+
Aa
-
like
comment

Đừng để người dân tiếp tục thất vọng với dự án Trung Lương – Mỹ Thuận

30/07/2019 18:42

“Bộ trưởng Bộ GTVT và Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và 20 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long về dự án này này”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo giải quyết thủ tục, tháo gỡ các trở ngại, bố trí đủ nguồn vốn ngân sách tham gia dự án cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận, yêu cầu phải cơ bản thông xe tuyến cao tốc này năm 2020 và khánh thành đầu năm 2021.

Ông nhấn mạnh: “Bộ trưởng Bộ GTVT và Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và 20 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long về vấn đề này”.

Trước đó, sau 4 tháng tái khởi động trở lại, chủ dự án và nhà đầu tư lại thông báo Dự án cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận có nguy cơ phải dừng thi công trong tháng 8-2019 vì hết vốn, điều chỉnh dự án chưa được phê duyệt nên ngân hàng chưa cho vay, vốn ngân sách tham gia dự án chưa được giải ngân.

Dự án Cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận khởi công năm 2009, dự kiến hoàn thành vào quý 3-2013 nhưng đến nay vẫn còn dang dở, ngổn ngang. Trong khi cả đồng bằng sông Cửu Long thiếu trầm trọng hạ tầng giao thông, chưa có đường sắt, sân bay quốc tế cũng không, còn đường bộ đã quá tải, cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận như là một nguồn hi vọng cho cả vùng.

Mười năm qua, người dân miền Tây với bao cảm xúc, vui khi dự án khởi công, buồn khi dự án ngưng thi công, hy vọng khi dự án khởi động lại, thất vọng khi dự án trì trệ. Vòng xoáy cảm xúc cứ thế song hành cùng tiến độ của dự án này.

Đừng để người dân tiếp tục thất vọng với dự án Trung Lương – Mỹ Thuận
Đừng để người dân tiếp tục thất vọng với dự án Trung Lương – Mỹ Thuận.

Nhiều lần điều chỉnh và thay đổi

Dự án sau 10 năm thi công đã 4 lần lùi thời hạn hoàn thành, hai lần thay đổi nhà đầu tư, ba lần thay đổi nguồn vốn. Song vẫn còn nhiều vướng mắc về thủ tục, giải ngân vốn đầu tư.

Tại lễ khởi công tháng 11-2009, nhà đầu tư khi đó là Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc BIDV đại diện cho 8 nhà đầu tư góp vốn thông báo tổng mức đầu đầu tư khoảng 19.000 tỉ đồng, khẳng định có khả năng thu xếp tài chính cho dự án hoàn thành theo kế hoạch để xong trong quý 3-2013.

Sau đó, cơ quan chức năng yêu cầu bổ sung thêm phần hạng mục các đường từ khu công nghiệp Tiền Giang kết nối vào cao tốc này, phải làm thủ tục điều chỉnh dự án. Nhà đầu tư nhiều lần kiến nghị giải quyết trở ngại, xin dừng dự án tháng 11-2011. Dự án được chuyển về Bộ GTVT, “bất động” ở đó trong thời gian dài.

Mãi đến tháng 11-2014, Bộ GTVT mới chính thức xem xét và ban hành quyết định giảm quy mô và chiều dài tuyến còn hơn 51km, bề rộng mặt đường từ 25,5-26,5m giảm xuống còn 13,7m và thu hẹp bề rộng các cầu còn 13,75 m. Tổng mức đầu tư còn 14.678 tỉ đồng.

Tuy nhiên, giữa năm 2017, Bộ GTVT lại có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án tăng phần lớn khối lượng và hạng mục công việc, bề rộng mặt đường lên 17m (thêm 3,3m) và các cầu có bề rộng 17,5m (thêm gần 4m). Tổng mức đầu tư lại giảm còn 9.668,5 tỉ đồng.

Điều lạ là cùng một dự án, giữ nguyên chiều dài tuyến, tăng đáng kể khối lượng nhưng vốn đầu tư lại giảm đi rất nhiều, hơn 5.009 tỉ đồng.

Tính toán nhầm lẫn, áp dụng sai định mức hay đơn giá cũng khó có thể chênh lệch vốn đầu tư như vậy. Một khi đã tham gia dự án có quy mô hàng chục ngàn tỉ đồng hẳn tổ chức và cá nhân đơn vị tư vấn thiết kế phải đủ năng lực, kinh nghiệm theo quy định. Phải chăng trong quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án năm 2014, không loạt trừ khả năng có sự “móc ngoặc”, “lợi ích nhóm” cố tình đẩy tổng mức đầu tư lên cao để ai đó hưởng lợi?

Ngoài ra, không thể tùy tiện điều chỉnh tăng giảm quy mô dự án. Điều này còn phải xét tới dự báo nhu cầu giao thông, vận tải trong tương lai. Ngành giao thông đã có nhiều bài học thất bại, nhiều tuyến đường làm xong chưa lâu đã quá tải, sau đó lại chắp vá mở rộng càng tốn kém, cản trở giao thông, thiếu đồng bộ và ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Mười năm chờ đợi mòn mỏi

Dự án cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận được thực hiện theo hình thức BOT có chiều dài hơn 51km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa nối tiếp cao tốc TP.HCM Trung Lương, điểm cuối giao với quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang.

Mười năm trước, dự án được khởi công trong niềm hân hoan của 20 triệu người dân miền Tây nói riêng, với lời khẳng định của nhà đầu tư, nhiều người nghĩ dự án sẽ sớm hoàn thành đưa vào sử dụng theo kế hoạch.

Mười năm trở thành khoảng thời gian mòn mỏi chờ đợi một con đường kết nối thông thương, góp phần phát triển cho cả vùng miền rộng lớn đang thiếu hạ tầng giao thông trầm trọng. Mỗi ngày, hàng trăm ngàn người dân các tỉnh miền Tây “chôn chân” bởi kẹt xe.

Dự án có quy mô lớn và tác động nhiều mặt đến đời sống xã hội lại trì trệ tới 10 năm, chưa ai dám chắc những chậm trễ chỉ dừng lại đó. Nếu tính ra thiệt hại, chưa kể đội vốn, tổn thất cũng không nhỏ. Quốc gia mất đi cơ hội đầu tư, phát triển. Sản phẩm, hàng hóa chậm luân chuyển. Hàng chục triệu người dân các tỉnh miền Tây đi lại khó khăn, vất vả. Vì vậy, một đồng cho tăng trưởng đang phải trả giá bằng nhiều đồng vốn đầu tư hạ tầng.

Rất mừng là Thủ tướng đã kịp chỉ đạo tháo gỡ trở ngại, cấp đủ vốn ngân sách tham gia dự án.

Tuy nhiên, chưa có tổ chức và cá nhân nào chịu trách nhiệm bởi sự trì trệ đó, chưa có ai đứng ra tổ chức thực hiện và dám chắc rằng kịp giải quyết thủ tục và trở ngại cho dự án.

Đến nay, nhà đầu tư và nhà thầu đã chi ra trên dưới 3.000 tỉ đồng, hết khả năng chịu đựng. Những trở ngại có nguy cơ tiếp tục phải dừng thi công dự án không phải vướng giải phóng mặt bằng mà là thủ tục và chậm giải ngân vốn cho nhà đầu tư, nhà thầu thi công. Nhiều dự án PPP, mỗi khi trì trệ, lỗi bởi nhà đầu tư và nhà thầu thi công. Lần này lại cho thấy lỗi cấp thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước chậm giải quyết trở ngại và thủ tục.

Những trở ngại kéo lùi dự án

Dự án có tín hiệu mới. Ngày 22-3-2019, Bộ GTVT đã ký biên bản bàn giao chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận về tỉnh Tiền Giang. Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ thay thế Bộ GTVT trở thành cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt những thủ tục liên quan đến dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng trong tháng 3-2019, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả tham gia và trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong liên danh 6 nhà đầu tư dự án cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận.

Tại cuộc họp với các bên liên quan ngày 24-7, nhà đầu tư và nhà thầu thi công bức xúc vì những trở ngại chưa được cấp thẩm quyền giải quyết nào là thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án, giải ngân vốn, thực hiện các cam kết… Nhà đầu tư Tuấn Lộc nêu ý kiến : “Chúng tôi luôn biết dự án đường cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận đã rất khó khăn nên tin tưởng cùng doanh nghiệp dự án và Chính phủ chung vai gánh vác. Thế nhưng, chúng tôi chuyển động mà không thấy Nhà nước chuyển động nên thật sự chúng tôi vô cùng tuyệt vọng…”.

Chủ doanh nghiệp thực hiện dự án cho biết “Hồ sơ điều chỉnh dự án đã được Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, Viện Kinh tế Bộ Xây dựng và cả Bộ Giao thông vận tải thẩm định và thông qua nhưng Cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Tiền Giang hiện chưa phê duyệt điều chỉnh dự án, chưa ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh dự án”. Ngặt nghèo hơn nữa, “Nguồn vốn 2.186 tỷ Nhà nước hỗ trợ cho nhà đầu tư dự án đến giờ phút này chưa biết bao giờ mới được giải ngân dù Chính phủ đã có chủ trương thông qua”.

Về phía cơ quan thẩm quyền, phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng đã chia sẻ và thừa nhận “Chìa khoá của giải pháp đó đang nằm trong tay của của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bao gồm: UBND tỉnh Tiền Giang, các bộ, ngành liên quan”.

Trước đó, hàng loạt trở ngại đã được chủ dự án và nhà đầu tư báo cáo nhưng chưa được cơ quan chức năng giải quyết. Nhà thầu thi công giăng băng rôn đòi nợ vì đã lâu không được thanh toán chi phí xây dựng và đứng trước cảnh nợ nần chồng chất. Nhà thầu là Công ty TNHH Thành Nơi cho biết nợ lương công nhân, tiền nguyên vật liệu, tiền huy động gia đình, người thân, ngân hàng để đổ vào thi công dự án. Thế nhưng, giờ đây đứng bên bờ vực nợ nần và có nguy cơ phá sản nếu không được thanh toán chi phí thi công.

Ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương Mỹ Thuận cho biết Dự án Cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận là hợp đồng theo hình thức PPP, phần vốn tư thì các nhà đầu tư và nhà thầu đã chi ra khoảng 3.000 tỉ đồng, nhưng phần vốn công chưa thấy góp đồng nào. Chính phủ đã trình phê chuẩn cho dự án 2.186 tỉ đồng và Quốc hội đã đồng ý nhưng nhiều tháng qua, đồng tiền vẫn bặt vô âm tín, dù dự án khát vốn từng ngày để trả lương công nhân, trả tiền nguyên vật liệu mà phần tư đã chi trước.

Xử lý thấu đáo những nút thắt

Dự án chậm tiến độ đòi hỏi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan phải vào cuộc tháo gỡ.

Cụ thể, UBND tỉnh Tiền Giang cần khẩn trương phê duyệt điều chỉnh dự án làm cơ sở để ngân hàng thẩm định cho vay vốn, sớm làm việc với các cơ quan Trung ương để xác định thời điểm kịp giải ngân vốn ngân sách tham gia Dự án Cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận.

Bộ GTVT là cơ quan quản lý nhà nước nhưng vai trò của Bộ hết sức mờ nhạt, chậm giải quyết các trở ngại, kiến nghị của chủ dự án và nhà đầu tư. Dự án thay đổi, điều chỉnh nhiều lần càng cho thấy yếu kém trong quản lý điều hành của Bộ này. Những trở ngại kéo dài, thủ tục nhiêu khê, nhiều lần điều chỉnh và thay đổi trong Dự án Cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận phần lớn diễn ra sau thời điểm chuyển về Bộ GTVT.

Cần xem xét xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan chậm giải quyết trở ngại để dự án giao thông quan trọng quốc gia trì trệ kéo dài gây lãng phí, mất niềm tin với dân. Trong đó, hãy làm rõ nghịch lý điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án năm 2014.

Những nút thắt của dự án thời gian qua cần được xem xét thấu đáo, rút kinh nghiệm. Khâu nào trục trặc, cần có ngay người phối hợp giải quyết trên tinh thần xây dựng vì lợi ích chung, hiệu quả, phát huy tối đa sáng kiến, năng lực cán bộ. Đừng để các tồn tại, mập mờ, hoài nghi làm chậm tiến độ dự án và giảm đi cảm hứng của nhà đầu tư, nhà thầu thi công.

Thực hiện một dự án lớn, một trong những vấn đề quan trọng nhất có lẽ là nguồn vốn và người có trách nhiệm tổ chức triển khai. Tất cả các ý tưởng hay, giải pháp dù tốt tới đâu nhưng thiếu tiền hoặc thiếu nhân lực phù hợp để hiện thực hóa thì cũng khó thành công.

Phát triển hạ tầng giao thông cần chính sách hợp lý mang tính đột phá để tập hợp đủ nguồn lực, huy động thêm nhiều nguồn vốn. Nên chăng, ngoài nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa đầu tư vốn ODA có thể kêu gọi thêm các nguồn lực từ nước ngoài, ngân hàng và các quỹ tín dụng WB, ADB, IMF và các nguồn khác trong nước.

Cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận và nhiều công trình giao thông khác không chỉ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông mà còn là kỳ vọng của nhân dân cả nước. Không có lý do gì hay trở ngại nào không thể giải quyết để dự án kịp hoàn thành đưa vào sử dụng. Tổ chức hay cá nhân nào cảm thấy không đảm trách được nhiệm vụ hãy từ chức, tôi tin sẽ có ngay những người đủ khả năng và tâm quyết thực hiện. Đừng để người dân lại tiếp tục thất vọng.

Kỹ sư cầu đường Trần Văn Tường

(Theo Vietnamnet)

Bài mới
Đọc nhiều