+
Aa
-
like
comment

Đừng để áp lực về bằng cấp, chứng chỉ mà đánh mất người tài

04/11/2019 17:35

Để được bổ nhiệm trong quá trình làm việc, cán bộ cần phải có đỉ các loại bằng cấp. Chính điều này đã và đang khiến bằng cấp trở thành áp lực với cán bộ và là chúng ta đánh mất đi cơ hội tìm được cán bộ thực sự giỏi và có tài.

Sắp về hưu vẫn phải đi học để để bổ sung bằng cấp, liệu có phù hợp?

Theo yêu cầu chuẩn hoá cán bộ, công chức, viên chức, quy định phải có rất nhiều các loại bằng cấp, chứng chỉ, dẫn đến tình trạng hiện nay nhiều người thời gian đi học còn nhiều hơn đi làm, có người gần về hưu vẫn phải tham gia các khoá học để bổ sung chứng chỉ, bằng cấp.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình), những văn bằng, chứng chỉ rất cần thiết để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, với từng ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng, độ tuổi… phải được quy định những loại văn bằng, chứng chỉ một cách hợp lý. Đại biểu Phương cũng cho rằng, thời điểm để quy định có đầy đủ các văn bằng, chứng chỉ không đúng với lịch trình trong quá trình đào tạo của cán bộ, công chức.

“Cán bộ làm văn thư bắt buộc phải có chứng chỉ về tin học, hay cán bộ công tác trong ngành ngoại giao cần phải có chứng chỉ ngoại ngữ. Còn những cán bộ, công chức, viên chức không làm việc liên quan đến ngoại ngữ, tin học thì chưa cần thiết phải có”- đại biểu Phương chia sẻ.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) trả lời báo chí bên lề Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) trả lời báo chí bên lề Quốc hội.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng, nên xem xét, nghiên cứu kỹ những văn bằng, chứng chỉ cho từng đối tượng. Đối với thi công chức, viên chức, chỉ cần có bằng đại học, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là đủ điều kiện, không cần thêm chứng chỉ nào khác.

Với những người có chức vụ, như Trưởng phòng phải là chuyên viên; Giám đốc, phó Giám đốc Sở phải là chuyên viên chính. Quy định này cần thiết phải có để nâng cao trình độ, năng lực của người có chức vụ. Nhưng với công chức, viên chức không nhất thiết phải có quá nhiều chứng chỉ, văn bằng.

“Các cô giáo mầm non giữ trẻ thi tuyển vào viên chức cũng phải cần phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, điều này nhất thiết có nên hay không? Tôi nghĩ, những cô giáo mầm non cần quản lý trẻ thật tốt, dạy trẻ ngoan, được sự tín nhiệm của phụ huynh, nhà trường là tốt”- đại biểu Hòa dẫn chứng.

Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, để việc bổ nhiệm cán bộ thực chất, thu hút, tuyển chọn, bổ nhiệm được người có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ thì việc thi tuyển chức danh lãnh đạo là một phương án tối ưu. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần xem xét, có thể xóa bỏ những văn bằng, chứng chỉ không cần thiết để tránh phiền hà và gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến công việc của công chức, viên chức.

Đừng để áp lực về bằng cấp, chứng chỉ đánh mất cơ hội tìm được người tài

Còn nhớ vụ việc lùm xùm xoay quanh việc “chạy” biên chế giáo viên mầm non ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội với mỗi suất lên đến hàng trăm triệu đồng được báo chí phản ánh… Dư luận cho rằng, xã hội bây giờ cái gì cũng phải “chạy”. Để có một suất công chức, viên chức Nhà nước thì người ta phải mất một số tiền rất lớn để “chạy”.

Chuyện cán bộ, công chức chỉ còn 1-2 năm nữa là về hưu nhưng thời gian đi học nhiều hơn thời gian ở cơ quan; có người khi đi học để chuẩn hóa bằng cấp lại học với “thầy” là học sinh cũ của mình; có người hành nghề phóng viên được tận 20-30 năm, giành hàng chục giải thưởng báo chí từ cấp Quốc gia đến địa phương, sắp về hưu vẫn phải đi học chuẩn hóa lớp phóng viên hạng 3 (hạng cơ bản nhất để được công nhận là phóng viên)… không còn là chuyện hiếm trong các lớp học về chính trị, quản lý hành chính, phóng viên hạng 2, phóng viên hạng 3 và cả chục lớp học khác để chuẩn hóa hồ sơ cán bộ.

Nhiều cán bộ công chức hiện nay, trong đó có cán bộ cấp Phòng, Vụ và cao hơn, thời gian tham gia lớp học còn nhiều hơn thời gian làm việc ở cơ quan. Và cũng không ít nơi, có ngày công chức, cán bộ đi học các lớp chuẩn hóa làm “rỗng” cả cơ quan. Trong những ngày đó, nhiều nơi gần như “tê liệt”, làm việc cầm chừng vì thiếu nhân sự.
Dù suốt ngày tham gia các khóa học để chuẩn hóa, nhưng thực tế có nhiều người chưa biết đến bao giờ mới có đủ các loại bằng cấp, chứng chỉ mà cơ quan yêu cầu để đầy đủ hồ sơ, lý lịch công chức.

Phải khẳng định, bằng cấp là thước đo năng lực cụ thể nhất của mỗi người. Điều đó đúng nếu bằng cấp song hành với chuyên môn, năng lực của cán bộ. Nhưng thực tế, không hoàn toàn như vậy.

Việc “trọng bằng cấp” là tình trạng phổ biến ở nhiều cơ quan Nhà nước hiện nay. Khi tuyển dụng, ở các doanh nghiệp, công ty tư nhân không coi bằng cấp là yếu tố tiên quyết, mà chủ yếu là năng lực thật của người ứng tuyển, thì ở đa số cơ quan Nhà nước, yếu tố đầu tiên phải là bằng cấp. Bằng càng nhiều, càng đẹp, càng cao, thì càng có nhiều cơ hội được tuyển dụng. Thế nên, có nhiều người có hẳn bằng Thạc sỹ, Tiến sỹ nhưng lại làm việc không bằng những người bằng cấp thấp hơn, thậm chí không biết làm gì.

Nhưng, những tấm bằng đẹp đẽ lại là “giấy thông hành” để họ được đặc cách, hưởng các chế độ ưu tiên trong quá trình tuyển dụng, trong các kỳ thi nâng ngạch, các kỳ thi đòi hỏi tiêu chí về bằng cấp hay được ưu tiên trong bổ nhiệm, luân chuyển từ vị trí thấp hơn đến vị trí cao hơn.

Cũng vì thế, nhiều người đã không ngại dối trá trong việc dùng bằng, chứng chỉ giả để đầy đủ hồ sơ, để được bổ nhiệm, nâng ngạch. Thực tế trong thời gian qua, hàng loạt các địa phương như Hà Tĩnh, Đắk Nông, Đắk Lắk… đã phát hiện cán bộ sử dụng bằng giả để thăng tiến, gây bức xúc dư luận.

Mới đây là việc một nữ Trưởng phòng ở Đắc Lắk, chưa tốt nghiệp cấp 3, nhưng sử dụng bằng giả để thăng tiến lên đến cấp Trưởng phòng. Sự việc sẽ vẫn êm đềm như 20 năm qua, nếu không có người phát hiện, tố cáo.

Có cung thì ắt có cầu. Khi mà bằng giả vẫn được lưu hành thì nó vẫn được dùng để mua bán, trao đổi. Cũng mới đây, vụ việc Đại học Đông Đô dù không có phép nhưng vẫn cấp văn bằng 2 với giá vài chục triệu bị phanh phui, nhiều cán bộ của trường này bị bắt, khởi tố và bị truy nã. Hoặc ngoài thị trường, người ta vẫn dễ dàng mua bán chứng chỉ hoặc tham gia các khoá “học giả, bằng thật” với giá chỉ vài triệu đồng.

Có chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đã phải thốt lên, nếu đáp ứng đủ các bằng cấp, chứng chỉ để quy chuẩn cán bộ như hiện nay, thì người cán bộ đó phải học đến tận khi về hưu, học hết cả thời gian làm việc.

Chuẩn hóa cán bộ là một chủ trương đúng đắn. Để quy chuẩn cán bộ thì bằng cấp là tiêu chí quan trọng. Nhưng trong tình hình thực tế hiện nay, chất lượng bằng cấp

chưa song hành với năng lực thực sự, việc chuẩn hóa với quá nhiều tiêu chí về bằng cấp đang làm khó cho rất nhiều người học thật, làm thật.

Quan trọng hơn, cần thức tỉnh, khơi dậy tự hào đối với cán bộ, đảng viên vì được đóng góp, cống hiến cho xã hội đối với sự phát triển chung của đất nước, vì sự tiến bộ, văn minh và công bằng xã hội – đó là vinh dự lớn lao trong cuộc đời mỗi con người.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng tu dưỡng phẩm chất trong sáng, đủ năng lực và uy tín đáp ứng các yêu cầu của cách mạng trong thời kỳ mới, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của nhân dân.

Đinh Lực

Bài mới
Đọc nhiều