+
Aa
-
like
comment

Đừng để cách cho làm hỏng giá trị chương trình “Sữa học đường”

Han Cao - 28/06/2020 17:56

Vừa qua, có một đề án trong giáo dục đã được triển khai và nhận được sự ủng hộ lớn từ phía dư luận và các bậc phụ huynh: cho con em được uống sữa tươi với sự giúp đỡ từ các cấp chính quyền. Đối tượng được áp dụng là trẻ em mẫu giáo, tiểu học các trường công lập và trẻ em mẫu giáo tại các trường tư thục thành phố. Các em học sinh sẽ được uống sữa 5 lần một tuần, mỗi lần uống 180ml sữa và xuyên suốt cả năm. Được thực hiện dựa trên sự đăng kí tự nguyện của phụ huynh học sinh, bố mẹ sẽ trả mức phí 50%, còn lại 30% được hỗ trợ bởi ngân sách thành phố  và 20% hỗ trợ bởi doanh nghiệp. Đối với con em gia đình cận nghèo, hộ nghèo sẽ được hỗ trợ chi trả 50% phí từ ngân sách và 50% của doanh nghiệp.

Chúng ta muốn trẻ em được sống trong tình yêu thương, được phát triển lành mạnh, không hề có định kiến hay mặc cảm

Lưu ý rằng, để được uống sữa miễn  phí như vậy, các em phải có xác nhận gia đình hộ nghèo, cận nghèo. Nghĩa là, giúp trẻ em là những đối tượng còn rất nhỏ như mẫu giáo, cấp 1 nhưng cũng phải kèm theo điều kiện đó là có dấu xác nhận thuộc gia đình hộ nghèo.

Trẻ em nghèo muốn uống sữa, phải có chứng nhận nghèo

Đọc trên báo thấy có chương trình “Sữa học đường” ở TP. Hồ Chí Minh với mục đích cao cả giúp cho mầm non tương lai của đất nước được hưởng một chế độ dinh dưỡng tốt hơn, giúp tăng cường thể chất, trí tuệ và đây là điều thật đáng tuyên dương, ca ngợi. Chúng ta cần nhiều hơn những chương trình như thế này để trẻ em được hưởng một sự hỗ trợ tốt.

Tuy nhiên, khi biết được những trẻ em nhà nghèo muốn được uống sữa miễn phí sẽ phải có dấu xác nhận thuộc gia đình hộ nghèo, tôi lại cảm thấy xót xa hơn bao giờ hết. Trẻ con chúng chưa hiểu thế nào là hộ nghèo, hộ cận nghèo hay sự phân biệt giàu nghèo, nhưng thông qua đây những người lớn chúng ta thấy được xã hội đang tàn nhẫn với những đứa trẻ như thế nào.

Chúng ta được dạy từ bé trong các nhà trường, về bình đẳng xã hội, về tương thân tương ái, đùm bọc, lá lành đùm lá rách. Chúng ta cũng biết thế hệ tương lai là những mầm non quyết định đến vận mệnh của đất nước sau này. Một nền tảng giáo dục tốt và cho trẻ con cảm nhận được tình yêu thương, đó là điều rất quan trọng. Không chỉ đơn thuần là bữa ăn hay hộp sữa, nhưng cách chúng ta cho trẻ con nhận thấy được sự yêu thương, chăm sóc để nuôi dưỡng những tâm hồn trong trẻo trên một nền tảng thực sự nhân văn mới là điều cần thiết để mang lại những hạt giống tốt trong tâm hồn con trẻ.

Tuy nhiên cách mà chúng ta thực hiện có vẻ không thực sự giống như những gì chúng ta đang ra rả giáo dục chúng mỗi ngày. Khi mà một đứa trẻ muốn được uống sữa khi gia đình không có khả năng chi trả, chúng cần phải có dấu mộc đỏ tươi xác nhận gia đình mình nghèo “gia đình cháu nghèo lắm, các bác cho cháu xin hộp sữa”.

Khi mà các quan chức chính quyền có thể mặc nhiên nâng giá các công trình, công sản nay trở thành tư sản, dốc sức đưa ra những chính sách vì nhân dân, vì con người. Khi mà các ông lớn về kinh tế có thể chi trăm ngàn tỉ đồng vào các nhà máy, công trình sắt vụn… để làm giàu thì bây giờ những đứa trẻ muốn được uổng sữa phải ghi dấu trong mình thân phận con nhà nghèo mà suốt đời chúng cũng không thể quên được.

Sự mặc cảm, định kiến về cái nghèo mãi in trong đầu con trẻ

Đến bao giờ sự tự ti, mặc cảm “tôi nghèo” mới không còn xuất hiện trong đầu những đứa trẻ?

Có bố mẹ nào lại muốn con không bằng bạn bằng bè. Thấy ở lớp các bạn ai cũng được uống sữa mà con mình không có, hẳn họ cũng day dứt và đau lòng. Nhưng nếu chính quyền thành phố đã nghĩ ra được một chương trình nhân văn như vậy và sự hỗ trợ trong ngân sách hoàn toàn có khả năng để giúp đỡ các em thì cũng nên hành động một cách thực sự nhân văn thay vì ra điều kiện với cả trẻ em để được uống sữa. Những năm tháng đầu đời rất quan trọng để hình thành nên tư duy, tính cách của trẻ em sau này. Nên việc cho chúng một cái nhìn bao dung, có tình yêu sẽ tốt hơn là sự tính toán, chê bai, mặc cảm từ khi còn rất nhỏ.

Thay vì phải chứng minh bản thân là con nhà nghèo để xứng đáng với sự ban ơn, giúp đỡ của người lớn, khiến cho chúng cảm thấy một tình yêu cần cố gắng, cần chứng minh bản thân nghèo, tại sao không giúp đỡ một cách tế nhị hơn? Giáo viên trong lớp hoàn toàn có thể nhận biết được con em gia đình khó khăn và sự đề đạt, nguyện vọng của phụ huynh. Chúng vẫn được uống sữa như các bạn với lòng biết ơn từ sự giúp đỡ của các cô, của nhà trường, thành phố thay vì phải cảm thấy mình nghèo trước thì mới có sữa uống.

Nếu như bạn là một người thực sự có tấm lòng thương cảm và yêu trẻ con, những điều tôi nói trên đây hoàn toàn không quá đáng. Và khi bạn hiểu một đứa trẻ trong giai đoạn từ 0-6 tuổi ngây thơ, mỏng manh như thế nào, chúng tiếp nhận bất cứ thứ gì nhìn thấy, những gì mình nghe và cảm nhận được, bạn sẽ không muốn chúng phải chứng kiến hay trải qua bất cứ sự việc đáng tiếc nào. Chúng ta muốn trẻ em được sống trong tình yêu thương, được phát triển lành mạnh, không hề có định kiến hay mặc cảm cho dù chúng có là con nhà nghèo thật thì từ trong hành động, ý thức của chúng ta cũng cần phải được gây dựng như vậy.

Gieo một hạt giống tốt, kết quả sau này cũng sẽ ngọt ngào. Gieo một hạt giống tự ti, mặc cảm, về sự khác biệt giữa giàu và nghèo, biết đâu chúng ta đã vô tình tạo nên những thế hệ tiếp theo y hệt như vậy và chúng lại mang cái nghèo in hằn lên đầu con cái của mình sau này.

Han Cao

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều