Đừng đánh đồng người dân lương thiện với những kẻ gây rối
Những ngày qua, dư luận nóng lên không phải vì những con số tăng chóng mặt của đại dịch mà là vì hình ảnh những người dân khăn gói quả mướp về quê. Thương nhiều lắm mà cũng đau nhiều lắm. Chưa bao giờ thành phố – nơi giang tay đón nhận tất cả người dân tứ xứ lại phải chứng kiến một buổi chia tay lớn như vậy.
Đó có thể là chú bán vé số, cô bán bánh tráng trộn, là anh cắt tóc, những em trai làm thợ hồ, những em gái làm tóc, làm công nhân… Và còn cả những em bé miệng còn chóp chép thèm sữa. Người lớn đã thương nhiều mà chứng kiến cảnh những em bé chịu đựng cảnh nóng nực, ngột ngạt, vất vưởng ngoài đường thật sự không cầm nổi nước mắt. Càng thương bao nhiêu lại càng đau bấy nhiêu. 5 tháng dịch bùng phát đã khiến mảnh đất hội tụ tứ xứ bỗng trở nên hiu quạnh. Khiến mảnh đất lành chim đậu trở nên mặn chát. Mặn bởi những giọt nước mắt và cả những giọt mồ hôi. Khiến những con người bỏ quê, bỏ ruộng vườn, tha phương cầu thực, nay phải đùm túm nghèo đói trở về.
Không phải thành phố không níu giữ họ lại, mà bởi vì họ đã quá bế tắc. Dịch bệnh đến kiệt quệ, thành phố có hơn 10 triệu dân, người cần giúp đỡ rất nhiều. Hàng trăm nghìn tỷ đồng nghe lớn nhưng nếu chia nhỏ ra thì thấm tháp vào đâu. Bởi vậy chỉ biết trông chờ lại vào nơi chôn nhau cắt rốn. Về nhà ít ra vẫn còn có chỗ chui ra chui vào mà không mất tiền. Thôi thì rau cháo qua ngày, hết dịch ta lại tính tiếp kế sinh nhai.
Từng lớp người hết Sài Gòn lại đến Bình Dương, họ quyết định bỏ về ngay trong đêm. Thậm chí, có người còn đi bộ ra tận bắc. Có gia đình vợ bầu, chồng đèo trên xe đạp, dìu dắt nhau về quê. Thương bà con mình quá! May thay, chính quyền cũng đã hỗ trợ phần nào. Ngoài cấp đồ ăn, nước uống và xét nghiệm miễn phí thì còn hỗ trợ xe đưa bà con và cả xe máy của họ – có lẽ là tài sản duy nhất trở về. Dẫu biết rằng, chắc chắn sẽ không thể giải quyết ngay được nhu cầu của bà con và chắc chắn sẽ vẫn còn bức xúc, thế nhưng ít ra cũng đỡ đần, giúp vơi đi nỗi nhọc nhằn trên con đường về quê mặn chát.
Là người tứ xứ cũng đến Sài Gòn bươn chải, may mắn hơn các anh chị, cô bác chú dì ngoài kia vẫn còn trụ lại thành phố được, những ngày qua nhìn dòng người trở về, thật sự đau. Tôi thương những người dân nghèo khổ, bế tắc trong dòng người trở về. Rồi bao giờ mới có thể phục hồi lại đây? Và cũng chính vì thương họ nhiều đến vậy nên càng giận những người đã làm ảnh hưởng đến họ bấy nhiêu. Nào có người dân lương thiện mà lại sẵn sàng dùng bạo lực tấn công lực lượng chức năng. Nào có người dân hiền lành nào mà lại dùng hương tế sống công an. Dù biết mười mươi rằng, công an hay bộ đội đứng ở chốt đó chẳng có quyền gì mà cho phép họ về hay không.
Người dân về quê chỉ có ít đồ dùng cá nhân chứ nào ai mang sẵn những bó hương to mà để tế sống công an như vậy. Nào có ai dám hung hãn mà hò hét nhau lao vào ăn thua đủ với lực lượng kiểm soát chốt như vậy. Đó chắc chắn không bao giờ là hành động của người dân thiện lương. Họ bị cái nghèo cái khổ bao vây, mệt mỏi nhưng chưa bao giờ vì điều đó mà bất chấp. Và trên cả là còn là tình người với người. Chẳng ai lại đi tấn công, tế sống người đã chia cho mình từng chiếc bánh khi đói, gửi cho mình chai nước khi khát cả. Chắc chắn một nhóm quá khích nào đó đã trà trộn vào dòng người nghèo khổ trở về, để xúi giục, để kích động. Chia nhau từng bó hương to để hun khói, tạo nên bức xúc của đám đông. Chúng lu loa gào khóc dưới vỏ bọc người dân thiện lương nhưng lại sẵn sàng dùng gạch để tấn công những người yêu cầu mình giữ trật tự, biện pháp phòng chống dịch. Để rồi lặn mất tăm khi “có biến”, để những người nghèo khổ vốn chỉ mong được bình an trở về bỗng phải gánh trên vai thêm cái tội danh “chống đối”, “gây rối”, “vi phạm nguyên tắc chống dịch”.
Không xin đừng đánh đồng như vậy. Người dân miền quê họ hiền lành chất phát, họ biết dịch bệnh khó khăn, muốn về cũng không phải đơn giản nên vẫn lặng lẽ kiên nhẫn ngồi đợi 10 tiếng đồng hồ; Họ biết nỗi khổ của những người trực chốt nên sẵn sàng hợp tác với lực lượng chức năng để được đỡ hơn một đoạn đường vất vả. Còn những kẻ ngoài kia hãy gọi đúng tên là “gây rối”, không người dân nào như vậy cả!
Hạ Anh