Đừng để con bị xâm hại trong cái khái niệm an toàn của người lớn
Hôm qua, dư luận xã hội vô cùng đau xót khi nghe tin cháu bé 5 tuổi bị xâm hại đến chết ở Vũng Tàu. Ngày hôm nay, dư luận phẫn nộ cùng cực khi biết tin kẻ thủ ác không bằng cầm thú đó chính là người hàng xóm cạnh nhà của bé, được bé gọi là ông.
Không còn từ ngữ nào có đủ để miêu tả về hành vi thú tính của người đàn ông 46 tuổi này. Chắc chắn, y sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc nhất theo đúng quy định của pháp luật. Thế nhưng, dù cho có là hình phạt nào đi nữa thì không thể bù đắp cho nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần mà cháu bé đã phải trải qua. Trời ơi, đó chỉ là một đứa bé mới 5 tuổi thôi mà! Phẫn nộ vô cùng phẫn nộ!
Đến như là người ngoài mà còn cảm thấy như vậy thì chắc chắn rằng, người mẹ của bé còn phải chịu đựng nỗi đau dày vò, quặn thắt đến xé gan xé ruột như thế nào. Nỗi đau mất con là nỗi đau to lớn nhất bởi không có cha mẹ nào trên đời chuẩn bị được cho cái chết của con mình. Hơn nữa, bé còn là nguồn động viên là nguồn sống duy nhất của người mẹ bởi gia đình đã ly hôn, thì liệu rằng bao nhiêu lâu nữa người mẹ mới có thể thoát ra khỏi nỗi đau xé nát tâm can này. Và bao nhiêu lâu nữa, người thân của bé mới thôi tự dằn vặt trách móc, vì đã vô tình đẩy bé vào miệng của tên thủ ác.
Là một người mẹ, tôi hoàn toàn đồng cảm và thấu hiểu được với những nỗi đau mà gia đình bé đang phải gánh chịu. Và cũng chính từ nỗi đau đó, tôi buộc phải lên tiếng cảnh báo về sự chủ quan của người lớn khiến những mầm non chưa kịp lớn đã phải đau đớn lìa đời.
Các bạn có công nhận rằng, người lớn chúng ta thường hay nghĩ rằng, người xung quanh mình, những người mà mình quen biết làm sao có thể là nguồn nguy hiểm đang rình rập những đứa trẻ non nớt đúng không? Vậy nên mới để những đứa trẻ tự do đi lại trong thang máy, trong khu vực gia đình mình sinh sống. Và rồi cũng chính cái chặc lưỡi, “người ta biết nhau cả, ở đây ai cũng thương bé” đã tạo ra hàng loạt vụ xâm hại thương tâm, gây phẫn nộ trong thời gian qua. Chính vì thế, ngoài việc lên án kẻ cầm thú, thì chính những người lớn chúng ta cũng là những kẻ gián tiếp đẩy con trẻ ra khỏi vùng an toàn.
Chúng ta đừng bao biện tôi không ngờ họ lại là con người như thế. Bởi xã hội phát triển không có nghĩa là bất cứ thành viên nào của xã hội cũng trở nên văn mình. Những con người sống xung quanh chúng ta không ai biết được họ có bao nhiêu lớp vỏ bọc. Phải đau đớn thừa nhận rằng, chính sự chủ quan đã kích thích bộ mặt xấu xa của những kẻ phạm tội xuất hiện. Chính vì thế, đã đến lúc phải giật mình và nhìn nhận lại vai trò cũng như trách nhiệm của một người gánh trên vai sứ mệnh bảo vệ.
Không chỉ bảo vệ, để mắt đến những đứa trẻ của mình mà người lớn chúng ta cần phải học cách giáo dục giới tính cho con một các đúng đắn nhất. Không cho phép bất cứ người nào thể hiện việc cưng nựng con mình bằng cách sờ vào những vùng nhạy cảm của con hoặc ôm hôn một cách quá đà. Và chính những đứa trẻ non nớt cần phải học được sự cấm kỵ đó để bảo vệ chính bản thân mình. Cuối cùng hãy lắng nghe những đứa trẻ của mình, hãy hỏi thăm bé như một thói quen để kịp thời phát hiện những điều khó chịu mà bé đang phải chịu đựng, được cố tình khỏa lấp bởi cái gọi là tình thương của người lớn dành cho con trẻ.
Đừng để có thêm những thiên thần vô tội nào nữa trong tiếng khóc giá như của người lớn chúng ta. Và cũng cần hiểu rằng, chúng ta lên tiếng để xã hội tốt đẹp, để những câu chuyện đau lòng tương tự không xảy ra nữa, chứ không phải là để chỉ trích và đổ lỗi cho bất cứ ai. Tôi cũng như bạn yêu tha thiết những thiên thần kia đến chừng nào!
Bạn đọc Hạ Anh
*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của bạn đọc