Đừng dạy bác sỹ cách chữa bệnh, đừng dạy Nhà nước cách phòng dịch!
Tháng 3/2020, HLV người Đức Jurgen Klopp đã bực tức với phóng viên vì người này đã đặt một câu hỏi không liên quan đến bối cảnh cuộc phỏng vấn – vốn được tổ chức trước trận lượt về loại trực tiếp Champions League giữa Liverpool và Atletico Madrid. Vị phóng viên này đã hỏi: “Ông đánh giá như thế nào về đại dịch Covid-19?”
Ngay sau đó, Jurgen Klopp đã trả lời cực đanh thép rằng: “Phát ngôn của những người nổi tiếng không nên được xem trọng. Những người đáng nên được lên tiếng phải là có chuyên môn và biết nói ra điều gì, đưa ra lời khuyên hữu ích, chứ không phải HLV bóng đá”
Huyền thoại làng quần vợt Novak Djokovic là một người anti vaccine. Ngay cả khi đối diện với đại dịch Covid-19, anh cũng phản đối việc tiêm phòng và lên án việc “bị ép tiêm vaccine”. Với ảnh hưởng lớn của mình, Novak Djokovic đã là một trong những khởi nguồn cho “cảm hứng” anti vaccine trên thế giới. Tờ Rollingstone nói rằng, từ những phát ngôn của Novak Djokovic, những phong trào phản đối sự ra đời của vaccine Covid-19 đã diễn ra, họ tập trung vào việc giảm nhẹ tác hại của Covid-19, họ tuyên truyền sai lệch về nguồn gốc của chủng virus này. Những việc mà họ làm – những kẻ anti vaccine, cũng gián tiếp khiến cho Covid-19 lây lan mạnh mẽ hơn. Jurgen Klopp nói rằng những người lên tiếng phải là những người có chuyên môn liên quan. Chứ không phải là những ca sĩ, streamer, diễn viên hài hay thậm chí kể cả giáo sư toán học.
Ca sĩ Pha Lê lên tiếng trên trang cá nhân, chỉ trích gián tiếp Bộ Y Tế hay các bác sĩ – những người trực tiếp có chuyên môn dày dặn tham gia cứu chữa bệnh nhân rằng họ là những người “bao biện” khi “lấy lý do vì bệnh nền trước đó là không hợp lý lắm”. Thật lạ kì, khi nữ ca sĩ không tham gia trực tiếp vào công tác chẩn đoán bệnh tật lại muốn tham gia phán xét về nguyên nhân tử vong. Rồi chuyên môn ca sĩ, lại đi chỉ trích những chuyên gia đầu ngành y tế là “bao biện” khi công bố những thông tin tử vong.
Ngoài ra, ca sĩ cũng cho rằng chăm sóc một, hai người thì còn có thể tập trung chữa bệnh được, chứ chăm sóc một lúc khoảng 100 người thì cơ sở hạ tầng y tế không đủ. Hiện nay, tính trên khắp cả nước, Việt Nam đang triển khai điều trị cho khoảng 242 người bệnh. Chỉ tính riêng tại Cung thể thao Tiên Sơn tại Đà Nẵng, phía cơ quan chức năng đang được khẩn trương thi công bệnh viện dã chiến với quy mô 700 giường bệnh và có thể mở rộng lên 1000 giường bệnh. Ca sĩ Pha Lê dường như có ý hạ thấp trình độ, cơ sở y tế tại Việt Nam vậy, điều này thực sự nguy hiểm, vì với tầm ảnh hưởng của mình cũng như có nhiều người theo dõi, những thông tin sai lệch này có thể khiến người dân hoang mang, lo lắng vào công tác khám, chữa Covid-19 tại nước ta.
Như giáo sư toán Ngô Bảo Châu rất có ảnh hưởng trên mạng xã hội, viết trên trang cá nhân rằng ông không hiểu tại sao chính quyền lại cấm ăn uống, buôn bán vỉa hè nhằm mục đích chống dịch. Ông cho rằng việc nới lỏng buôn bán vỉa hè khiến cho những người dân nghèo khổ có thể sống qua mùa dịch và việc tập trung ăn uống tại nhà khiến cho dịch bệnh dễ lây lan hơn. Vị giáo sư này hiến kế rằng chỉ cần áp quy định các hàng quán vỉa hè thực hiện cho thực khách giãn cách 1m là được.
Về mặt luật pháp, các hành vi lấn chiếm, buôn bán tại lòng đường, vỉa hè là luôn luôn sai. Rất nhiều người, lại cứ hay lôi “nghèo” ra để bao biện cho các hành vi của mình, thậm chí những hành vi ấy bất chấp luật pháp. Bây giờ, những hành vi ấy còn được dung túng và thông cảm bất chấp cả an nguy của xã hội. Giáo sư cho rằng cần tập trung vào chống dịch và nương sức dân, nhưng “nương sức dân” ở đây không phải là việc bất chấp luật pháp, hành xử vô thiên vô pháp và kéo theo những hệ lụy khó lường cho công tác phòng chống dịch.
Phàm đã là quán ăn vỉa hè, diện tích chật hẹp và không gian tạm bợ mà giáo sư cho rằng áp dụng quy tắc giãn cách 1m giữa các thực khách? Vậy diện tích vỉa hè nào cho đủ? Rồi đây có khác gì hành vi tiếp tay cho việc lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, không gian công cộng không? Ngoài nguy cơ phát tán dịch bệnh, thì hàng quán này cũng vi phạm các quy định an toàn giao thông, làm tắc nghẽn luồng giao thông, ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của rất nhiều người.
Ngoài ra, giáo sư Châu còn cho rằng Việt Nam chưa có ca nhiễm nào do ăn phở vỉa hè, nên cấm hàng quán vỉa hè là không cần thiết? Vậy bây giờ VFF – Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng lấy lý do là chưa có ca nhiễm nào do các sự kiện bóng đá nên cũng không cần cấm bóng đá? Rồi phía Bộ Giáo Dục cũng nói rằng, không có ca lây nhiễm nào trong trường học, vì vậy cũng không cần cho học sinh nghỉ học à?
Theo câu nói của giáo sư, thì việc hoạt động buôn bán, ăn uống tại vỉa hè chưa gây ra bệnh thì không cần phải cấm? Nhưng nguyên tắc lây bệnh của Covid-19 là do tiếp xúc với dịch cơ thể như giọt bắn, hắt hơi, sổ mũi… hoặc là lây nhiễm gián tiếp qua tiếp xúc vào các bề mặt có chứa virus sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng và nhiễm bệnh. Dẫn theo các nguyên nhân đó, thì các hàng quán vỉa hè là nơi lây lan dịch bệnh hàng đầu.
Giáo sư Ngô Bảo Châu cho biết thêm rằng việc “tập trung ăn uống trong nhà” sẽ gây ra nguy cơ lây lan dịch bệnh lớn nhất – điều này đi ngược lại với quy tắc chống dịch hiệu quả nhất là “giãn cách xã hội” mà các quốc gia châu Á thực hiện thành công và các quốc gia phương Tây đang học tập theo. Trong giãn cách xã hội hay phong tỏa xã hội, người dân được yêu cầu tập trung ở trong nhà, hạn chế ra ngoài đường, chỉ ra ngoài khi có các nhu cầu quan trọng bất khả kháng. Mục đích của việc này là hạn chế tiếp xúc xã hội, giảm lưu lượng tham gia giao thông từ đó hạn chế tương tác xã hội, cộng thêm việc đeo khẩu trang, tỷ lệ lây nhiễm sẽ suy giảm đi. Ngoài ra, việc giãn cách khiến các lực lượng có thêm thời gian, không gian để phòng, chữa, chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các hàng quán vỉa hè đều gắn chặt với các tuyến đường giao thông, nơi công cộng, trường học, công sở, chung cư… có rất nhiều người tham gia qua lại, khả năng trở thành nơi trung gian lây bệnh cao, phát tán bệnh cũng cao nốt. Mà nếu có người nhiễm bệnh, việc truy tìm những thực khách tại quán cũng rất vất vả vì không có camera, không có hóa đơn để truy tìm.
Trong khi cả nước đồng lòng chống dịch, các hàng quán, cửa tiệm ở nhiều ngành nghề vui lòng hợp tác, chẳng mấy ai kêu than vì họ ý thức được trách nhiệm của mỗi cá nhân vào công tác phòng chống dịch bệnh. Vì một khi dịch còn, là hầu như toàn thể xã hội đều gặp khó khăn về kinh tế, chỉ khi dịch hết, các hoạt động kinh tế mới trở lại bình thường. Thời gian vừa qua đã chứng minh là như vậy.
Jurgen Klopp đã bày tỏ thẳng thắn rằng HLV bóng đá thì cần tập trung bóng đá, ông không hiểu biết về chính trị, không có kiến thức y khoa thì tại sao lại hỏi ông? Hay chỉ đơn giản là vì ông nổi tiếng? Với tầm ảnh hưởng của một người nổi tiếng, quan điểm đúng thì không sao, nhưng nếu đã là quan điểm sai, thì rất nhiều người sẽ tin theo, học theo và gây ra những hệ lụy xã hội cực kỳ lớn.
Thực tế, một giáo sư toán không có nghĩa là sẽ giỏi về y học dự phòng, chính trị hay kinh tế. Một ca sĩ thì càng không nên phán xét về “nguyên nhân gây ra tử vong”. Một diễn viên hài độc thoại thì cần tập trung chuyên môn diễn hài mua vui cho cuộc sống thay vì đi cạnh khóe chính sách công và thông cảm cho những người vượt biên trái phép. Jurgen Klopp khẳng định: “Chúng ta không thể giải quyết Covid-19 bằng bóng đá. Chúng tôi chơi bóng, đó là điều chúng tôi phải làm”.
Nói tóm lại, chỉ mong mỗi người làm đúng trách nhiệm, cống hiến đúng chuyên môn cho Tổ Quốc, cho nhân dân đã là tốt lắm rồi. Nhưng việc này xem ra xa xỉ quá!
Tifosi
*Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả