+
Aa
-
like
comment

Dựng lại đống đổ nát tỷ USD, đại gia Bình Dương được tỷ phú Vượng gật đầu

25/06/2021 11:16

Doanh nghiệp từng số 1 trong ngành gỗ Việt Nam có cơ hội bứt phá sau khi đại gia gốc Bình Dương cam kết đổ cả tỷ USD để vực dậy doanh nghiệp này. Khoản nợ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng được chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi.

CTCP Gỗ Trường Thành (TTF) của ông Mai Hữu Tín vừa công bố danh sách nhà đầu tư tham gia đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ được thông qua tại ĐHCĐ thường niên 2021.

Theo đó, có 19 đơn vị tham gia mua gần 59,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp. Trong đó, hầu hết là cá nhân với 18 người và 1 nhà đầu tư tổ chức (CTCP Đầu tư phân phối Satico). Dự kiến, TTF sẽ thu về 595 tỷ đồng. 160 tỷ sẽ được TTF dùng để trả nợ gốc và lãi cho DongABank.

Nếu thành công, đây sẽ là bước ngoặt mới cho TTF. Doanh nghiệp gỗ từng là đầu ngành đã suy sụp dưới thời cha con ông Võ Trường Thành, nợ nần chồng chất và giá cổ phiếu xuống dưới 2.000 đồng/cp.

Cổ phiếu TTF hồi phục khá mạnh trong khoảng một năm qua, sau khi doanh nhân Mai Hữu Tín đổ tiền vào vực dậy doanh nghiệp này. Giá cổ phiếu hiện đã lên trên 7.200 đồng.

Việc phát hành riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp nếu thành công sẽ là một động lực lớn giúp doanh nghiệp này xóa nợ xấu và có thể vay ngân hàng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Giá cổ phiếu có thể hồi phục nhanh chóng.

Dựng lại đống đổ nát tỷ USD, đại gia Bình Dương được tỷ phú Vượng gật đầu
Ông Mai Hữu Tín.

Các cổ phiếu phát hành trong đợt này là cổ phiếu ưu đãi (với mức cổ tức cố định là 12%/năm) có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông tại bất kỳ thời điểm nào với tỷ lệ 1:1.

Cùng với đó, cũng theo TTF, công ty cũng phát hành riêng lẻ 40,5 triệu cổ phiếu. Đây là cổ phiếu ưu đãi hoán đổi nợ liên quan đến Tập đoàn Vingroup, đại diện bởi ông Bùi Hồng Minh.

Trước đó, Chủ tịch Mai Hữu Tín cho biết đã thuyết phục được phía Vingroup chuyển khoản nợ này thành cổ phần ưu đãi nhận cổ tức 6,5%/năm.

Như vậy, tổng cộng TTF dự kiến sẽ chào bán khoảng 100 triệu cổ phần mới, giá trị thu về 1.000 tỷ đồng với khoảng 600 tỷ hoán đổi nợ với Vingroup, 160 tỷ tất toán nợ quá hạn tại DongABank. Số tiền TTF thu về để đầu tư vào khoảng 240 tỷ đồng.

Trước đó, ông Mai Hữu Tín cho biết ông đặt cược rất lớn vào TTF với mục tiêu có thể thấp nhất 1 tỷ USD cho cuộc chơi này.

Gỗ Trường Thành từng được biết đến là một doanh nghiệp gỗ đầu ngành tại Việt Nam và từng được tỷ phú số 1 Phạm Nhật Vượng nhòm ngó thâu tóm để phát triển thành một công ty con phục vụ cho các công trình xây dựng của Vingroup.

Tuy nhiên, sau đó công ty con của Vingroup Tân Liên Phát đã rút lui vì phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng về tình hình kinh doanh tại TTF, chủ yếu liên quan đến hàng tồn kho và công nợ.

Sự việc bắt đầu sau khi đơn vị kiểm toán Ernst & Young từ chối đưa ra kết luận về báo cáo kết quả kinh doanh và lưu chuyển tiền tệ của công ty do không thể xác định chính xác doanh số bán hàng và giá trị hàng tồn kho bị “bốc hơi” gần 1.000 tỷ đồng sau kiểm kê.

Hồi giữa năm 2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với ông Võ Trường Thành và Võ Diệp Văn Tuấn (con ông Thành) về tội “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán”.

Dưới thời của ông Võ Trường Thành và con trai Võ Diệp Văn Tuấn, Gỗ Trường Thành gần như sụp đổ vì nợ nần. Cha con ông trùm ngành gỗ mất toàn bộ cơ nghiệp có lẽ cũng vì ham hố đầu tư lớn, vượt quá sức của doanh nghiệp trong khi ngành chế biến gỗ Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thị trường vốn, lao động và nguyên liệu trong nước không phải lúc nào cũng thuận.

Sau khi cổ đông lớn Tân Liên Phát rút lui, nhóm cổ đông do ông Mai Hữu Tín vào và vực lại TTF. Tuy nhiên, doanh nghiệp hàng đầu trong ngành gỗ vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo báo cáo, tính đến 31/12/2020, TTF còn lỗ lũy kế 2.984 tỷ đồng.

Hồi giữa 2019, ông Mai Hữu Tín lên nắm giữ chức vụ chủ tịch HĐQT của TTF. Cha con đại gia Võ Trường Thành cũng đã rút và bồi thường cho doanh nghiệp từng đứng đầu ngành gỗ. Dù vậy, khoản lỗ 3 nghìn tỷ đồng vẫn là một rào cản lớn cho các cổ đông mới.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index quay quanh ngưỡng 1.370-1.380 điểm.

Theo SHS, VN-Index đã có bốn phiên liên tiếp giao dịch với biên độ hẹp và thanh khoản khớp lệnh giảm dần. Với diễn biến nói trên thì cần có một phiên biến động mạnh cùng thanh khoản tăng để thị trường xác định xu hướng. Tuy nhiên khả năng trong phiên giao dịch cuối tuần 25/6, thị trường vẫn sẽ tiếp tục giằng co tại vùng giá hiện tại. Ngưỡng kháng cự gần nhất của VN-Index là quanh ngưỡng 1.400 điểm và ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn quanh 1.360 điểm (MA20).

Đóng cửa phiên giao dịch chiều ngày 24/6, chỉ số VN-Index tăng 2,85 điểm lên 1.379,72 điểm; HNX-Index giảm 0,72 điểm xuống 315,08 điểm. Upcom-Index giảm 0,36 điểm xuống 89,68 điểm. Thanh khoản đạt 21,3 nghìn tỷ đồng.

V. Hà

Bài mới
Đọc nhiều