Đừng đùa với chủ quyền của Việt Nam
Liên tiếp những tổ chức, đơn vị sử dụng bản đồ không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa khiến dư luận phẫn nộ cùng cực. Nếu như đó là những tổ chức nước ngoài thì đã không chấp nhận được nay đến cả thương hiệu Việt cũng không xem trọng chủ quyền dân tộc thì không còn gì để nói.
Khi sự kiện công ty Cổ phần sự kiện Peak, đơn vị tổ chức giải bơi quốc tế Oceanman bị phạt 25 triệu đồng vì dùng bản đồ chú thích sai về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và buộc phải dừng tổ chức sự kiện bơi lội quốc tế ngoài trời Oceanman năm 2023 tại Khánh Hòa chưa hết nóng, thì trong hai ngày 8 và 9/4, nhiều người dùng ứng dụng đặt xe trực tuyến Grab phát hiện bản đồ trên ứng dụng thể hiện thông tin sai lệch nghiêm trọng về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Cụ thể, tại khu vực quần đảo Trường Sa, bản đồ của Grab chỉ thể hiện tên tiếng Việt đối với đảo Sơn Ca và Sinh Tồn. Nhiều đảo, quần đảo và khu vực khác thể hiện bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, trong đó có nhiều tên bị ghi trái phép cho các khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam. Bãi Chữ Thập, thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, bản đồ Grab chú thích “Nansha District” tức “huyện Nam Sa”. Nam Sa là tên gọi phi pháp mà Trung Quốc dùng để gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bãi đá Vành Khăn thuộc chủ quyền Việt Nam bị chú thích theo cách gọi phi pháp của Trung Quốc là Meiji Jiao, tức đảo Mỹ Tế và ghi chú đảo Mỹ Tế, Tam Sa, Trung Quốc. Thành phố Tam Sa là chính quyền phi pháp do Trung Quốc lập ra để quản lý nhiều quần đảo, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.Ngoài ra, một số đảo khác thuộc chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông cũng bị chú thích sai lệch.
Và rồi khi lời xin lỗi lấp liếm về bên thứ ba của Grab vẫn chưa được chấp nhận thì một sự việc nữa khiến dư luận bùng nổ. Đó là thương hiệu thời trang của Việt Nam Yody có đăng đoạn clip kỷ niệm 9 năm thành lập nhưng ở phần bản đồ biểu thị cho các chi nhánh của Yody lại không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính người Việt còn không tôn trọng và ý thức rõ sự quan trọng của chủ quyền dân tộc thì đòi hỏi ai đây?
Câu chuyện đấu tranh chủ quyền cho Hoàng Sa và Trường Sa kéo dài từ quá khứ cho đến thực tại và tất nhiên cả tương lai.Với sự bành trướng trên biển Đông của Trung Quốc vấn đề này nóng hơn bao giờ hết. Có thể có những khó khăn, có thể có những khúc mắc, có thể đã có những sức ép từ ngoại giao nhưng chưa bao giờ Việt Nam từ bỏ chủ quyền với hai quần đảo này. Bởi nó là máu của những người anh hùng cùng xương thịt của họ hòa vào trong biển để xây lên cột mốc chủ quyền dân tộc. Và vì thế, không chỉ con cháu người Việt mà bất cứ tổ chức, doanh nghiệp nào muốn đặt chân đến Việt Nam, kiếm tiền từ người dân Việt Nam thì buộc phải ghi nhớ và nằm lòng điều đó.
Không thể nào chấp nhận được lý do bao biện rằng do lỗi của một bên thứ ba nên Grab hay Peak vô can trong chuyện này được. Sự đổ lỗi càng khiến mọi chuyện đi quá xa và càng khiến dư luận cảm thấy có sự lấp liếm và chạy tội nhiều hơn. Xin lỗi như cái cách mà Peak hay Grab là không chấp nhận được, chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia đâu phải cứ làm sai xin lỗi là xong. Trong khi rõ ràng đây là tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài lớn có hẳn một đội ngũ làm truyền thông.
Khi Peak thiếu tôn trọng, chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã gạt bỏ lợi ích rất lớn về kinh tế để ngừng tổ chức giải thi bơi lội ngoài trời lớn nhất hành tinh. Quyết định này đã nhận được sự ủng hộ to lớn của dư luận. Mới đây, trong đêm Yody đã gửi lời xin lỗi khách hàng nhưng điều đó chỉ ghi nhận tinh thần cầu thị. Và tin chắc rằng sắp tới đây những gì mà Grab hay Yody phải đón nhận cũng không hề dễ chịu. Đừng đùa với chủ quyền của Việt Nam!
Công Luân