Đừng để chuyện “cái lon”, “cái lu” làm mờ… nhân cách (!)
Mấy ngày qua, câu chuyện “cái lu” trong “hiến kế” chống ngập của một nữ đại biểu “dân cử” tại TP Hồ Chí Minh, được báo chí và đặc biệt là cộng đồng mạng xã hội quan tâm, bàn tán khá sôi nổi.
Không dừng lại ở chuyện không tán thành trước đề xuất này, rất nhiều người nhân đó đã chế ra những hình ảnh kèm theo nội dung bình luận hết sức phản cảm, thậm chí còn lấy cớ này để mạt sát người đưa ra đề xuất bằng nhiều câu, từ chỉ trích nặng nề, đến mức… vô văn hóa. Có người còn “kết nối” với chuyện cái… “lon” từng “dậy sóng” hơn 2 tuần trước.
Chưa đi sâu tìm hiểu đầu đuôi của hiến kế chống ngập gắn với hình ảnh “cái lu”, nhiều người đã vội “ném đá”, làm bùng thêm luồng phản ứng thiếu tích cực. Và chính vì thiếu một sự bình tĩnh cần thiết trước một quan điểm, đề xuất hơi “ngồ ngộ” khi thoạt nghe, nhiều người đã bỏ ngoài tai những bộc bạch sau đó cả của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh – nơi mà mỗi khi đến mùa mưa, rất nhiều người khổ sở vì tình trạng đường biến thành sông; và cả lời giải thích đầy đủ hơn từ người đưa ra “hiến kế”.
Một phó chủ tịch UBND thành phố – phụ trách lĩnh vực đô thị, trong đó có lĩnh vực chống ngập nói, “cái lu” chỉ là cách nói hình tượng hóa cho dễ hiểu. “Cái lu” trong đề xuất này, theo ông, cũng có thể được hiểu là hồ điều tiết trong khu dân cư. Các khu đô thị mới nên phát triển những hồ nước, vừa tạo ra cảnh quan để điều tiết khí hậu, nhiệt độ và vừa góp phần giảm ngập.
Với cách hiểu này, lãnh đạo thành phố cho rằng đây là ý kiến tốt. Tiếc một điều, ý tốt ấy do chưa có thời gian diễn dịch hết ý, dẫn đến sự hiểu chưa đầy đủ của đám đông…
Là người đưa ra “hiến kế” và bị “ném đá”, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dân tộc học – Nhân học TP Hồ Chí Minh bộc bạch nếu không tâm huyết, không trăn trở trước nỗi khổ của người dân khi liên tục hứng chịu cảnh ngập nước, bà đã không đề xuất giải pháp này. Không phải tự dưng bà dùng đến hình ảnh “cái lu”.
Ở vùng quê của Việt Nam, đây hiện vẫn là vật dụng chứa nước rất quen thuộc của người dân. Từng dự một cuộc họp do Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chủ trì, bà được nghe các đại biểu đề cập đến kinh nghiệm tận dụng tri thức bản địa trong giải pháp chống ngập.
Và từ thực tế thành công khi áp dụng giải pháp này tại Tokyo, các chuyên gia của JICA cho rằng nếu TP Hồ Chí Minh vận động mỗi hộ gia đình xây một bể chứa nước 1m3 thì vừa góp phần chống ngập vừa tiết kiệm nước sạch.
Mà không phải chỉ Nhật Bản, bà Phan Thị Hồng Xuân kể bà từng đến Philippines và thấy người dân ở đây có một cái xe ba bánh, đặt trên đó một cái thùng nước. Khi nhà ngập nước, người ta sẽ cắm vòi hút nước chứa tạm vào thùng nước đó. Khi hết mưa, hết ngập, họ lại dùng chính nước đó để rửa, tưới tiêu cây vườn…
Cũng là một người dân sống trong vùng thường bị ngập do mưa, do triều cường, bà Xuân chia sẻ ý kiến này với tư cách một đại biểu HĐND, một người dân với những hình ảnh, cách làm gần gũi, thực tế. Nếu dùng từ “bể chứa nước” hay “dụng cụ chứa nước” để thay cho từ “cái lu”, có khi dư luận không ồn ào như mấy ngày qua trước đề xuất của bà.
Tuy bị “sốc” nhưng bà Xuân nói bà không phản ứng lại cộng đồng mạng hay ai đó giễu cợt, phản ứng tiêu cực với mình. Có khi, càng giải thích, câu chuyện có thể sẽ dẫn đến những việc không hay, bà nghĩ thế.
Thực tế đã có nhiều câu chuyện tương tự chuyện “cái lu”, “cái lon” và mạng xã hội lập tức ồn ào, “dậy sóng”. Nhớ khi PGS-TS Bùi Hiền đề xuất cải tiến chữ cái tiếng Việt, mạng xã hội nhanh chóng lên tiếng và người đưa ra đề xuất này đã bị “ném đá” tơi bời.
Nguyên Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy học phổ thông, đã thừa nhận rằng rất nhiều người đã dùng chính chữ mà ông đề xuất cải tiếng để “ném đá” ông.
Theo dõi sự phản ứng của cộng đồng mạng mấy ngày qua, tôi tâm đắc và rất tán đồng quan điểm của PGS. TS Nguyễn Văn Dững, giảng viên cao cấp của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng là người từng dạy tôi và nhiều đồng nghiệp của tôi.
“Những biểu hiện chửi bới, xỉ vả, bôi bác,… với những ý kiến khác ý kiến, khác quan điểm của mình là biểu hiện chưa trưởng thành về văn hóa phản biện. Như vậy chỉ làm vẩn đục môi trường tranh luận và chẳng có ích gì cho xã hội…”, ông khẳng định và cho rằng, kiểu phản ứng của rất nhiều người trên mạng xã hội về chuyện “cái lu” là một sự đáng tiếc.
Ngày 16-7, PGS.TS Nguyễn Văn Dững bày tỏ thêm quan điểm của mình rằng, đề xuất “cái lu” trữ nước chống ngập tức thì, ở phương diện nào đó, thấy có thể được; nhưng được là phải có triển khai mở rộng ý tưởng này để người dân hiểu. Đại thể, “cái lu” chỉ là ý tưởng từ tên gọi dân gian, nó được nếu mở rộng thành mạng lưới bể chứa nước của mỗi gia đình, mỗi ngôi nhà chung cư và hồ nhân tạo hay hồ tự nhiên được nâng cấp ở mỗi địa bàn cư dân,… theo một đề án có tổ chức theo kế hoạch hiệu quả.
Nếu làm được việc này, theo PGS.TS Nguyễn Văn Dững, ta sẽ tận dụng nguồn nước mưa không hề nhỏ trong khi nguồn nước ngọt đang khan hiếm dần. Tiếp đó là chống ngập tức thì và thú vị nhất là việc đầu tư này không tốn “tiền tấn” như những đợt chống ngập trước đây…
Tất nhiên, điều này sẽ rất khó khả thi nếu như thói quen lâu nay vẫn đang không chỉ tồn tại mà còn trở nên phổ biến – đó là tình trạng hồ nước, dòng thoát nước tự nhiên bị lấp tiệt, phục vụ cho việc lấy đất giao – bán cho doanh nghiệp; quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch (lấp kênh, lấp hồ) đâu đó vẫn chỉ theo ý của “nhà đầu tư”; quy hoạch thiếu khoa học dẫn đến thực trạng, đô thị sát sông, sát biển nhưng chỉ một cơn mưa bóng mây, phố bổng thành sông!
Nhìn vấn đề chống ngập từ góc nhìn này cùng với tâm lý bực tức lâu nay trước nhiều chuyện liên quan đến đời sống an sinh, đến mục tiêu phát triển bền vững,… theo PGS.TS Nguyễn Văn Dững, nhiều người lên tiếng trên mạng mạng xã hội để chỉ trích đề xuất chuyện “cái lu” là có cơ sở. Và theo ông, điều này cũng thể hiện quyền được lên tiếng và trách nhiệm của cử tri, của nhân dân đối với những người do chính mình bầu ra, được trả lương và các chi phí khác từ tiền thuế của dân.
Nhìn từ vấn đề từ địa vị pháp lý của đại biểu “dân cử” nói chung hay cán bộ công viên chức nói riêng, cần phải thấy mỗi lời nói, hành vi của mình đều được sự giám sát, phản biện, thậm chí chỉ trích của cử tri. Đó là chuyện rất bình thường và mỗi cán bộ nên phải hết sức cầu thị, lắng nghe. Việc đại biểu “dân cử” trình bày lại, trình bày thêm ý kiến của mình quanh chuyện “cái lu” trên báo chí là rất đúng mực, rất đáng trân trọng.
PGS.TS Nguyễn Văn Dững cho rằng, khi thực hiện quyền được nói, quyền được giám sát, phản biện xã hội và thậm chí quyền được chỉ trích của mình, công dân nói chung và cư dân mạng nói riêng cần có sự kiềm chế và nhất là cần có văn hóa giao tiếp; tránh dùng những ngôn từ “sốc” để chỉ trích, thậm chí chửi bới thô tục, cay nghiệt,… Bởi nếu cứ như vậy, chỉ làm cho môi trường giao tiếp trên mạng xã hội nói chung, trong xã hội chúng ta nói riêng không tốt lên; mà thậm chí làm cho văn hóa của người chỉ trích như vậy có thể bị “lùn” đi mà thôi.
PGS.TS Nguyễn Văn Dững cảm giác hiện đang có không ít facebookers hình như luôn chờ sẵn có sự việc là….”bật”, kể cả những trí thức, những người có học hành đàng hoàng. Hình như trong xã hội đang tiềm ẩn tâm lý phản đối tất cả, dù là các đề xuất cá nhân, dù là nghe chưa tường hay chưa xem xét thấu đáo, cũng đã bùng lên làn sóng phẫn nộ, chỉ trích gay gắt. Đây là hiện tượng đáng buồn, cần có chiến lược giải quyết tầm quốc gia về truyền thông và quyết sách kinh tế – xã hội.
Tất cả chúng ta, dù là cư dân mạng hay ở đâu và với địa vị pháp lý như thế nào cũng nên làm quen với các ý kiến khác mình, thậm chí là đối lập với ý kiến hay quan điểm cá nhân hay tổ chức – dù đó là đề xuất của quan chức hay công dân nói chung. Và không vì khác ý kiến, khác quan điểm mà chửi bới, làm ầm lên. Nếu khác ý kiến hay quan điểm nhau thì có thể phản hồi, phản biện lại nhưng khi phản biện hay tranh luận trên mạng xã hội, người đưa ra quan điểm tranh luận phải mang tính xây dựng, thái độ góp ý chân thành.
Việc tranh luận có thể phản bác, nhưng là phản bác có lập luận thuyết phục, không nên chửi bới hay phỉ báng người khác. Nếu không đưa ra được lập luận thuyết phục mà chỉ chửi bới ý kiến người khác thì nhiều người nghe được, đọc được cũng bị ảnh hướng tâm lý và người “được” chỉ trích càng bị tổn thương. Chúng ta đều là con người, có cảm xúc và lý trí cả.
“Chúng ta mong muốn xã hội có quá trình mở rộng dân chủ nhanh hơn để tranh luận, để đóng góp cho sự phát triển bền vững nhưng đó là sự tranh luận hay phản biện có văn hóa, chứ không phải là tận dụng cơ hội để xả tức bực, để chửi bới, để chì chiết nhau. Như vậy chỉ làm vẩn đục môi trường tranh luận và chẳng có ích gì cho xã hội chúng ta cả…. Mỗi người chúng ta luôn mong muốn xã hội chúng ta tốt lên, môi trường sống nói chung tốt lên, chứ không phải cứ mỗi sáng mở mắt ra là chửi bới, hậm hực nhau, thêm mệt…”, PGS.TS Nguyễn Văn Dững bày tỏ.
(Theo Công An Nhân Dân)