+
Aa
-
like
comment

Đừng để lúc hết Covid 19, người nước ngoài kỳ thị lại chúng ta

16/03/2020 18:08

Giữa thời điểm dịch bệnh như thế này, không ít người Việt mang tâm lý kỳ thị người nước ngoài một cách thái quá. Nhiều khi hành vi đó chính là con dao 2 lưỡi phản lại chính ta về sau…

Một phụ huynh có con học ở trường mẫu giáo quốc tế chia sẻ câu chuyện: “Cô con gái 3 tuổi của tôi khi thấy Thầy giáo già người Anh sang đường đã vẫy tay chào rối rít. Thầy cũng vẫy chào con tôi và ứa nước mắt. Do dịch bệnh mà gần 3 tháng nay – Thầy trò chưa được gặp nhau. Nhưng Thầy không dám tiến lại gần con bé vì sợ: Có thể người ta nghĩ tôi có virus.

Thầy hiện đã 60 tuổi và dạy tiếng Anh ở Việt Nam hơn 10 năm nay. Học sinh nghỉ, trường không có nguồn thu – phải cắt giảm tối đa mọi chi phí nên Thầy cũng sống rất tiết kiệm. Cái vẫy tay của con và khi thấy Thầy xúc động như vậy – tim tôi thắt lại và cũng rơi nước mắt theo...”

Thế nhưng, không phải người nước ngoài nào cũng được chào đón vui mừng khi gặp lại như thế. Từ lúc Việt Nam có nhiều ca bệnh Covid-19 là du khách quốc tế, tâm lý kỳ thị của người Việt bỗng chốc phát tán rất nhanh.

Nhiều người Việt có tâm kí hắt hủi, kỳ thị người nước ngoài vì sợ lây bệnh

Khi Chính phủ ban hành lệnh kiểm soát các trường hợp nhập cảnh về từ Trung Quốc, Hàn Quốc – rất nhiều người đã đánh đồng tất cả. Một chuyên gia người Trung Quốc thuê nhà trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) đi công tác nước khác về – dù có đủ giấy tờ kiểm tra y tế nhưng ban quản lý và cư dân xung quanh vẫn gây sức ép để anh ấy phải thanh lý hợp đồng thuê nhà. Ở Hà Nội, người nước ngoài trước kia vốn được săn đón bao nhiêu thì giờ lại bị từ chối thẳng thừng. Thậm chí là buộc phải dọn đồ đạc đi ngay như chuyên gia Trung Quốc kể trên.

Sau kỳ nghỉ Tết, một gia đình Hàn Quốc trở lại Việt Nam, tay xách nách mang với hai con nhỏ. Sợ không được ở căn nhà đang thuê, người mẹ đã nói rằng gia đình ở khu chung cư khác sang. Dù không đến từ Daegu và Gyeonggi (2 vùng có dịch tại Hàn Quốc) nhưng họ vẫn được hướng dẫn y tế tự cách ly tại nhà. Nhiều bố mẹ người Hàn không dám đưa con nhỏ xuống sân chơi chung vì sợ bị kỳ thị dù đang ở Việt Nam chứ không di chuyển đi đâu.

Cách đây mấy ngày, khoảng 7 – 8 khách Âu khi rẽ vào quán bún chả trong ngõ nhỏ khu phố cổ định ăn trưa thì bị chủ quán xua đuổi với thái độ rất thiếu văn hóa. Họ chỉ biết nhún vai rồi bỏ đi. Ở miền Trung, có nơi quản lý công ty du lịch phải đưa đoàn khách Âu về nhà mình tự nấu ăn do các hàng quán đều “lắc đầu”.

Phải chăng người Việt lúc này đang kỳ thị người nước ngoài một cách thái quá mà không cần biết họ là ai, từ đâu đến? Thậm chí còn xuất hiện bầu không khí nghi ngờ, dè chừng giữa người Việt lẫn nhau vì “tội” hay tiếp xúc với người nước ngoài.

Thực tế cho thấy, tâm lý phân biệt – kỳ thị du khách đang lây lan trong cách hành xử của người Việt nhanh còn hơn cả dịch bệnh. Và điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch nước ta. Thử hỏi có du khách nào muốn trở lại đất nước mà ai ai cũng nhìn mình bằng ánh mắt ngờ vực, không thiện cảm. Chắc chắn sẽ xảy ra khả năng du khách về nước sẽ chia sẻ ấn tượng không tốt đó cho người thân, bạn bè của mình. 1 nói 10, 10 đồn 100 – sự lan tỏa theo hình thức truyền miệng như thế vô cùng có hại cho hình ảnh du lịch Việt Nam về lâu dài.

Trong mùa dịch bệnh thế này, đề phòng là điều tốt nhưng chúng ta có thể hạn chế tiếp xúc với người Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu theo nhiều cách. Các hàng quán hay người dân sinh sống trong khu chung cư cũng nên tìm cách nào giữ khoảng cách hoặc từ chối một cách lịch sự. Không nên xua đuổi họ như sinh vật lạ. Điều cần thiết là cần ứng xử có văn hóa với khách nước ngoài để họ không cảm thấy khó chịu.

Nhiều người Việt ra nước ngoài chắc cũng hiểu được cảm giác bị kỳ thị là như thế nào. Ở sân bay Sheremetyevo (Nga), bất kể lượng người nhập cảnh có quốc tịch Việt Nam nhiều thế nào thì cũng phải xếp hàng riêng, không được đứng sang hàng dành cho hành khách quốc tịch khác. Hay ở một số siêu thị tại Nhật Bản còn có bảng lưu ý những hành vi xấu viết bằng tiếng Việt để người Việt Nam đọc được.

Chúng ta cần ứng xử có văn hóa với khách nước ngoài để không làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam về sau

Dịch bệnh xảy ra là điều không ai mong muốn. Cả nước đồng lòng chống dịch nhưng không nên có thái độ kỳ thị quá đáng với tất cả khách nước ngoài, mặc kệ họ từ đâu đến. Mỗi du khách quốc tế đến Việt Nam chính là một đại sứ du lịch cho nước ta khi về nước. Họ chia sẻ những điều tốt đẹp và nói những điều không hay là do cách chúng ta hành xử với họ. “Đừng để lúc hết dịch, người nước ngoài kỳ thị lại chúng ta”.

(Theo thesaigontimes.vn)

Bài mới
Đọc nhiều