+
Aa
-
like
comment

Đừng để sự cố môi trường làm mất niềm tin của người dân vào chính quyền

23/10/2019 16:32

Chưa bao giờ những người dân đang sinh sống ở Thủ đô Hà Nội lại phải đối mặt với rất nhiều sự cố về môi trường. Điều đáng nói là khi các sự cố xảy ra, người dân cảm thấy bị bỏ mặc, tự tìm cách xoay xở, còn chính quyền và các cơ quan chức năng dường như đứng ngoài cuộc. Cho đến khi báo chí lên tiếng mới thấy sự xuất hiện của chính quyền và các cơ quan chức năng.

Ví như sau vụ cháy của Công ty phích nước, bóng đèn Rạng Đông, người dân trong khu vực ảnh hưởng đôn đáo tìm nơi sơ tán vì lo nhiễm độc thủy ngân, thì 10 ngày sau UBND thành phố Hà Nội mới có thông tin cụ thể.

982979271

Khoảng lặng của các cấp chính quyền trong các sự cố không chỉ khiến người dân hoang mang, lo lắng, vất vả xoay xở để bảo vệ cuộc sống của mình, mà còn khiến khủng hoảng niềm tin.

Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường là một chế định quan trọng được quy định tại Mục 3, Chương 10 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và nhiều điều khoản khác. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2017/NĐ-CP quy định tổ chức, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Khi có sự cố môi trường, các địa phương cần phải có biện pháp mạnh để ứng phó, để bảo vệ con người và tài sản.

Nhưng ở Hà Nội vừa qua, kịch bản cụ thể cho việc ứng phó với các sự cố môi trường đã chưa được đưa ra. Sự lúng túng, chậm chễ ấy cho thấy sự yếu kém về năng lực quản lý, thiếu trách nhiệm với xã hội và nếu có ý kiến cho rằng, nếu là sự thờ ơ vô cảm cũng không là quá lời.

Kinh nghiệm ở các nước cho thấy các sự cố môi trường hoàn toàn có thể phòng, tránh và giảm thiểu, đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, chính quyền phải có trách nhiệm thực hiện đánh giá để phân tích các rủi ro, xác định các khu vực có thể bị ảnh hưởng và từ đó xây dựng các kế hoạch quản lý rủi ro. Trong trường hợp sự cố xảy ra, chính quyền cần nhanh chóng thực hiện các giải pháp khẩn cấp như: di dời người dân, cung cấp các nhu yếu phẩm, các trang thiết bị phòng chống độc. Chính quyền phải đưa ra được các thư tự ưu tiên trong ứng cứu xử lý, để tránh được nhiều nhất các tổn thất, thiệt hại.

Nhưng nhìn lại việc ứng phó với sự cố môi trường vừa qua ở Hà Nội, đặc biệt với hai lĩnh vực nhậy cảm nhất là không khí và nước sạch thì hầu như không có một phương án ứng phó nào được đưa ra. Tất cả dường như chỉ có người dân tự ứng phó. Người dân cảm thấy bị bỏ rơi, cảm thấy mất lòng tin bởi cái tối thiểu nhất là thông tin một cách rõ ràng, minh bạch cũng không được đưa ra kịp thời.

Từ thực tế trên, dư luận cho rằng dẫu có muộn, thì Hà Nội vẫn cần có một kịch bản chi tiết để ứng phó với các sự cố môi trường, thiên tai hay dịch bệnh. Kế hoạch này phải được quy định một cách cụ thể rõ ràng nhiệm vụ, trách nhiệm của các bên liên quan và của người dân. Kế hoạch này cần được thông báo rộng rãi cho người dân, cho các cơ quan chức năng là liên quan để khi xảy ra bất cư sự cố gì cũng thực hiện theo các bược đã được quy định.

Nhưng có lẽ dù có hay chưa có kịch bản, thì người dân chỉ mong muốn chính quyền thành phố cần thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm với cộng đồng và sinh mạng của người dân. Đừng bao giờ để xảy ra khủng hoảng kép như những gì vừa diễn ra. Và chúng ta cũng cần hiểu rằng khủng hoảng môi trường có thể sẽ đi qua như khủng hoảng lòng tin thì không có gì có thể xoa dịu và sẽ chẳng thể có kịch bản nào xử lý được.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều