+
Aa
-
like
comment

Dùng bằng giả tiến thân là đánh mất niềm tin của nhân dân

Phạm Minh Hà - 19/11/2019 17:09

Bằng cấp là một trong những tiêu chí quan trọng để cơ quan có thẩm quyền có thêm căn cứ đánh giá, tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ. Và cũng chính vì tiêu chí này, đã có một bộ phận dùng bằng cấp giả nhằm mục đích tiến thân vào các cơ quan nhà nước với động cơ không lành mạnh. Mới đây, Bộ trưởng bộ Công an đã ký quyết định kỷ luật Thượng tá Thái Đình Hoài vì sử dụng bằng trung học phổ thông giả.

Tiến thân lên đến chức Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế tỉnh nhờ “bằng giả”

Sáng 18/11, xác nhận với TTXVN Đại tá Bùi Xuân Phong, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết, ngày 13/11/2019, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng bộ Công an đã ký quyết định kỷ luật Thượng tá Thái Đình Hoài, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Lai Châu) bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân vì sử dụng bằng trung học phổ thông giả.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân với nguyên Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lai Châu

Hiện nay, Công an tỉnh Lai Châu cũng đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về công tác đảng để trình cơ quan thầm quyền xem xét. Do khi vi phạm ông Hoài là ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy Công an tỉnh, Bí thư Chi bộ Phòng Cảnh sát kinh tế nên đơn vị phải báo cáo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến xử lý đối với vi phạm của đảng viên và việc đề nghị kỷ luật cũng sẽ ở mức cao nhất là khai trừ khỏi Đảng.

Như tin đã đưa, sau khi nhận được đơn tố giác của công dân và sự vào cuộc của cơ quan truyền thông về việc ông Thái Đình Hoài, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) sử dụng bằng THPT giả để vào ngành công an và tiến thân, Ban Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu đã cử tổ công tác về quê ông Hoài để xác minh.

Qua làm việc với sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, tổ công tác đã xác định, trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc THPT tổ chức năm 1994, không có thí sinh nào tên Thái Đình Hoài. Trong danh sách cấp phát bằng tốt nghiệp năm đó cũng không ai có tên Thái Đình Hoài. Do đó, bằng tốt nghiệp bổ túc THPT mà ông Hoài sử dụng để vào công tác trong ngành Công an là bằng giả.

Ông Thái Đình Hoài, sinh ngày 15/5/1976, quê quán tại xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Năm 1996, ông Hoài đi lính nghĩa vụ tại Công an tỉnh
Lai Châu cũ, sau đó được tuyển vào ngành công an, công tác tại Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh.

Tới năm 2004, chia tách hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, ông Hoài được điều động lên công tác tại Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lai Châu. Trong giai đoạn 2004 – 2009, ông Hoài theo học lớp Đại học Cảnh sát, hệ tại chức

Năm 2008, ông Hoài được điều động sang công tác tại Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), Công an tỉnh Lai Châu. Tại đây, ông Hoài được bổ nhiệm các chức danh: Đội phó, Đội trưởng, được quy hoạch Phó Trưởng phòng; sau đó được bổ nhiệm Phó trưởng Phòng PC03.

Năm 2012, ông Hoài được cử đi học lớp Cao cấp lý luận chính trị hệ tại chức và năm 2015 được bổ nhiệm làm Trưởng phòng PC03. Trước khi bị phát hiện dùng văn bằng giả, ông Hoài đã được quy hoạch chức danh Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu.
Để “trị” vấn nạn bằng giả cần phải truy từ cái gốc

Việc sử dụng bằng giả không chỉ làm suy yếu nền hành chính do không đảm đương được vị trí việc làm mà còn đánh mất niềm tin của người dân vào đạo đức công vụ của bộ máy nhà nước. Dùng bằng giả là để đạt vị trí công việc mà trình độ học vấn thực tế không đảm đương được. Một khi đã đạt được vị trí mới, song trình độ thực sự không có, không đủ, dẫn đến không thể xử lý tốt công việc.

Qua theo dõi một loạt vụ việc sử dụng bằng giả để tiến thân thời gian qua, có thể thấy một điểm chung đó là sau khi phát hiện, xác minh, xem xét vụ việc, đa phần biện pháp xử lý chủ yếu là cho thôi việc, cách tất cả các chức vụ. Trường hợp nặng nhất là khai trừ Đảng. Đây là những hình thức xử lý đối với các sai phạm về hành chính. Tuy nhiên, việc sử dụng bằng cấp giả là hành vi đánh lừa cơ quan, tổ chức, liệu việc xử lý bằng các biện pháp hành chính đã đủ chưa, có đủ sức răn đe hay không?

Sử dụng bằng giả trong cơ quan nhà nước, đặc biệt trong hàng ngũ công an nhân dân thì càng cần xử lý thật nghiêm khắc đối với hành vi này, thậm chí có thể xử lý bằng hình sự, xử lý cả về mặt dư luận xã hội. Nếu luật chưa quy định thì có thể bổ sung bởi những hành vi đó đúng là lừa đảo, nó có thể dẫn tới tình trạng lãnh đạo mà không có năng lực có thể làm hại tới lợi ích xã hội.

Việc cần phải truy đến gốc là cần thiết. Cái gốc ở đây theo ông không chỉ là nơi sản xuất, làm ra những giấy tờ giả, mà còn chính là việc xử lý những người làm công tác tổ chức, công tác quy hoạch vì lý do gì đã “lấp liếm” đi những hành vi sai trái, dung túng, thậm chí bỏ qua những hành vi lừa dối.

Sử dụng bằng giả không chỉ làm suy yếu nền hành chính công vụ do không đảm đương được vị trí việc làm mà còn đánh mất niềm tin của người dân vào đạo đức công vụ của bộ máy nhà nước. Dùng bằng giả là để đạt vị trí công việc mà trình độ học vấn thực tế không đảm đương được. Một khi đã đạt được vị trí mới, song trình độ thực sự không có, không đủ, dẫn đến không thể xử lý tốt công việc, nên làm qua loa, chiếu lệ làm cho hết ngày chứ không phải xong việc, “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Ấy là chưa nói đến tự tìm tòi, sáng tạo, học tập để phát huy tốt hơn vị trí đảm nhiệm là khó có thể làm được.

Thiết nghĩ, nhân việc tinh giản biên chế, xác định lại vị trí việc làm, các cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh hơn với những trường hợp sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả. Khi phát hiện bằng giả thì người dùng, ngoài việc bị xử lý trách nhiệm như hiện nay, nên chăng cần truy thu các khoản tiền lương, thu nhập đã trả cho họ trong thời gian nắm giữ vị trí công tác do sử dụng bằng giả có được. Sự tổn hại về mặt uy tín, đạo đức của bằng giả mà công chức, viên chức đó để lại cho nền hành chính quốc gia là không thể đo đếm được, nên cần thiết phải lượng hóa mức bồi thường khi sử dụng bằng giả.

Sự việc trên làm cho dư luận có lý do để nghĩ rằng, nếu đã lừa dối được bằng cấp thì cũng có thể lừa dối được nhiều việc khác; ở cấp thấp mà đã có những việc làm khuất tất vậy khi ở những vị trí cao hơn có thể sẽ có những việc làm nghiêm trọng hơn thế. Chúng ta đang nói nhiều đến việc xây dựng văn hóa, nhân cách con người. Không thể cho phép những người có tầm ảnh hưởng ở một phạm vi nhất định mà lại có những hành vi có thể tạo ra những tiền lệ xấu trong xã hội.

Vậy nên chúng ta cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức. Phải làm sao để những người làm việc trong bộ máy công quyền luôn đề cao ý thức tự trọng, đức tính liêm sỉ, có động cơ phấn đấu lành mạnh, nỗ lực tiến thân bằng tinh thần cầu thị, thực hiện phương châm “5 thật”, đó là “học thật, bằng thật, năng lực thật, làm thật, kết quả thật” để cống hiến công sức, tài năng, trí tuệ, tâm huyết của mình xây dựng tổ chức, cơ quan, đơn vị ngày càng vững mạnh, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được phân công.

 

Bài mới
Đọc nhiều