Dừng hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người
Việc tạm dừng sẽ kéo dài ít nhất trong 2 tuần, kể từ 28.3. Chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người sẽ bị xử lý nghiêm.
* Cấm tụ tập hơn 10 người ở ngoài các công sở, trường học, bệnh viện
Đó là nội dung được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ ngày hôm qua (26.3) về tình hình phòng chống dịch Covid-19 trong giai đoạn mới.
Đóng cửa dịch vụ không thiết yếu
Dẫn lại tình hình dịch của Mỹ mà có ý kiến khuyến nghị nên tham khảo để rút kinh nghiệm, Thủ tướng cho hay vào đầu tháng 3, nước này khi ấy có 100 trường hợp nhiễm Covid-19, nhưng sau 3 tuần số ca nhiễm đã lên tới 55.000 người và đến ngày 22.3 đã phải tuyên bố tình trạng thảm họa, đóng cửa bang California, khi đã quá muộn. Đáng lẽ Mỹ nên đóng cửa vào 12.3 khi số ca nhiễm còn 1.000 người. “Việt Nam nghiên cứu vấn đề này như thế nào. Liệu có nên tạm thời đóng cửa tất cả các hoạt động và đi lại của người dân khi số ca nhiễm còn thấp, không phải con số 1.000”, Thủ tướng nêu vấn đề.
Nhắc lại dự báo, chúng ta có 2 tuần để hành động và vi rút sẽ lây lan nhanh hơn nếu không triển khai phòng, chống kịp thời, quyết liệt, Thủ tướng yêu cầu ít nhất trong 2 tuần tới, người đứng đầu chính quyền các cấp tạm dừng tất cả hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người.
Cấm tụ tập nhiều hơn 10 người ở bên ngoài các công sở và trường học, bệnh viện. Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo; xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người.
Thủ tướng cũng nhắc nhở UBND Q.Tây Hồ (Hà Nội) trong ngày 24.3 (mùng 1 tháng 3 âm lịch) đã để quá đông người dân đến chùa chiền ở khu vực này. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đóng cửa các dịch vụ không cần thiết, như: massage, vũ trường, các cơ sở du lịch, tham quan; các tụ điểm vui chơi, giải trí, quán bia hơi, nhà hàng ăn uống…
Đối với Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thủ tướng cho rằng cần thực hiện đóng cửa toàn bộ các cơ sở dịch vụ, trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh. “Chúng ta bảo đảm nhu cầu cần thiết cho nhân dân, những dịch vụ không cần thiết trong lúc này thì tạm thời đóng cửa”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tạm dừng hoặc chỉ tổ chức rất ít chuyến giao thông công cộng. Bộ GTVT được giao nhiệm vụ chỉ đạo hạn chế bay từ 2 TP lớn đến các địa phương khác. Trong khi đó, người dân được yêu cầu ở lại nhà, trừ trường hợp thực sự cần thiết mới ra ngoài. Đối với người dân từ các khu vực, địa phương đang có dịch thì chính quyền sở tại có trách nhiệm quản lý như đi từ vùng dịch. Thời gian thực hiện các biện pháp này là từ 0 giờ ngày 28.3 và kéo dài trong một tuần. Việc xem xét kéo dài thêm vài tuần hay không sẽ được quyết định cụ thể sau, tùy vào tình hình thực tế diễn biến dịch bệnh.
Chuẩn bị biện pháp cho “thời kỳ tiền khẩn cấp”
Với các cơ sở khám chữa bệnh, thực hiện việc xét nghiệm các nhân viên y tế ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm. Thủ tướng giao Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể, không để bệnh viện thành nơi tập trung đông người dễ lây nhiễm. Tạm thời đóng cửa các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu trên toàn quốc. Ngành y tế có biện pháp cách ly các bác sĩ (BS), nhân viên y tế làm tại các cơ sở chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Chính quyền địa phương, các ngành, đặc biệt là ngành y tế có trách nhiệm hỗ trợ việc cách ly này để các thầy thuốc yên tâm làm việc. “Tinh thần là có phương án chăm sóc tốt hơn cho các BS, nhân viên y tế, nhất là tại các bệnh viện trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19”, Thủ tướng nhấn mạnh nhằm bảo toàn đội ngũ y tế để có sức chiến đấu lâu dài trong mùa dịch.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện nghiêm khắc quản lý biên giới đường bộ, đường hàng không, đường thủy. Thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung, không được đến thăm, mang đồ ăn uống tới nơi cách ly và giám sát việc cách ly chuyên biệt.
Trước đó, Thủ tướng cho biết Bộ Tư pháp đã soạn thảo một số chủ trương, biện pháp trong thời kỳ “tiền khẩn cấp”. Người đứng đầu Chính phủ cũng đã trao đổi với các ngành, đặc biệt là khối sản xuất, tài chính, ngân hàng, công thương… để tới đây sẽ có hội nghị của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các địa phương, các bộ trưởng, các ngành liên quan nhằm giải quyết 4 việc: tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tập trung giải ngân vốn đầu tư công với số vốn trên 650.000 tỉ đồng; quan tâm hơn nữa đến an sinh xã hội, một số biện pháp bảo đảm cuộc sống cho người lao động; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Phòng lây lan rộng trong cộng đồng
PGS-TS Trần Đắc Phu, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, cho biết dịch đã có diễn biến bắt đầu lây lan trong cộng đồng, nên càng cần quyết liệt áp dụng biện pháp chống lây lan chủ động, không chờ có ca bệnh xác định.
Đó là không tập trung đông người, hạn chế đến nơi công cộng, hạn chế tham gia phương tiện công cộng vì bệnh lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc gần, qua giọt bắn; giữ khoảng cách xa sẽ ngăn được lây nhiễm. Các khuyến cáo của Bộ Y tế đã nêu rất rõ và đặc biệt Thủ tướng đã chỉ đạo, từng địa phương cũng đã có phương án phù hợp, đòi hỏi mỗi người dân cần thực hiện thật nghiêm.
Còn theo PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), quá trình điều trị cho người bệnh Covid-19, hệ thống các bệnh viện đã có nhân viên y tế đầu tiên bị lây nhiễm Covid-19. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 ngày 26.3 đã có văn bản đề nghị toàn bộ các sở Y tế, bệnh viện, cơ sở y tế và người hành nghề khám, chữa bệnh nghiêm túc và quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng chống lây nhiễm cho nhân viên y tế, tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
Theo đó, bệnh viện cần dự trù và cung cấp đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế. Trong trường hợp cơ sở y tế thiếu, không mua được phương tiện phòng hộ, cần báo cáo ngay với cơ quan quản lý trực tiếp và Ban chỉ đạo các cấp để tìm giải pháp khắc phục. Ông Khuê lưu ý, trong các kỹ thuật điều trị, chăm sóc người bệnh có tạo ra các hạt khí dung như gây mê, đặt nội khí quản… có nguy cơ lây nhiễm cao, yêu cầu người hành nghề tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn, chỉ thực hiện khi đã trang bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ chuyên dùng.
Ông Khuê cũng yêu cầu các bệnh viện cần chú ý bố trí khu vực sinh hoạt của nhân viên y tế cách xa khu vực cách ly và điều trị người bệnh (căn cứ trên điều kiện thực tế của đơn vị). Nhân viên y tế làm việc tại các bệnh viện có điều trị bệnh nhân Covid-19 nói chung và các khu cách ly nói riêng, cần hạn chế tối đa đến các khu vực đông người và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Phạm Anh/TN