Doanh nghiệp không bỏ cuộc để ‘cởi trói’ chính mình
Đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong giới doanh nhân khi họ không “kêu than” nữa, mà chủ động tham gia vào quá trình cải cách thủ tục hành chính, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
Chủ động, không mệt mỏi
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đến nay, hơn 50% các điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã được đơn giản hóa hoặc dỡ bỏ. Điều này rất có ý nghĩa đối với cộng đồng DN. Môi trường kinh doanh đã trở nên minh bạch và thông thoáng hơn, giúp tiết kiệm nhiều thời gian cũng như chi phí cho các DN.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng ngoài nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành, vai trò của DN cũng không kém phần quan trọng. Thời gian qua, đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong giới doanh nhân về những đóng góp cho cải cách thủ tục hành chính. Không chỉ “kêu than”, các DN còn chủ động tham gia vào quá trình cải cách thủ tục hành chính, đóng góp ý kiến từ thực tế và đề xuất những giải pháp để công cuộc cải cách thiết thực, hiệu quả hơn.
Chẳng hạn như lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, các quy định về quản lý an toàn được cho gánh nặng đối với DN. Để xin được giấy phép đưa sản phẩm mới ra thị trường, phải mất cả tháng chạy đi chạy lại giữa các cơ quan chức năng, xin đủ loại giấy phép, khiến họ rất khổ sở. Một sản phẩm không chỉ phải xin một giấy phép mà phải “cõng” hàng chục loại giấy phép con, đối với tất cả các nguyên liệu. Chỉ thay đổi một chi tiết nhỏ trong thành phần nguyên liệu, DN lại phải làm lại thủ tục…
Để thay đổi, nhiều DN đã liên tục gửi kiến nghị đến cơ quan chức năng. Có DN từ phía Nam thường xuyên ra Hà Nội dự các hội thảo để phản ánh về những bất hợp lý của các quy định và đề xuất thay đổi. Cuối cùng, Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm, thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP được ban hành.
Theo đó, từ ngày 2/2/2018, các DN sản xuất kinh doanh thực phẩm đã không còn phải xin bất kỳ giấy phép nào, chỉ cần tự công bố. Việc tự công bố cũng rất đơn giản. Ngay sau khi công bố xong, DN có quyền sản xuất kinh doanh, phân phối lưu thông các sản phẩm thực phẩm. Cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra sản phẩm lưu thông trên thị trường, xem có đúng với những gì DN công bố hay không. Tức là, chuyển từ việc quản bằng các giấy phép sang kiểm tra khi lưu hành trên thị trường.
Có thể nói, đây là sự thay đổi lớn về cải cách thủ tục hành chính thời gian qua và DN đóng vai trò rất quan trọng vào quá trình này.
Hay như quy định về kinh doanh khí (Nghị định 19/2016/NĐ-CP) yêu cầu thương nhân kinh doanh gas phải có các bồn chứa với tổng sức chứa tối thiểu 300m3, có 100 chiếc bình loại 12kg,… khiến DN ở các tỉnh miền núi lo ngại sẽ đóng cửa hoặc phá sản hàng loạt. Nhiều DN từ Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên,… đã nhiều lần về Hà Nội gặp gỡ các cơ quan chức năng, báo chí để phản ánh tình hình thực tế và cho rằng có sự can thiệp quá sâu của cơ quan chức năng vào hoạt động kinh doanh.
Cuối cùng, đến năm 2018, những quy định gây khó cho DN đã được bãi bỏ hết bằng một Nghị định mới (Nghị định 87/2018/NĐ-CP) rất thông thoáng, giúp các DN được “cởi trói” khỏi những điều kiện kinh doanh rối rắm, gây khó khăn trong việc gia nhập và cạnh trạnh trên thị trường.
Phải khẳng định rằng, đóng góp của các DN cho công cuộc cải cách thủ tục hành chính, thời gian qua rất lớn và có ý nghĩa. Nếu không tâm huyết với công việc kinh doanh, thì chắc chắn nhiều người đã bỏ cuộc, ông Lộc nhận xét.
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, cho rằng, các DN giờ không còn thụ động nữa. Họ chủ động lên tiếng về những phiền hà, phức tạp của thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Nhiều DN đã thông qua các hiệp hội ngành nghề, VCCI và báo chí để phản ánh cũng như đề xuất thay đổi, nên có hiệu quả. Nhiều quy định đã phải sửa đổi, góp phần mang lại môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
Chặng đường còn dài
Dù vậy, môi trường kinh doanh vẫn còn có nhiều điểm nghẽn. Điều tra của VCCI cho thấy, 16% DN được hỏi cho hay phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ tất cả các giấy tờ cần thiết khác ngoài giấy chứng nhận đăng ký DN để chính thức đi vào hoạt động. Con số này có dấu hiệu gia tăng trong 5 năm trở lại đây. Có tới 34% DN gặp khó khăn khi xin các giấy chứng nhận ngành nghề kinh doanh có điều kiện, 30% DN gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy, 29% DN gặp khó khăn khi xin cấp giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, hoặc các loại giấy chứng nhận khác. Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực vẫn rất phiền hà, cụ thể như đất đai (30%), thuế (28%) và bảo hiểm xã hội (25%).
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, khi hỏi các DN, họ đều trả lời đã thấy nỗ lực xóa bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho DN nhưng mới chỉ ở tầm Chính phủ. Còn về đến bộ, ngành, địa phương nỗ lực ấy giảm đi nhiều. “Cho nên, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là vô cùng bức bách ở Việt Nam”, bà Lan nói.
Luật sư Trương Thanh Đức đánh giá, dù có những cải cách đáng kể nhưng nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh vẫn nhức nhối, gây khó khăn cho DN. Lên tiếng nhiều, nhưng đến nay vẫn chưa được sửa đổi. Các cơ quan chủ trì soạn thảo thường mắc vào tình trạng cục bộ, bảo vệ lợi ích của mình, thậm chí có lợi ích nhóm. Vì vậy, DN kiến nghị nêu giải pháp nhiều mà thấy mọi thứ vẫn chậm, vẫn ì ra nên chán nản.
Diễn đàn Kinh tế thế giới vừa công bố báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của 141 nền kinh tế năm 2019, trong đó Việt Nam tăng 10 bậc từ vị trí 77 năm 2018 lên 67, vị trí cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Tuy nhiên, so với trong khu vực vẫn xếp sau các nước như Malaysia thứ 27, Thái Lan thứ 40, Indonesia 50, Brunei 56 và Philippines 64.
Do đó, cộng đồng DN đề xuất cần thúc đẩy mạnh hơn các cải cách thể chế, pháp lý, tăng tốc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; dành ưu tiên nhiều hơn nữa cho đầu tư khoa học công nghệ, nghiên cứu và phát triển, đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng kỹ thuật số, để thúc đẩy và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trần Thủy/Vietnamnet