Đừng để “cáo” Weibo gửi chân trên lãnh thổ Việt Nam
Chuyện kể rằng, có một con cáo, trong đêm đông lạnh giá đến xin sống nhờ ở chuồng gà! Gà thừa biết cáo nguy hiểm nên không cho vào, cáo năn nỉ: “Ôi các bạn gà ơi, tôi mệt mỏi lắm rồi, đâu còn sức mà làm gì các bạn, hãy cho tôi gửi chân vào thôi cho đỡ lạnh“! Gà bàn bạc và thấy cái chân thì chả vấn đề gì nên hé cửa cho cáo bỏ chân vào. Lát sau, cáo xin cho nốt chân kia vào nữa, gà thấy cáo xin xỏ tử tế nên đồng ý. Dần dần, cáo xin được “cho vào” thêm một ít, cuối cùng thì, cả đàn gà bị thịt hết. Sự xuất hiện của một công ty đăng ký kinh doanh tại Hà Nội và một tên miền .vn đã được đăng ký gắn với tên Weibo, mạng xã hội của Trung Quốc phải chăng là chiêu “cáo gửi chân” của Trung Quốc.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay đến thời điểm này, Bộ chưa nhận được thông tin gì từ phía Weibo Trung Quốc về việc mở hoạt động tại Việt Nam. Song theo Cánh cò tìm hiểu được biết, trong hạng mục “cổng thông tin” mà trang Mã số thuế liệt kê của công ty Weibo sẽ cho phép họ “hoạt động điều hành các website sử dụng công cụ tìm kiếm để tạo lập và duy trì các cơ sở dữ liệu lớn các địa chỉ internet và nội dung theo một định dạng có thể tìm kiếm một cách dễ dàng. Hoạt động điều hành các website khác hoạt động như các cổng internet, như các trang báo chí, phương tiện truyền thông trực tuyến cung cấp các nội dung thông tin được cập nhật định kỳ”. Anh Quân, người đứng tên sử dụng tên miền www.weibo.vn chia sẻ với báo Thanh Niên cũng hé lộ, công ty hiện sử dụng 100% vốn đầu tư trong nước song đối tác nội dung là từ Trung Quốc. Những điều này càng dấy lên nghi ngại về việc phải chăng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc đã đặt chân vào Việt Nam?
Có đăng ký hoạt động, có văn phòng đại diện, chịu sự quản lý, giám sát của luật pháp Việt Nam, thực hiện đủ nghĩa vụ thuế… hiển nhiên sự tồn tại Weibo ở Việt Nam là hợp pháp, bình đẳng với mọi sản phẩm, dịch vụ kinh doanh mạng khác đã và đang tồn tại. Chỉ khác ở chỗ, Weibo là mạng của Trung Quốc, mà TQ thì như TS Nguyễn Ngọc Chu khẳng định “hiện nay không ai có mưu đồ xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam ngoài Trung Quốc“. Vì vậy, người Việt chúng ta sẽ nhìn nhận nó, cảnh giác, e dè nó ở khía cạnh chính tri, như một công cụ xâm lăng văn hóa nhiều hơn một trang mạng xã hội hay một phương tiện kết nối.
Trước đây, cộng đồng mạng trong nước từng nghi ngờ WeChat là ‘phần mềm gián điệp” khi bàng hoàng phát hiện ra dường như thông qua WeChat, TQ đang muốn gài bẫy người dùng VN ‘xác nhận chủ quyền’ phi pháp về ‘đường lưỡi bò’ để họ dễ dàng có cái cớ tranh luận trong các cuộc họp, hội thảo về chủ quyền tại Biển Đông.
Với Trung Quốc, cảnh giác chưa bao giờ là bài học cũ. Vậy nên, xin đừng để ‘cáo’ gửi dù chỉ là 1 chân.
Văn Dân