thành thước đo đánh giá “tự do ngôn luận” như nhiều người nhầm tưởng.

“Tự do ngôn luận” không thể đánh giá bằng những “ngôn luận tự do” trên mạng xã hội

Gần đây, xuất hiện nhiều thông tin về việc Facebook có nguy cơ bị “cấm cửa” tại Việt Nam. Những thông tin này dẫn kèm cáo buộc của một đại diện thuộc Facebook (đại diện ẩn danh, chưa có chứng thực) rằng Chính phủ Việt Nam đang yêu cầu Facebook tiếp tục gia tăng kiểm duyệt nội dung có liên quan đến chính trị tại Việt Nam; đi kèm với yêu cầu này là lời đe dọa sẽ đóng cửa hoàn toàn Facebook tại Việt Nam nếu phía Facebook từ chối. Cùng đó, thông tin về việc Việt Nam bị xếp hạng 5 ở cuối bảng xếp hạng toàn cầu về tự do báo chí của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới cũng được đính kèm để củng cố cho luận điểm Việt Nam đang buộc Facebook “thắt chặt nhân quyền”…

Bỏ qua việc những cáo buộc nêu trên có phải của đại diện Facebook thật hay không, thì bản chất những phân tích trong đó cũng rất mơ hồ và không đáng tin cậy.

Thứ nhất, thông tin Việt Nam bị xếp hạng 5 ở cuối bảng xếp hạng toàn cầu về tự do báo chí của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới chỉ là chiêu trò tâm lý. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới hay RSF vốn dĩ là một tổ chức phi chính phủ, mang đại diện cho các phóng viên toàn thế giới, tuy nhiên, lịch sử hoạt động của tổ chức này lại chỉ nhằm cổ súy các giá trị phương Tây đến các quốc gia tại châu Á, Châu Phi (trong đó có Việt Nam). Điểm lại, RSF cũng thường xuyên có các bài viết cổ súy cho những người “gắn mác nhà báo” có hành vi tuyên truyền, chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như: Trương Duy Nhất, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hữu Vinh, Lê Đình Lượng… Thế nên, ở cái bảng xếp hạng tự do báo chí của họ, không khó hiểu khi Việt Nam chỉ xếp thứ 5 ở cuối bảng. Bảng xếp hàng toàn cầu mà không hề được bất kỳ một quốc gia nào công nhận, không có tiêu chí rõ ràng, không có dẫn chứng thực tế, cũng không được kiểm duyệt. Vốn dĩ ngay từ đầu, ý thức chủ quan của RSF đã là nhằm tấn công, hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ hai, vấn đề Chính phủ Việt Nam liên tiếp làm việc với Facebook, yêu cầu mạng xã hội kiểm soát nội dung trên nền tảng của mình vốn dĩ là chuyện thường tình.

Trước tình trạng những nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter… có sự phát triển ồ ạt, thu về khoản lợi nhuận khổng lồ từ quảng cáo, dịch vụ trong khi lại không vướng bận các rào cản pháp lý, thoát khỏi hoàn toàn trách nhiệm của mình như đóng thuế, bảo vệ quyền riêng tư người dùng, bảo vệ an ninh thông tin khu vực…, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã tiến hành các biện pháp siết chặt quản lý. Tại Pháp, nơi chính phủ thông qua luật ngăn chặn sự lan truyền tin giả, nhà chức trách cũng bắt đầu kiểm soát chặt nội dung của Facebook. Tại Singapore, nhằm kiểm soát các trang mạng xã hội, pháp luật nước này có quy định nếu các nội dung vi phạm không được gỡ xuống kịp thời, các công ty công nghệ sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt không nhỏ, lên tới 1 triệu SGD (tương đương 740.000 USD). Tại Việt Nam, với Luật An ninh mạng được ban hành 12/6/2018, Chính phủ Việt Nam cũng liên tiếp có động thái làm việc với các công ty cung cấp nền tảng trực tuyến xuyên biên giới, nhằm yêu cầu những công ty này buộc phải chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam.

Rõ ràng, quá trình làm việc giữa chính phủ các quốc gia (trong đó có Việt Nam) với các công ty như Facebook, Google… là hoàn toàn thỏa đáng. Quá trình làm việc này vốn dĩ còn thể hiện thiện chí của Chính phủ các nước khi tôn trọng quyền tự do kinh doanh theo các hiệp định, thỏa thuận kinh tế quốc tế. Nếu mạnh tay, các quốc gia hoàn toàn có thể ngừng làm việc ngay và cấm cửa các nền tảng số bởi, các nền tảng này đang vi phạm pháp luật địa phương. Khi một công ty không tôn trọng và chấp hành pháp luật quốc gia sở tại thì nó không xứng đáng được hoạt động. Đây là lẽ tất yếu.

Ấy thế mà, cứ khi chính phủ các nước làm việc, thì trên mạng lại xuất hiện những “kịch bản” mà phía các công ty như Facebook, Google được đóng vai “nạn nhân”. Họ cố tình cáo buộc chính phủ các nước kiểm soát công ty của họ hoạt động theo pháp luật là đang vi phạm nhân quyền, cản trở tự do ngôn luận. Cái lý luận cùn này nhằm vớt vát sự thương hại của người dùng mạng xã hội tại các khu vực địa phương, qua đó gây áp lực lại chính phủ các nước. Đây ắt hẳn là “chiêu bài” khôn khéo.

Rõ ràng, Facebook, Google… hay bất kỳ công ty công nghệ xuyên biên giới nào đều là những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, họ hướng đến lợi nhuận là chính. Thế nên, việc cố tình phạm luật để thu thêm lợi nhuận sẽ là thứ họ muốn đến cùng.

Với một thị trường tỷ đô như Việt Nam, Facebook hay Google… cũng đang diễn rất tròn vai “nạn nhân” của mình khi hễ Nhà nước yêu cầu kiểm duyệt nội dung theo đúng pháp luật thì y như rằng lại xuất hiện thông tin “Facebook, Google… sẽ bị cấm cửa”. Để lấp liếm, thì những thông tin này lại chỉ tập trung nhấn mạnh vào việc Nhà nước siết chặt thông tin về chính trị, cán bộ, lãnh đạo Nhà nước… mà bỏ ngỏ những khía cạnh khác.

Thực chất, Chính phủ Việt Nam làm việc với các công ty công nghệ nước ngoài đều yêu cầu toàn bộ các nội dung về nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ bảo vệ quyền riêng tư của người dân… Riêng về kiểm duyệt nội dung, Nhà nước yêu cầu Facebook phải kiểm duyệt tất cả các thông tin sai sự thật, không chỉ bảo vệ các nội dung lớn là hoạt động của Đảng, Nhà nước mà còn bảo vệ đến từng cá nhân, công dân Việt Nam.

Kết lại, câu chuyện vốn dĩ cũng chỉ là hoạt động giữa một bên là nhà quản lý (nhà nước) và một bên là thực thể chịu sự quản lý (các công ty, doanh nghiệp nước ngoài). Một doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam mà không chấp hành pháp luật Việt Nam thì không xứng đáng được tiếp tục hoạt động. Cũng chẳng có bất kỳ doanh nghiệp nào có thể trở thành thang đo “tự do ngôn luận” bởi lẽ “tự do ngôn luận” phải thể hiện ở thể chế chính trị, nền tảng pháp luật quốc gia – cái mà Việt Nam đang khiến cả thế giới phải công nhận!

Komi

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều