+
Aa
-
like
comment

Đừng làm vấy bẩn lá phổi và tâm hồn con trẻ !

Nam Phong - 08/03/2020 12:52

Vừa qua dư luận trên các diễn đàn mạng xã hội của giới trẻ xôn xao về việc một cháu gái có tên Facebook là “Huỳnh Nga” đã sử dụng mạng xã hội để tranh cãi với bạn bè, xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh gây bức xúc dư luận.

Cháu gái tên thật Huỳnh Lê Thiên Nga, học sinh lớp 11, Trường THPT Tân Phú, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, Tp.HCM.

Khoan nói chính trị đúng sai. Điều đáng nói ở đây là: Một cô bé đang tuổi ăn, tuổi học, học làm người còn chưa xong, sao lại mở miệng nói những từ ngữ sặc mùi chính trị tiêu cực?

Trong thời đại bùng nổ thông tin, việc tiếp cận và sàng lọc thông tin là rất quan trọng đối với mỗi người, đặc biệt là học sinh. Những gì Huỳnh Nga viết ra không có gì mới, bởi những thông tin tiêu cực đó đã được nhiều vị “trí thức, dân chủ” thêu dệt đăng trên mạng xã hội. Những thông tin tiêu cực ấy, không biết chính xác hay không, liên tục bơm lên mạng xã hội vô tội vạ, tiêm nhiễm vào đầu con trẻ từ ngày này sang ngày khác. Làm vấy bẩn tâm hồn con trẻ! Đây có phải là lỗi của người lớn không thưa các vị ?

Vấn đề này đã đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của xã hội, nhà trường và gia đình. Các vị “trí thức, dân chủ” hãy suy nghĩ xem. Khi con cái của các vị ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Nếu các vị và vợ hay chồng hoặc anh chị em trong gia đình cãi nhau, chửi nhau, liệu các vị có muốn con cái các vị nhìn thấy điều đó không? Nếu cha mẹ của các vị cãi nhau, chửi nhau, liệu họ có muốn các vị thấy điều tiêu cực đó không? Chắc chắn là không! Vậy tại sao lại làm điều đó với con cái hàng xóm ?

Nếu là mẹ, các vị có muốn cho con cái thấy tình thương yêu cao cả của người cha đối với chúng không? Ngược lại, nếu là người cha, các vị có muốn cho con cái thấy tình yêu sâu nặng của người mẹ đối với chúng không? Hay cao hơn, cha mẹ của các vị muốn các vị tiếp nhận những điều gì? Hẳn là họ muốn các vị thấy tình yêu thương của họ, thấy tình thương yêu, sự đùm bọc của anh chị em trong gia đình?

Nếu để con trẻ nghĩ về người cha, người mẹ của chúng với những hình ảnh xấu xa thì làm sao chúng lớn lên còn kính trọng và tự hào về cha mẹ chúng nữa. Đến cha mẹ chúng còn không kính trọng, thì ra đời chúng còn kính trọng ai ?
Con trẻ thay vì đọc những câu chuyện giáo dục nhân văn, học hỏi những điều hay lẽ phải, đạo lý làm người, thì lại bị những thông tin chính trị tiêu cực tiêm nhiễm vào đầu. Khi lớn lên, chúng sẽ trở thành những con người như thế nào? Đó có phải là tội ác không thưa các vị?

Xét cho cùng cô bé Huỳnh Nga cũng chỉ là nạn nhân của người lớn! Bị các vị tiêm nhiễm những thông tin tiêu cực, không chính xác vào tâm hồn.

“Con Trẻ” hai từ ấy nghe thật nhẹ nhàng, thánh thiện. Cái tuổi vô lo vô nghĩ, sống hồn nhiên, vô tư, trong sáng. Cái tuổi mà đang đầy ắp tiếng cười, được sống trong trong tình yêu thương, bao bọc của gia đình, thầy cô và xã hội. Chỉ có trong môi trường tốt lành, “trẻ em” mới được chắp cánh, được bay cao, bay xa để thực hiện những ước mơ và hoài bão của mình.

Biết bao những câu chuyện của các em nói về ước mơ khiến không ít người lớn phải nghẹn ngào, phải ngẫm lại mình. Tôi nhớ có lần đọc một bức thư của một em nhỏ viết về gia đình mình và mong ước hạnh phúc như bao gia đình khác: “…điều con mong ước ba mẹ không còn cãi nhau và ba không còn đánh mẹ nữa”.

Hay cô bé Đào Thị Huỳnh Giao ở Cù Lao Dùng đang ở tuổi ăn, tuổi học, phải tất bật việc gia đình và chăm sóc mẹ với ánh mắt buồn khi nói về ước mơ: “Em nhất định sẽ làm bác sĩ, em muốn chữa hết bệnh cho mẹ”.

Với đôi mắt chứa đầy nghị lực, cậu bé Ngô Văn Tèo khi được hỏi về ước mơ, gương mặt đen nhẻm của em chợt ngời sáng: “Em phải là một người đàng hoàng để lo cho gia đình, em sẽ xây cho mẹ căn nhà mới. Em thích nghiên cứu lắm” trong khi nhà sinh vật học tương lai này sẽ phải nghỉ học, để lao động nuôi gia đình.

Lớn lên trong mái nhà tranh, cô bé Đặng Diệu Thiện thường ra đồng phụ ba mẹ có ý thức quan sát cuộc sống, biết yêu thương và sẻ chia với mọi người. Khi được hỏi về ước mơ, em nói: “Làm nghề nào thì có thể giúp đỡ được những người nghèo ạ? Em thấy thương những người già và mấy em nhỏ, em sẽ học thật giỏi để lớn lên có thể giúp đỡ họ”.

Đấy! dù ở hoàn cảnh nào, ước mơ của các em luôn thật mộc mạc, hồn nhiên, trong sáng, tích cực. Còn những lời lẽ của cháu Huỳnh Nga được đăng trên facebook thì sao?.

Là học sinh lớp 11, cái tuổi đang học làm người, tưởng rằng sẽ viết về những tấm giương mà nó cần noi theo, những hoài bão muốn thực hiện. Nhưng không, bé lại viết ra những điều “cay nghiệt, thù hận và giang hồ” của cô bé sinh năm 2003. Những tư tưởng cực đoan, lời lẽ bôi xấu chế độ này có phải của cháu không hay của người lớn đã sống nửa cuộc đời thù hận nhồi nhét vào đầu cháu? Làm cho tâm hồn bị hoen ố, vấy bẩn.

Mấy năm trước, một “bức thư” đăng lên mạng được cho là của một cháu gái có nội đi tù được đăng trên mạng với lời lẽ, câu cú, giọng văn hằn học của người lớn, gây bức xúc. Ai đã cố gắng cài vào bức thư những lời lẽ bôi xấu chế độ của người lớn ?

Điều cần làm lúc này của cô bé là học làm người! Tại sao có những điều hay, ngay trước mắt, đáng để con trẻ học tập như những đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”… hay 5 Điều mà chính Bác Hồ dạy: “(1).Yêu tổ quốc, yêu đồng bào (2).Học tập tốt, lao động tốt (3).Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt (4).Giữ gìn vệ sinh thật tốt (5).Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” thể hiện tính toàn diện, cả đức dục, trí dục, thẩm mỹ, thể chất để tạo ra thế hệ trẻ có đức, đủ tài, thì lại không học hỏi và rèn luyện?. Những điều này bé Huỳnh Nga làm làm tốt chưa? Mà lại nói năng, xuyên tạc những điều xấu xa, bậy bạ?

Chính Bác Hồ đã từng nhắn nhủ các em học sinh “Non sông Việt Nam có thể trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Lời nhắn nhủ này có phải là Bác đặt niềm tin to lớn vào thế hệ trẻ, con em chúng ta không? Học tập, vượt qua mọi khó khăn, vươn tới đỉnh cao khoa học để làm chủ và xây dựng đất nước. Bạn có muốn con cái chúng ta hướng đến điều đó không hay cắm đầu vào các thông tin tiêu cực?

Đặc biệt, Bác còn căn dặn thế hệ trẻ về đạo đức: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Chữ “Đức” ở đây không phải là những điều cao siêu, xa lạ, mà là đạo lý làm người. Tuy giờ đây Bác đã đi xa nhưng lời dạy cốt lõi của Bác vẫn vang vọng cho đến tận bây giờ. Vậy tại sao các quý vị không hướng con trẻ đến những điều tốt đẹp ấy mà lại cố hướng lái con trẻ vào những thứ vớ vẩn?

Các vị muốn làm gì, tranh gì thì đứng dậy mà nói trực tiếp nhau với tất cả trách nhiệm của mình. Đừng thổi những làn khí độc chính trị bụi mù trên mạng, mà trẻ thơ đang phải hít thở. Hãy để cho các cháu được yên, để cháu được học hành, được sống trong tình yêu của gia đình, bè bạn, và xã hội. Các vị hãy để tự các cháu tìm hiểu sự thật về đất nước với những thông tin đầy đủ, chính xác, để từ đó cháu có cái nhìn khách quan và đúng đắn. Đừng cố hướng lái, làm sai lệch, xuyên tạc, đánh đổ, làm hoen ố tâm hồn các cháu!

Giờ đây nhà trường sẽ làm gì và xử lý như thế nào? Học sinh bị tiêm nhiễm và có nhân cách, đạo đức như vậy liệu có tiếp thu được tư tưởng, triết lý giáo dục tốt đẹp của dân tộc được không, hay lại như con virus Covid-19 lây nhiễm sang các học sinh khác và làm ảnh hưởng, vấy bẩn đến môi trường giáo dục của nước nhà?

Để kết thúc bài viết này, Cánh Cò xin trích lại 4 câu thơ của Bác nhắn nhủ thế hệ tương lai của đất nước, muốn thực hiện ước mơ, hoài bão cao đẹp, muốn làm được việc lớn ích nước, lợi nhà, thì trước hết phải tự mình nâng cao chí khí, lòng dũng cảm, bền gan, can trường, không sợ hi sinh gian khổ “Không có việc gì khó, Chỉ sợ lòng không bền, Đào núi và lấp biển, Quyết chí ắt làm nên!”. Bạn có muốn con cái chúng ta hướng đến điều đó không?

Nam Phong

Bài mới
Đọc nhiều