+
Aa
-
like
comment

Đừng dùng suy nghĩ thô thiển để chia rẽ người Việt xa quê

An Diễm - 19/11/2021 17:04

Vừa qua, Vietnam Airlines đã chính thức nhận chứng chỉ cấp phép khai thác thường lệ các chuyến bay thẳng thương mại không điểm dừng giữa Việt Nam và Mỹ. Đây là tin rất vui cho hơn 2,2 triệu kiều bào Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Mỹ. Tuy nhiên, lạc lõng giữa niềm vui này lại xuất hiện những lời kích động ám chỉ là Vietnam Airlines sẽ lấy giá vé “cắt cổ” với Việt kiều Mỹ.

Như trang mạng Tiếng Dân News đã bịa ra câu chuyện đối thoại giữa hai nhân vật. Trong đó, một nhân vật thắc mắc vì chưa thấy Vietnam Airlines thông báo giá vé máy bay chiều từ Mỹ về Việt Nam. Sau đó, lấy giá vé từ những chuyến bay “giải cứu” công dân về nước trong thời dịch bệnh để ám chỉ Vietnam Airlines sẽ tính giá “cắt cổ”. Đây hiển nhiên là một chi tiết bịa đặt, vì báo chí đã công khai thông tin là giá vé bay vào khoảng 1.000 USD/chiều, tức là cả chiều đi lẫn chiều về đều có cùng mức giá như vậy. Ngoài ra, Mỹ là thị trường lớn, tiềm năng nhưng cũng cạnh tranh bậc nhất thế giới, không hề “dễ xơi” cho bất kỳ hãng hàng không nào. Nếu áp đặt giá vé không cạnh tranh thì kiều bào Việt Nam ở Mỹ có vô số lựa chọn thay thế, và hãng hàng không sẽ bị vắng khách và thua lỗ.

Còn giá vé của các chuyến bay “giải cứu” công dân mùa dịch bệnh vì sao phải cao?

Ngoài chi phí cho việc cách ly theo dõi sức khỏe cho hành khách sau khi nhập cảnh thì phải huy động mọi nguồn lực, tính toán các phương án tối ưu vừa bảo đảm sức khỏe cho hành khách vừa giải quyết những tình huống bất thường. Do đó, các chuyến bay giải cứu thường phải lắp đặt thêm nhiều thiết bị y tế hỗ trợ bệnh nhân như máy lọc không khí, máy thở, giường bệnh dã chiến. Thậm chí, để kịp thời gian “giải cứu” hành khách và đúng quy định của các nước như Mỹ, Canada, hãng phải thuê luật sư, đối tác tư vấn làm dịch vụ xin cấp phép bay. Có chuyến hãng phải chi tới 700 triệu đồng (khoảng 30.000 USD). Hoặc chi trả mức phí phục vụ mặt đất, nạp nhiên liệu… ở mức gấp nhiều lần thông thường do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thậm chí, tất cả các chuyến giải cứu đều chỉ có thể khai thác một chiều.

Xin nhấn mạnh, với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, Vietnam Airlines là một trong những hãng hàng không góp phần đưa về nước hơn 27 nghìn công dân từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đằng sau mỗi hành trình trở về đong đầy cảm xúc ấy là tinh thần chở che mọi công dân của Việt Nam trong cơn hoạn nạn, là sự tương thân, tương ái thiêng liêng hai tiếng “đồng bào”. Vậy nên, đừng phủ nhận sự nỗ lực ấy bằng việc gán ghép vào giá vé. Cũng đừng dùng nó để làm cái cớ chia rẽ đồng bào vì kệch cỡm và gượng ép lắm.

Bài viết của Tiếng Dân News vừa thể hiện sự hiểu biết kém cỏi lại vừa đầy thủ đoạn, âm mưu. Chúng muốn chia rẽ tình đoàn kết dân tộc, bôi nhọ uy tín những công ty biểu tượng của quốc gia, và sâu xa hơn là muốn làm hoen ố hình ảnh của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.

An Diễm 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều