+
Aa
-
like
comment

Đụng độ Trung-Ấn: “Dạy một bài học” cho Ấn Độ như với Việt Nam?

Thu An - 27/06/2020 20:15

Tạp chí US News and World Report đã tiết lộ danh tính của tướng Trung Quốc – người đã ra lệnh tấn công vào binh lính Ấn Độ vào hôm 15/06. Theo nhân vật này, cuộc “đối đầu” vừa qua là một “bài học dạy cho Ấn Độ”. Ý muốn giáo huấn Ấn Độ không khỏi gợi lại một cuộc chiến khác mà Trung Quốc đã khởi động, tấn công vào các tỉnh biên giới miền Bắc Việt Nam vào năm 1979, mà theo lời lãnh đạo Trung Quốc thời đó là Đặng Tiểu Bình, cũng nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ vừa xảy ra đụng độ đẫm máu ở thung lũng Galwan, khu vực đông Ladakh trên Đường kiểm soát thực tế (LAC). Vụ đụng độ khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và ít nhất 76 người khác bị thương. Đây được coi là vụ đụng độ tồi tệ nhất giữa hai bên trong 4 thập kỷ, gây lo ngại về nguy cơ bùng phát xung đột quân sự quy mô lớn giữa hai cường quốc hạt nhân châu Á. Ai là người đã khơi mào cho sự cố biên giới? Câu hỏi này đến giờ chưa có lời giải đáp rõ ràng khi cả 2 nước vẫn đổ lỗi cho nhau. Trong bối cảnh đó, tạp chí Mỹ US News and World Report đã tiết lộ nội dung một thẩm định của tình báo Mỹ theo đó thì chính phía Trung Quốc đã ra lệnh tấn công vào lính Ấn Độ ở vùng thung lũng sông Galwan.

Tạp chí Mỹ đã trích dẫn một nguồn tin biết rõ bản báo cáo của tình báo Mỹ xác nhận rằng tướng Triệu Tông Kỳ (Zhao Zongqi), tư lệnh Chiến Khu Tây Bộ của Quân Đội Trung Quốc, là người đã tán đồng chiến dịch tấn công ở vùng biên giới tranh chấp, nằm ở phía bắc Ấn Độ, nhưng ở phía tây nam Trung Quốc.

Theo tin tức của tình báo Mỹ cho biết, ngày 15/6, một quan chức cấp cao của quân đội Ấn Độ và và hai binh sĩ đã không mang theo bất cứ vũ khí gì đi đến địa điểm gặp mặt với phía Trung Quốc, họ dự tính sẽ gặp mặt với đoàn đại diện của phía quân đội Trung Quốc với số người tương đương với phía Ấn Độ để thảo luận về việc rút quân. Nhưng chờ đợi họ lại là hàng chục quân nhân Trung Quốc tay cầm gậy bọc gai thép, và phát động tấn công nhắm vào họ. Những quân nhân Ấn Độ khác kịp đến chi viện, và dẫn đến xảy ra sự kiện xung đột đẫm máu.

Tướng Triệu Tông Kỳ

Theo nguồn tin trên, viên tướng họ Triệu là một trong số rất ít cựu binh có kinh nghiệm chiến trường thực thụ còn phục vụ trong quân đội Trung Quốc. Là người đã giám sát những vụ đối đầu với Ấn Độ trước đây, tướng Triệu Tông Kỳ từng cho rằng Trung Quốc không nên tỏ ra mềm yếu để khỏi bị Mỹ và đồng minh của Mỹ, kể cả Ấn Độ, lợi dụng. Theo nhân vật này, cuộc “đối đầu” vừa qua là một “bài học dạy cho Ấn Độ”.

Ý muốn giáo huấn Ấn Độ không khỏi gợi lại một cuộc chiến khác mà Trung Quốc đã khởi động, tấn công vào các tỉnh biên giới miền Bắc Việt Nam vào năm 1979, mà theo lời lãnh đạo Trung Quốc thời đó là Đặng Tiểu Bình, cũng nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học”. Theo nhận định chung của giới sử gia, Trung Quốc đã bị thua Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới đó. Trung Quốc đã không tiêu diệt được các cánh quân chủ lực nào của Việt Nam. Trung Quốc cũng không thể chiếm giữ các vùng đất của Việt Nam được. Cuộc chiến biên giới cũng không khiến Việt Nam rút quân khỏi Campuchia như Trung Quốc mong đợi. Trung Quốc cũng không thể dùng cuộc chiến này mà buộc Việt Nam thay đổi các chính sách đối ngoại được.

Theo ghi nhận của tình báo Mỹ, tướng Triệu Tông Kỳ cũng là người đã từng tham gia cuộc chiến ngắn nhưng khốc liệt với Việt Nam vào năm 1979, từng cho rằng các tướng lãnh Trung Quốc thời đó đã không xử lý đúng đắn cuộc xung đột với Việt Nam. Thế nhưng, chính ông ta lại không coi đó là bài học mà lại phạm sai lầm ngay với Ấn Độ.

Người dân Ấn Độ đốt cờ TRung Quốc và hình ảnh của Chủ tịch Tập Cận BÌnh

Sai lầm này đã châm ngọn lửa tức giận mãnh liệt tại Ấn Độ. Việc “dạy cho Ấn Độ một bài học” nhằm khiến nước này càng phục tùng Trung Quốc hơn trong các cuộc đàm phán trong tương lai, bao gồm cả vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Nhưng tình hình phát triển sau đó dường như đã có tác dụng ngược, sự kiện này lại khiến Ấn Độ càng tẩy chay Trung Quốc, khiến Ấn Độ sát lại gần Mỹ hơn. Quân đội Ấn Độ gần đây cũng đã thay đổi quy tắc giao chiến, cho phép binh sĩ sử dụng súng đạn ở biên giới, thay vì nghiêm cấm nổ súng như trước đây.

Mấy tháng qua Mỹ vẫn luôn gây áp lực cho Ấn Độ, yêu cầu Ấn Độ phải từ chối để cho hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc là Huawei tham gia vào xây dựng mạng 5G tại Ấn Độ. Sau khi trải qua sự kiện xung đột tuần trước, người dân Ấn Độ đã xóa ứng dụng TikTok phiên bản quốc tế trên điện thoại của mình, và tiêu hủy điện thoại Trung Quốc sản xuất.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 24/6 đưa tin, việc ách tắc các lô hàng Trung Quốc tại cảng Chennai – đầu mối vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau bao gồm xe hơi, linh kiện, phân bón và các sản phẩm dầu mỏ – có thể khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Mặc dù chưa có mệnh lệnh chính thức từ chính phủ Ấn Độ, nhưng cơ quan hải quan Chennai đã thông báo với các nhà nhập khẩu rằng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ được rời khỏi cảng sau khi đã được kiểm tra bổ sung. Các lô hàng nhập khẩu thông thường chỉ bị kiểm tra ngẫu nhiên và không bắt buộc soi chiếu.

Đầu tháng này, Ấn Độ đã thay đổi các quy định mua hàng của các cơ quan chính phủ, theo đó các nhà cung cấp bắt buộc phải đề cập đến xuất xứ hàng hóa nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa nội địa và tránh xa các nhà cung cấp Trung Quốc.

Theo nhận định của tình báo Mỹ, “Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì mà ban đầu Bắc Kinh muốn. Đây không phải là thắng lợi của phía Trung Quốc”.

Thu An (TH)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều