+
Aa
-
like
comment

Đừng biến ngày Tổ quốc thống nhất thành “ngày quốc hận”

Bảo An - 26/04/2020 21:28

Chiến tranh đã rời xa, hai miền Nam – Bắc đã thành một nhà, vậy nhưng cứ đến những ngày cuối tháng 4, những tiếng nói lạc lõng của các đối tượng thuộc chế độ cũ lại được đưa ra. Sự hằn học, hận thù vẫn tổn tại trong một số người thuộc chế độ cũ. Bài ca ngày “quốc hận”, “ngày buồn nhất” vẫn được đưa ra.

Hình ảnh Chiến thắng 30/4 mốc son chói lọi của lịch sử của Việt Nam

Chiến tranh đã qua đi từ lâu, Việt Nam đã bước vào thời kỳ hoà bình, độc lập và xây dựng đất nước. Những hậu quả mà chiến tranh gây ra đã liền sẹo, Việt Nam đã xoá đi sự hận thù để bắt tay với những người từng đứng bên kia bờ chiến tuyến để hợp tác cùng phát triển. Nhiều cựu binh nước ngoài như Mỹ, Pháp – những người từng cầm súng đi khắp chiến trường miền Nam – đã nhận sự phi lý trong cuộc chiến tại Việt Nam và đang cố gắng trả lại “món nợ” mà mình đã gây ra. Vậy nhưng đáng buồn thay, nhiều người mang trong mình dòng máu đỏ, da vàng nhưng sau nhiều năm vẫn giữ sự hằn học, hận thù đối với chính quê hương, xứ sở và đồng bào của mình. Thậm chí, nhiều người vẫn đang có những hành động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam một cách vô cùng quyết liệt.

Tôn trọng sự thật, tôn trọng sự hy sinh của cha ông

Đến hẹn lại lên, mỗi dịp tháng 4 về, một bộ phận đối tượng cơ hội chính trị, phản động người Việt lưu vong tại nước ngoài – những người có lợi ích gắn liền với chế độ Việt Nam Cộng hoà – lại rêu rao giọng điệu “ngày quốc hận”. Họ cho rằng ngày 30/4 là “ngày buồn nhất” của Việt Nam. Cùng với việc kỷ niệm cái gọi là “ngày quốc hận” này, các đối tượng cũng ráo riết tiến hành các hoạt động chống phá, đặc biệt là rêu rao tuyên truyền các thông tin lệch lạc trên không gian mạng.

Trên các trang truyền thông như Việt Tân, BBC, RFA, RFI, Chân Trời Mới Media những ngày gần đây liên tục đưa ra các bài viết có nội dung mang tính xuyên tạc lịch sử về sự kiện 30/4/1975. Đánh giá về lịch sử, trên cơ sở luật pháp quốc tế, chúng ta tôn trọng sự hiện diện của nhà nước Việt Nam cộng hoà. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các đối tượng có thể đổi trắng thay đen, xuyên tạc bản chất của cuộc chiến vệ quốc mà nhân dân Việt Nam thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng, cố tình “đánh lận con đen” biến nó trở thành một cuộc nội chiến.

Hài hước hơn, thời gian gần đây, nhiều đối tượng đang tiến hành một làn sóng tô vẽ cho chính quyền Việt Nam cộng hoà. Họ ca ngợi sự giàu có, “nhân đạo” của chính quyền Việt Nam cộng hoà, rêu rao rằng nếu năm 1975 Việt Nam cộng hoà không bị thất thủ thì hiện tại sẽ giàu có hơn Hàn Quốc, Nhật Bản, cố tình kích động tư tưởng bất mãn, thù hằn chế độ và vẽ ra một sự tưởng tượng hết sức mơ hồ về nhà nước Việt Nam cộng hoà. Chúng ta cần thấy rằng sự giàu có của chính quyền Việt Nam cộng hoà được các đối tượng rêu rao chỉ là sự giàu có giả tạo, thuộc về một bộ phận người trong xã hội. Cũng chính vì vậy nên chính những người dân miền Nam mới phải đứng lên để lập nên địa đạo Củ Chi, căn cứ Rừng Sác – Cần Giờ v.v… để tiến hành kháng chiến. Và hơn hết, sống dưới chế độ Việt Nam cộng hoà, người Việt không thể làm chủ trên chính quê hương mình. Chính bởi vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân hai miền Nam – Bắc (những con người Việt Nam chân chính) đã sẵn sàng hy sinh, đánh đuổi tuổi xuân, máu thịt, tính mạng để có được chiến thắng 30/4.

“Quê hương là gì hở mẹ – Mà cô giáo dạy phải yêu”

Quê hương là điều thiêng liêng nhất. Nó là nơi chôn rau cắt rốn của mỗi người, là nơi biết bao thể hệ người Việt đã được sinh ra và rồi trở về với cát bụi. Chính bởi vậy, lòng yêu nước luôn đầy ắp trong mỗi người dân đất Việt.

Nếu là người Việt Nam chân chính, thay vì ôm khư khư quá khứ và mang trong mình sự thù hận với chính quê hương, xứ sở, đất nước mình, thiết nghĩ một số người thuộc chế độ cũ cần tự vấn chính mình, bỏ qua sự hẹp hòi, ích kỷ cá nhân để hoà nhập với cộng đồng, đóng góp vì sự phát triển chung của đất nước. Chúng ta không thể ăn mày quá khứ, huyễn hoặc lừa dối bản thân và những người xung quanh với những điều viển vông, phi lý.

Trong bối cảnh hiện nay, dù chiến tranh quân sự ít có khả năng diễn ra nhưng những mối đe doạ đến an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ vẫn luôn hiển hiện. Sự đoàn kết dân tộc là điều vô cùng quan trọng để tạo nên sức mạnh tổng thể bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam. Vì vậy, nếu là người Việt Nam chân chính, chúng ta cần cố gắng, nỗ lực tự hoàn thiện bản thân mình thông qua đó đóng góp sức lực chung vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều