+
Aa
-
like
comment

Đừng để “hạt giống đỏ” sản sinh ra “trái đắng”

Bảo An - 03/08/2020 18:18

Trong bối cảnh Đại hội Đảng các cấp đang diễn ra, kết quả bầu cử nhân sự là điều mà mọi người vô cùng quan tâm. Gần đây, với việc ông Phạm Quang Thanh (con trai Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị) được bầu giữ chức Bí thư huyện ủy Sóc Sơn – TP. Hà Nội và sự việc ông Nguyễn Nhân Chinh (con trai Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh) được chỉ định giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.

Ông Nguyễn Nhân Chinh (người cầm hoa) được chỉ định giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh

Ngày 24/7/2020, Tỉnh ủy Bắc Ninh công bố Quyết định số 1606-QĐ/TU ngày 22/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc điều động ông Nguyễn Nhân Chinh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh Đoàn về Thành ủy Bắc Ninh công tác, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy và giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đáng chú ý, ông Nguyễn Nhân Chinh còn tuổi đời khá trẻ – 36 tuổi, tuổi mà nhiều người đang tìm chỗ đứng, vị thế cho chính mình. Và đồng thời, việc này cũng thu hút được sự quan tâm đặc biệt vì con đường đi lên Bí thư Thành ủy ông Chinh là do CHỈ ĐỊNH mà không phải là do BẦU CỬ. Mặt khác, ông Nguyễn Nhân Chinh là con trai ông Nguyễn Nhân Chiến – Bí thư đương chức của Tỉnh ủy Bắc Ninh. Không chỉ vậy, xét về đào tạo, ông Chinh tốt nghiệp đại học ngành cờ vua, tốt nghiệp thạc sĩ về quản lý giáo dục nên những “lời ra tiếng vào” càng râm ran.

Ở một diễn biến khác, ngày 30/7, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã diễn ra. Sau Đại hội, ông Phạm Quang Thanh được bầu giữ chức Bí thư huyện ủy. Việc ông Thanh lên chức Bí thư huyện ủy cũng nhận được sự quan tâm của dư luận vì ông Thanh là con của nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Tuy nhiên, nếu so với ông Chinh thì trường hợp của ông Thanh nhận được sự ủng hộ của cộng đồng nhiều hơn vì ông Thanh “đường đường chính chính” lên ghế Bí thư bằng con đường BẦU CỬ. Nếu xét về chuyên môn, ông Thanh được đào tạo về kinh tế và đồng thời cũng có bằng thạc sĩ .

Hai trường hợp trên là minh những trường hợp về “hạt giống đỏ” đang được dư luận quan tâm chú ý. Có trưởng hợp được ủng hộ, có trường hợp gây bất ngờ, xôn xao bởi dư luận.

“Hạt giống đỏ”: đừng để chín ép

Hiện nay, việc “con quan rồi lại làm quan” khiến dư luận vô cùng nhạy cảm. Không khó để thấy, có không ít trường hợp “con quan” nhưng đủ năng lực, trình độ, đã “đường đường chính chính” ngồi lên vị trí lãnh đạo. Tuy nhiên, có không ít trường hợp “lên ngôi” lại chẳng bằng vào năng lực, trình độ mà chỉ bởi những ô dù nâng đỡ phía sau. Chính những việc “cả họ làm quan” nhưng “đúng quy trình” diễn ra thời gian vừa qua đã khiến cho niềm tin của không ít người dân vào sự công khai, minh bạch trong công tác cán bộ bị giảm sút. Và cũng chính vì nguyên nhân này, không ít trường hợp “hạt giống đỏ” tự đi lên bằng năng lực của bản thân nhưng lại bị vướng vào những điều tiếng không hay do mang mác “con quan”.

Ngay từ xa xưa, để ngăn chặn việc chuyên quyền, độc đoán trong việc thực thi quyền lực nhà nước, một số triều đại phong kiến đã áp dụng quy định “hồi tị” với những biểu hiện cụ thể như: Quan lại không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà tại nơi cai quản; Quan lại không được lấy người cùng quê làm người giúp việc; Người có quan hệ thầy trò, bạn bè không được làm việc tại cùng một công sở; các bộ ở kinh đô và các tỉnh là con, anh em ruột, anh em con chú, con bác với nhau thì phải tách ra, đổi bổ đi nơi khác; Các quan lại không được làm quan ở nơi trú quán (nơi ở một thời gian lâu), ở quê vợ, quê mẹ mình, thậm chí cả nơi học tập lúc nhỏ hoặc lúc trẻ tuổi; Các lại mục, thông lại cũng không được làm việc ở phủ huyện là quê hương mình v.v…

Từ đây nhìn vào thực tiễn, công tác cán bộ hiện nay và một số trường hợp chỉ định lãnh đạo thời gian qua, có thể thấy chúng ta đang có phần quá “tụt hậu” so với thời kỳ phong kiến. Chính những sự ưu ái quá đà trong quản lý, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ đã hình thành nên không ít “hạt giống đỏ” bị chín ép. Hậu quả của nó chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy qua việc Ủy Ban kiểm tra Trung ương chỉ ra hàng loạt sai phạm của những lãnh đạo các địa phương (trong đó có rất nhiều “hạt giống đỏ”) trong nhiệm kỳ vừa qua. Những sai phạm này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà nó còn gây mất niềm tin trong đội ngũ quần chúng nhân dân.

“Hạt giống đỏ” nếu được nảy mầm và phát triển đúng với năng lực của nó thì sẽ trở thành rường cột của nước nhà. Chúng ta có thể thấy không ít “hạt giống đỏ” đã thực sự trưởng thành và cống hiến cho đất nước như: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh là con cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế là cháu của cố Tổng bí thư Hà Huy Tập, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là con Đại tướng Nguyễn Chí Thanh v.v… Tuy nhiên, nếu “hạt giống đỏ” nảy mầm chỉ nhờ vào sự o bế, trợ lưng thì nó sẽ biến thành những cây cỏ dại xâm lấn mảnh đất quyền lực.

“Con vua thì lại làm vua – Con sãi ở chùa lại quét lá đa”?

Quyền lực bản thân nó luôn mang trong đó sự tha hóa. Và để kéo dài những đặc quyền, đặc lợi của bản thân, không ít người không từ bất kỳ thủ đoạn gì. Việc cả họ làm quan, “truyền ngôi thế tập”, “cha chuyển con nối” v.v… là những quả bom hẹn giờ trong việc phá hủy sức mạnh của Nhà nước. Nó là nguồn cơn dẫn đến sự mâu thuẫn, mất đoàn kết trong việc thực hiện quyền lực Nhà nước.

Từ xưa, dân gian vẫn lưu truyền thành ngữ “Con vua thì lại làm vua – Con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, nếu cố tình đưa những người không đủ tâm, không đủ tầm, không đủ uy tín lên vị trí lãnh đạo thì sẽ là “đại họa” của nước nhà. Để có một vị lãnh đạo của tài trí, đủ sức hiệu triệu và chỉ đạo người khác, không còn cách nào là chúng ta phải để cho những “hạt giống” (không phân biệt đó là “hạt giống xanh”, “hạt giống đỏ” hay “hạt giống vàng”) cùng có cơ hội cạnh tranh một cách công bằng, bình đẳng và thể hiện năng lực của bản thân. Chỉ có như vậy, những hạt giống hư hại mới bị loại bỏ, những hạt giống khỏe mạnh mới nảy nở, sinh sôi, trở thành trụ cột gánh vác sứ mệnh của đất nước.

Càng là “hạt giống đỏ” thì cán bộ càng phải nỗ lực, cố gắng hơn gấp nhiều lần để có thể nối tiếp truyền thống gia đình. Một người có năng lực hay không có năng lực, có uy tín hay không có uy tín thì những đồng nghiệp, những người xung quanh sẽ nắm rõ. Nếu cố tình lợi dụng quyền lực bản thân để đặt những “hạt giống đỏ” vào các vị trí vượt quá năng lực, điều kiện của nó thì sớm muộn cũng sẽ phải nhận lại những “trái đắng”.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều