Đừng làm hoen ố hình ảnh bộ đội Cụ Hồ chỉ vì một chiếc vé
Chiều ngày 9.10, một nhóm người tự xưng là thương binh lại bao vây cổng VFF đòi mua vé xem trận đấu Việt Nam – Malaysia. Việc này không chỉ bôi xấu hình ảnh thương binh mà còn khiến nhiều khán giả phẫn nộ vì hình ảnh vô văn hóa, tục tĩu chưa từng có.
Tự xưng “thương binh” làm loạn, đòi vé tại VFF
Trước sự kiện bóng đá Việt Nam vs Malaysia vòng loại World Cup 2022 diễn ra tại sân vận động Mỹ Đình. Ở ngay cổng VFF, hàng trăm người tự xưng là “thương binh” đã có những hàng động quá khích, chửi bới, văng tục, thóa mạ những cảnh sát bảo vệ và nhân viên VFF chỉ vì…vé xem bóng đá.
Rồi cũng nhiều lần, những người tự xưng là thương binh đã có những hành động gây bức xúc trong xã hội khi mà phản ứng một việc gì đó. Họ đã tập trung hàng trăm xe ba gác ở cổng cơ quan công quyền, gây mất trật tự và làm ách tắc giao thông.
Không bàn đến chuyện vé sẽ được cung cấp như thế nào hay chính sách đầy đủ hay chưa, nhưng hành động của những người này thực sự phản cảm, làm ảnh hưởng đến danh dự những thương binh thật đang ngày đêm vật lộn với nỗi đau thương tật nhưng vẫn cố gắng sống có ích và tử tế như phẩm chất cao đẹp của người lính.
“Tao chờ 6 ngày để mua vé rồi, tao từng xem bóng đá Việt Nam từ thời U19, khi ông Park Hang Seo còn chưa dẫn dắt. Tao còn được mời đi ăn, có giấy VIP đấy,…”, “Tao từng lao xe ba gác vào trụ sở VFF. Cả thế giới biết tao là ai. Cái cổng này, tao muốn là trèo được”,… đó là lời của những người tự xưng thương binh bám chặt cánh cổng, liên tục la hét, chửi bới. Sau lưng ông ta, hàng chục người thoá mạ VFF bằng những từ ngữ tục tĩu.
Đáng buồn hơn, đây không phải lần đầu những kẻ tự xưng thương binh đến VFF đòi quyền lợi một cách thô bỉ. Năm ngoái, họ xông vào VFF làm loạn, đến mức
Liên đoàn bóng đá Việt Nam phải gửi công văn hoả tốc cầu cứu Bộ tư lệnh Thủ đô, dựng rào chắn để ngăn cản hàng xe ba gác “tấn công”.
Giữa thủ đô văn minh, những kẻ vỗ ngực là “thương binh” nhưng hành xử như đám Chí Phèo mất hết nhân cách chà đạp lên luật pháp, chửi bới cán bộ, càn quấy nơi công cộng, sỉ nhục những chiến sĩ bảo vệ an ninh. Không điều gì chúng không dám làm bởi suy nghĩ không ai cản được mình.
Lý do những kẻ xưng thương binh càn quấy là vì vé. Tuy nhiên, thông báo từ VFF cho biết thời gian được ấn định phát vé cho thương binh là sáng 10/10. Gần 40.000 vé được phân phát tới 40.000 người khác nhau, không phải ai cũng muốn là được ngay.
Đừng làm hoen ố hình ảnh bộ đội Cụ Hồ chỉ vì một chiếc vé
Những người thương binh chân chính nói họ bức xúc, đau đớn lắm khi nhìn thấy hình ảnh đó. Họ không muốn con cháu họ, thế hệ sau nhìn vào cảnh cào mặt ăn vạ đó để đánh giá thương binh như vậy. Nhưng thật đau lòng, những kẻ vỗ ngực xưng “thương binh” đó vẫn đang ngày ngày làm hoen ố hình ảnh người lính bộ đội Cụ Hồ, với phẩm chất cao quý “tàn nhưng không phế”.
Họ tự cho mình quyền phóng xe ba bánh bạt mạng, lạng lách, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ trước cái nhìn ngao ngán, khinh bỉ của bao người đi đường. Trên những chiếc xe ba bánh, thậm chí ghi rõ số hiệu đơn vị, năm chiến đấu, ảnh Bác và cờ Tổ quốc, họ ngang nhiên chở tôn sắc lẹm như máy chém nghênh ngang, bạt mạng trên phố, bất chấp tính mạng của bao người xung quanh.
Dù biện minh như thế nào thì việc phá rào, phá cửa, chống lại người thi hành công trong khuôn viên VFF là một hành vi vừa vi phạm pháp luật vừa kém văn minh. Huân, huy chương của Nhà nước tặng cho người lính là để ghi công trạng vì Tổ quốc, còn với bản thân người lính việc cống hiến cho Tổ quốc là lẽ đương nhiên, là trách nhiệm, nghĩa vụ theo nghĩa “trai thời loạn, gái thời bình”. Huân, huy chương, danh hiệu người lính cụ Hồ không phải là để đi mặc cả, tệ hơn nữa là “ăn vạ”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các anh hùng liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại cho chúng ta”.
Thực hiện tâm nguyện ấy của Người, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo thực hiện tốt công tác người có công với cách mạng. Truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trở thành nét đẹp trong văn hóa của dân tộc ta.
Đảng và Nhà nước ta cũng đã có rất nhiều chính sách đối với người có công và chính sách này ngày càng được đặc biệt quan tâm, xã hội hóa sâu rộng. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công từng bước được hoàn thiện.
Tại một cuộc họp với 500 thương binh mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn.
Phấn đấu đế hết năm nay, không còn gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo, đến năm 2020, đạt 100% gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú, giải quyết căn bản việc xác nhận hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công với cách mạng.
Cũng phải khẳng định, phần lớn gia đình người có công, trong đó có gia đình thương binh luôn phấn đấu vươn lên bằng ý chí và nghị lực phi thường, vượt qua nỗi đau để ổn định đời sống, đoàn kết giúp đỡ nhau, tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước.
Sống trong một đất nước văn minh, thượng tôn pháp luật, không thể để những người lợi dụng danh xưng thương binh để làm càn. Cần có sự vào cuộc của các cơ quan liên quan, xử lý nghiêm những người mạo danh, gây rối để giữ gìn môi trường văn hóa cũng như không làm tổn thương những người thương binh đã không tiếc máu xương để có cuộc sống tốt đẹp hôm nay
Phạm Minh Hà