+
Aa
-
like
comment

Đừng để ngân sách nhà nước phải gồng mình vì cổng chào và tượng đài

Đỗ Mạnh - 27/09/2020 18:27

Những năm gần đây ở Việt Nam các địa phương thi nhau làm cổng chào, tượng đài. Cổng chào lớn, cổng chào nhỏ, thiết kế đa dạng đủ các chủng loại mọc lên như nấm ở các địa phương. Có người còn nói vui sao Việt Nam nhà nước không làm một cái cổng chào thật to đặt ở hai đầu quốc lộ 1 để chào đón du khách và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới?

Nhớ lại thời xa xưa ở các vùng nông thôn Việt Nam làng nào cũng có cổng, xóm nào cũng có cổng. Cái cổng như những cột mốc đánh dấu ranh giới địa phận của làng này so với làng khác, xóm này so với xóm khác. Ngoài ra cổng làng, cổng xóm còn được nhân dân coi đó là chiến lũy đầu tiên trong việc chống sự xâm nhập từ bên ngoài. Cổng làng ngày xưa  được xây bằng gạch, bằng đá ong với các kiểu kiến trúc khác nhau còn tồn tại đến tận bây giờ. Những cái cổng minh chứng cho một giai đoạn phát triển làng xã ở Việt Nam. Có một điều khác là ngày xưa khi xây cổng làng, cổng xóm thì kinh phí xây dựng là do nhân dân trong làng, trong xóm tự nguyện đóng góp.

Cổng làng một khái niệm hết sức bình dị thân thương, nơi níu kéo tuổi thơ, là niềm thổn thức sâu thẳm trong tâm hồn của mỗi con người, đặc biệt là mang lại nhiều ý nghĩa cho những người xa quê. Sở dĩ cổng làng ngày xưa có sức hút kì lạ như vậy không phải là vì quy mô đồ sộ tốn kém mà bởi cổng làng mang dáng dấp, hồn cốt của làng, vừa mang tính giáo dục cao vừa thể hiện được nét văn hóa.

Thật đáng tiếc là hiện nay phong trào xây cổng ở các địa phương ở Việt Nam lại vượt ra ngoài khuôn khổ làng xã, nó đã vươn lên tầm huyện, tầm tỉnh rồi thành phố. Địa phương nào cũng cố xây cho địa phương mình những cổng chào hoành tráng, tốn kém, địa phương xây sau xây quy mô lớn hơn, tốn kém hơn những địa phương xây trước. Kinh phí xây cổng không còn là nguồn tự nguyện của những hộ dân trong địa phương đóng góp như cổng làng cổng xóm trước đây nữa mà tiền lấy từ ngân sách nhà nước.

Nhiều quan chức địa phương coi việc xây cổng chào là quảng bá hình ảnh địa phương. Công chào thay cho lời mời chào du khách ngay khi du khách đến địa danh địa phương mình. Thật sai lầm và vô cùng tốn kém khi lãnh đạo chúng ta vẫn giữ cái tư duy coi trọng hình thức, sẵn sàng bỏ tiền ngân sách, thực chất là tiền đóng thuế của nhân dân để phục vụ cho những ý tướng rất phi thực tế của chính lãnh đạo. Nếu trước khi xây những cổng chào mà lấy ý kiến đồng thuận của nhân dân về quy mô, về tổng mức kinh phí thì thử hỏi được bao nhiêu ý kiến của nhân dân đồng ý. Tôi tin rằng ý kiến đồng ý của nhân dân sẽ rất thấp.

Năm 2010 ở Bình Dương khánh thành cổng với kinh phí 40 tỷ. Năm 2017 Quảng Ninh xây cổng với kinh phí kỉ lục 200 tỉ đồng. Cổng chào ở Hải Phòng lại là một hệ thống đèn led trang trí nghệ thuật với tổng giá trị gần 24,5 tỉ đồng. Và còn nhiều địa phương khác như Tây Ninh, Quảng Nam, Cần Thơ vv… cũng xây dựng cổng với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh những chi phí tiền tỷ các cổng chào  còn gây ra những cuộc tranh cãi không có hồi kết về về kiến trúc, độ an toàn. Trên thực tế nhiều cổng chào vừa xây lên đã bị bão kéo đổ gây tai họa chết người. Như trường hợp hồi năm 2010, cổng chào ở Trà Vinh bị đổ sập khiến 1 người tử vong.

Cổng chào ở Quảng Ninh

Mới đây ngày 16/9, UBND thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã duyệt chi  13,7 tỷ đồng để xây dựng 2 cổng chào tại cửa ngõ phía Bắc và phía Nam đi vào thành phố. Còn ở Hòa Bình người ta đang thi công trên Đồi Ông Tượng khẩu hiệu 11 chữ với dự toán 11 tỷ đồng. Phải nói là những nguồn ngân sách mà các địa phương bỏ ra để xây cổng chào trên khắp cả nước cộng lại lên đến hàng ngàn tỷ. Số kinh phí này nếu đem xây dựng trường học, bệnh viện thử hỏi được bao nhiêu cái và mang ý nghĩa hơn nhiều.

Chúng ta đã quá hình thức, khuếch trương những cái không đem lại giá trị nhiều cho cuộc sống. Các địa phương dùng ngân sách nhà nước một cách thiếu tính toán và không đúng trọng tâm vào những điều cấp thiết cần làm. Trong khi đó Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch, nơi có trách nhiệm về các công trình văn hóa trong cả nước lại không thấy lên tiếng về những công trình không mấy hiệu quả này. Bộ KHĐT hàng năm vẫn nhắm mắt duyệt chi và bố trí vốn cho những hạng mục không thật cần thiết đó. Rõ ràng là chúng ta đang rất lãng phí, chúng ta đang vung tay cho những công trình mà giá trị thực tế của nó không nhiều như mong đợi. Những công trình này trên thực tế không mang lại lợi ích cho dân, cho đất nước.

Trong khi đó biết bao nhiêu công trình như chống xâm ngập mặn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, những công trình chống ngập, giải quyết ách tắc giao thông  tại Hà Nội, TP HCM  và một số thành phố lớn khác trong cả nước đang rất khát vốn. Những trường học, những trạm y tế cho đồng bào vùng sâu , vùng xa đang hàng ngày chờ phê duyệt vốn để xây dựng. Thiết nghĩ khi duyệt chi ngân sách hàng năm Bộ KHĐT cần soi xét kỹ những công trình nào cần cấp vốn, những công trình nào cấp thiết hơn sẽ được cấp vốn trước, những công trình nào có thể lùi lại thì phải kiên quyết để tránh lãng phí.

Phối cảnh thiết kế cổng chào được áp dụng xây dựng ở Đồng Hới

Những công trình xây cổng chào được xem là những công trình không đem lại lợi ích thiết thực, các địa phương khi xây dựng dự án đều thuyết minh rất hay về ý nghĩa và hiệu ứng du lịch. Song chúng ta thu hút khách du lịch không bằng khẩu hiệu suông, không bằng sự đồ sộ của những cổng chào mà bằng lịch sử văn hóa của dân tộc, bằng sự tôn trọng du khách, bằng chất lượng các dịch vụ và sự an toàn cho du khách  mà chúng ta cung cấp.

Muốn quốc gia sớm trở thành một quốc gia thịnh vượng một mặt không ngừng thi đua phát triển sản xuất, một mặt không thiếu phần quan trọng đó là tiết kiệm ngân sách, đầu tư đúng, đầu tư trúng nhằm tránh lãng phí. Các cụ ngày xưa có câu “Buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè hà tiện” vẫn còn nguyên giá trị trong mọi thời đại.

Lúc sinh thời Bác Hồ yêu quý của chúng ta đã từng dạy: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”

Vì vậy thiết nghĩ giải ngân vốn nhanh cho những công trình trọng điểm là thúc đẩy phát triển sản xuất xã hội, nhưng không phải vì nhu cầu giải ngân mà phải giải ngân bằng mọi giá cho những công trình không mang lại nhiều lợi ích, như phong trào làm cổng chào đang diễn ra tại các địa phương trong thời gian gần đây.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều