+
Aa
-
like
comment

Đừng bắt giáo viên thành ‘chủ nợ’ của học sinh

19/08/2019 09:16

Mong rằng hiệu trường đừng nên bắt giáo viên chủ nhiệm chúng tôi gánh thêm trách nhiệm làm “chủ nợ” này nữa, đừng vì chỉ tiêu, thành tích thêm khổ giáo viên, phụ huynh và học sinh mỗi khi vào đầu năm học.

Tôi được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 9. Vào đầu năm học, ngoài những công việc chuyên môn đương nhiên, tôi còn phải làm thêm hàng loạt các công việc khác là thu các khoản tiền như học phí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, phiếu liên lạc, nước uống, giấy thi…, nói tóm lại là tất cả các khoản tiền đầu năm học.

Trong đó, đáng kể nhất là tiền học phí. Là giáo viên chủ nhiệm, tôi phải trực tiếp thu, viết biên lai cho từng khoản thu sau đó nộp lại cho kế toán và thủ quỹ trường. Tôi băn khoăn liệu giáo viên chủ nhiệm thu tiền học phí có đúng không khi trường đã có thủ quỹ.

Thông tư liên tịch số: 14-LB/TT ngày 4/9/1993 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính về Hướng dẫn thực hiện thu, chi học phí giáo dục phổ thông, có quy định: “Bộ phận kế toán, tài vụ của các trường chịu trách nhiệm trực tiếp thu và quản lý quỹ học phí”.

Thông tư này cũng quy định: “Chi 5% cho công tác tổ chức thu và quản lý quỹ học phí (3% chi thù lao cho cơ quan trực tiếp thu học phí và 2% chi cho việc quản lý quỹ học phí của ngành giáo dục)”, trong số tiền học phí nhà trường thu được. Theo quy định này, các trường học hàng năm đều có xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ, theo đó: “Khoản 3% được chi cho người trực tiếp thu và ghi biên lai thu”.

Đừng bắt giáo viên thành 'chủ nợ' của học sinh

Vậy tại sao hiệu trưởng bắt giáo viên chủ nhiệm thu? Hiệu trưởng thừa biết Thông tư liên tịch số14 nhưng vì để thu cho đúng tiến độ thời gian, tránh thất thu, để được cấp trên khen thưởng trường có tỉ lệ nộp tiền học phí cao, hoàn thành sớm… nên giao cho giáo viên chủ nhiệm thu và giáo viên chủ nhiệm tự nhiên trở thành “chủ nợ” mà con nợ là “học sinh”.

Điều này làm cho cả thầy giáo và học sinh lúng túng, bối rối và rất tội nghiệp!

Nhiều thầy cô nói, ngoài việc đi dạy thầy cô còn thêm việc đi đòi nợ học sinh. Không ít lần, có học sinh nhận xét thầy cô giáo là “thấy mặt là thấy đòi tiền”, nghe that bi đát và tủi thân, làm cho hình ảnh người thầy trong mắt học sinh rất không hay.

Tất nhiên, mỗi trường chỉ có một thủ quỹ nên giao cho bộ phận thủ quỹ thu các hiệu trưởng sợ không hoàn thành nhiệm vụ thu. Đây là lý do không thuyết phục, hiệu trưởng là người cần phải tìm ra được giải pháp tháo gỡ khó khăn chứ không thể chuyển khó khăn từ người này sang người khác được.

Thật sự không thầy cô chủ nhiệm nào muốn làm công việc này cả nhưng vì đây là lệnh của hiệu trưởng với lý do là công việc chung của trường nên thầy cô chủ nhiệm phải “còng lưng” mà làm là vậy. Hầu hết giáo viên chủ nhiệm là đồng nghiệp của tôi đều than phiền là rất mỏi mệt vì hàng ngày phải đến lớp để “đòi nợ” học sinh. Các em đâu biết rằng đây là nhiệm vụ của nhà trường giao cho thầy cô phải hoàn thành đúng thời gian nếu không muốn bị nhắc nhở, phê bình, xem xét thi đua.

Tôi còn nhớ mãi tin nhắn của một phụ huynh: “Tôi là phụ huynh của em T. Xin thầy sáng nay đừng đọc tên con tôi chưa đóng tiền trước lớp. Tôi rất xấu hổ vì chưa thể đóng tiền được, chồng tôi đang bệnh, mong thầy thông cảm. Cảm ơn thầy!”

Lời khẩn cầu tha thiết của phụ huynh đeo đẳng tôi mãi, khiến tôi suy nghĩ rất nhiều giữa trách nhiệm và tình cảm của một người thầy đối với học sinh của mình. Nếu không thu đủ, thu đúng thời gian thì hiệu trưởng nhắc nhở trong họp hội đồng còn thu triệt để thì rất tôi nghiêp cho học sinh nhất là ở vùng nông thôn còn nhiều khó khăn.

Tin nhắn này giúp tôi rất nhiều điều. Tôi đã vô tâm không tìm hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh, và trong một số lần trước đó, tôi đã đọc tên những học sinh chưa đóng tiền trước lớp mà không nghĩ đến cảm xúc, lòng tự trọng của các em.

Tôi thực sự phải cảm ơn vị phụ huynh đó. Từ nay về sau, tôi sẽ không bao giờ đọc tên học sinh chưa đóng tiền trước lớp nữa, cho dù thầy hiệu trưởng có phê bình lớp tôi chưa hoàn thành việc thu tiền.

Trở lại trách nhiệm thu tiền học phí, đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của kế toán, tài vụ nhà trường chứ không phải của giáo viên chủ nhiệm. Điều này cần được thực hiện đúng qui định để giáo viên chủ nhiệm bớt chút gánh nặng trên đôi vai gầy bởi “Trăm dâu đổ đầu giáo viên chủ nhiệm thật tội nghiệp!”.

Mong rằng hiệu trường đừng nên bắt giáo viên chủ nhiệm chúng tôi gánh thêm trách nhiệm làm “chủ nợ” này nữa, đừng vì chỉ tiêu, thành tích thêm khổ giáo viên, phụ huynh và học sinh mỗi khi vào đầu năm học.

Nguyễn Văn Lực – Giáo viên trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa.

Bài mới
Đọc nhiều