Đừng để tiếng nói tâm huyết của vị Bộ trưởng lẻ loi trước Quốc hội
Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội vừa mới đây đã thu hút sự chú ý của dư luận khi đích thân Bộ trưởng Bộ Công an – Đại tướng Tô Lâm bày tỏ sự sốt ruột, trăn trở về 2 dự luật rất quan trọng mà Bộ đã báo cáo Chính phủ và với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến, đặt ra lộ trình để thực hiện rồi, nhưng cho đến hôm nay lại chưa thấy có tên trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2020 và năm 2021.
Xây dựng Luật là để hình thành cơ sở pháp lý, và khi đã có cơ sở pháp lý thì đó là căn cứ để xử lý các vi phạm. Theo sự tiến bộ của xã hội và thực tiễn, các dự án Luật mới được ra đời để thay thế cái cũ, để phù hợp hơn cho sự vận hành của cuộc sống. Dự án Luật đổi mới, bổ sung càng sớm được thông qua thì người dân càng được thụ hưởng lợi ích sớm. Đó có lẽ là lý do khiến người đứng đầu ngành Công an cảm thấy sốt ruột, chờ giai đoạn cuối để hai bộ Luật được Quốc hội biểu quyết.
Thật sự mà nói, những điều Bộ trưởng Tô Lâm sốt ruột cũng là điều mà khá nhiều người dân sốt ruột, chờ mong. Hiện tại, công tác quản lý chồng chéo, bất cập gây khó cho ngành Công an trong công tác đảm bảo an ninh trật tự – cho người dân tham gia giao thông.
Đơn cử các quy định về sát hạch cấp giấy phép lái xe; quản lý cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe hiện nay không được quy định trong luật mà quy định trong thông tư của bộ quản lý chuyên ngành, việc cấp, quản lý giấy phép lái xe còn sơ hở, bất cập. Qua các công tác nghiệp vụ, lực lượng Công an đã phát hiện nhiều trường hợp lái xe sử dụng chất ma túy, lái xe không biết chữ, có trường hợp mắc bệnh tâm thần vẫn được cấp giấy phép lái xe, có trường hợp đang trong thời gian chấp hành án vẫn được đổi giấy phép lái xe… Việc quản lý giấy phép lái xe chưa gắn với quản lý vi phạm của người tham gia giao thông.
Theo thống kê, nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ. Trong nhiều vụ tai nạn giao thông, trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lái xe gây tai nạn mà chưa gắn trách nhiệm của các cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Cụ thể hóa trong dự án Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đưa nhiều quy định tại các Thông tư, Nghị định liên quan đến đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Trong đó, quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhà nước và nhân dân. Đặc biệt, dự thảo luật của Bộ Công an cũng quy định cụ thể về điều kiện tham gia giao thông; trách nhiệm của chủ xe cơ giới; cấp, thu hồi đăng ký và biển số xe cơ giới; bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ…
Khi xem về Dự thảo Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có thể nói từng nội dung khá chi tiết, rành mạch, quản lý chặt chẽ người tham gia giao thông và thể hiện rõ nét tính kiến tạo, xã hội hóa. Với dự Luật này, quyền sống của con người – khi tham gia giao thông cũng được nâng lên, được quan tâm nhiều hơn, được bảo vệ nhiều hơn khi công tác siết chặt quản lý từ chủ phương tiện, người tham gia điều khiển phương tiện được quy định rõ ràng trong dự thảo.
Và với dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, sáng kiến huy động các lực lượng quần chúng cùng phối hợp lực lượng Công an chính quy, tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự là một trong những chiến lược phù hợp, phát huy được sức mạnh đoàn kết của toàn dân, và giúp cho công tác đảm bảo an ninh tại cơ sở được chủ động, xử lý nhanh các vụ việc. Đặc biệt, khi quyền lợi của người dân gắn liền với trách nhiệm thì ý thức thiết lập nên trật tự an toàn xã hội trong nhân dân sẽ nâng cao hơn, tội phạm từ đó cũng sẽ co cụm, độ manh động sẽ giảm đi ít nhiều khi có nhân dân là tai mắt, tham gia điều tiết xã hội.
Sứ mệnh cao cả, thiêng liêng của lực lượng công an là phục vụ người dân, góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho người dân, tuy nhiên trách nhiệm đó với người đứng đầu lực lượng công an càng nặng nề hơn. Kiến tạo xã hội trật tự, thiết lập “quỹ đạo” đem lại cuộc sống bình an cho người dân chính là điều cốt lõi để giúp người dân yên ổn để sống, để làm việc, để gây dựng kinh tế gia đình và đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Nhưng, đó là việc không dễ dàng và để 2 dự án Luật của ngành Công an như Bộ trưởng nêu trên sớm được thông qua, đưa vào thực tiễn, thì cần có sự chung tay của nhiều cá nhân có trách nhiệm. Nếu như tất cả đều sốt ruột, thì chẳng mấy chốc dự Luật mới, đầy đủ và thiết thực sẽ sớm được người dân thụ hưởng, chất lượng đời sống của người dân cũng thay đổi theo hướng tích cực ít nhiều.
Một tiếng vỗ tay, hai tiếng vỗ tay hay hàng chục tiếng vỗ tay sẽ khó tạo nên dàn đồng ca, nhưng nhiều cánh tay của ban ngành và tất cả Đại biểu Quốc hội cùng chung một hành động thì sẽ khác. Đừng để vị Bộ trưởng đứng đầu một ngành và tâm huyết của tập thể cán bộ, chiến sĩ soạn dự án Luật đơn độc, lẻ loi.
Hải Yến