+
Aa
-
like
comment

Đừng để sự hy sinh của những chiến sỹ tuyến đầu trở nên vô nghĩa

Diệu Hương - 27/08/2021 07:06

Chiến trường nào cũng biết bao gian khổ, trận chiến nào cũng có những mất mát hy sinh. Trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay đã đọng lại nhiều hình ảnh xúc động, chạm đến trái tim của hàng triệu người Việt Nam.

Chỉ trong những ngày đầu tháng 8 này, 2 chiến sỹ Công an ở hai địa phương là TP.HCM và Tây Ninh, một nữ hộ sinh ở Bình Dương đã hy sinh khi làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19. Họ ra đi khi đang ở giai đoạn đẹp nhất cuộc đời, để lại nơi trần thế là bao hoài bão, ước mơ còn dang dở. Ở một hoàn cảnh khác, trong một bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở TP.HCM, một nữ bệnh nhân lớn tuổi được một y tá trẻ trong một bộ đồ bảo hộ kín mít bón từng thìa cháo, kèm theo đó là những lời động viên nhẹ nhàng. Nước mắt bệnh nhân trào ra vì cảm động. Trong ranh giới sinh tử không có người thân bên cạnh, bà đã cảm nhận rõ tình người của các y, bác sỹ. Nắm tay người y tá, bà chia sẻ: “Phần đời còn lại của bà không bao giờ quên được ân tình này”.

Đó chỉ là một phần của rất nhiều câu chuyện xúc động về sự hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Hơn 11 nghìn y, bác sỹ đã chi viện cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam, hơn 900 y, bác sỹ đã mắc Covid-19, cho nên mỗi chúng ta, mỗi gia đình hãy trân trọng sự bình an đang có, đừng để những mất mát, hy sinh trở nên vô nghĩa.

Hãy nhìn vào hệ thống y tế quá tải vì bệnh nhân Covid-19 tăng nhanh, hãy nghĩ đến 9.667 bệnh nhân Covid-19 nặng đã không qua khỏi lưỡi hái của tử thần. Trong lúc chống dịch đang ở giai đoạn cam go, quyết liệt lúc này, mỗi người dân cần thực sự là một chiến sỹ; mỗi gia đình cần thực sự là một pháo đài; mỗi cư dân cần thực sự phải là một chiến khu để thực hiện các biện pháp chống dịch của Chính phủ.

Khi TP.HCM tuyên bố sẽ kéo dài giãn cách thêm 1 tháng, nhiều lao động đang ở thành phố có ý định trở về địa phương, song điều này là không thể vì nhiều địa phương không đủ năng lực tiếp nhận và làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Chính phủ chỉ đạo rõ việc đảm bảo hỗ trợ không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Chính quyền các địa phương và các nhà hảo tâm cũng luôn chung tay để hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn. Do đó, bất kỳ ai cũng cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng “ai ở đâu hãy ở yên đó”. Hãy nghĩ đến rủi ro khi mang dịch bệnh về nhà cho người thân, cho cộng đồng như trường hợp ở Ninh Thuận, phát hiện hơn 400 trong số hơn 2000 ngàn công nhân từ Đồng Nai trở thành F0. Hãy nghĩ đến cơ hội được trở lại làm việc ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

Hai năm, 4 đợt dịch, với biến thể delta, lambda đang hoành hành trên khắp thế giới và rồi đây có thể là các biến thể khác. Không ai có thể khẳng định không có những đợt dịch tiếp theo. Cả 3 đợt dịch trước, cả nước đã đoàn kết, đồng lòng, chia ngọt sẻ bùi để vượt qua được khó khăn thì nay càng cần thực hiện tốt hơn nữa trong đợt dịch thứ 4 này như lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Chúng ta đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn đoàn kết, càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm, càng phải quyết tâm cao hơn nữa.

Giãn cách 1 vài tuần hay cả tháng nhưng đổi lại là sức khỏe, là sinh mạng của mỗi người, là lợi ích lâu dài của đất nước. Và việc làm thiết thực nhất trong lúc này mà ai cũng đều làm được là hiểu đúng, thực hiện tốt những quy định trong Chỉ thị của Thủ tướng về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; lan tỏa những hành động đẹp, yêu thương, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau; lan tỏa những năng lực tích cực để kết nối vào tạo sức mạnh của cả cộng đồng, quyết tâm chiến thắng đại dịch. Chỉ như vậy, sự hy sinh to lớn và thầm lặng của rất nhiều người, của các chiến sỹ tuyến đầu mới không trở nên vô nghĩa.

Diệu Hương 

Bài mới
Đọc nhiều