Đức cung cấp 7 lựu pháo mạnh bậc nhất thế giới cho Ukraine
Đức đã đạt được đồng thuận về việc cung cấp 7 lựu pháo tự hành PzH 2000 cho Ukraine nhằm giúp nước này đối phó chiến dịch quân sự của Nga.
Reuters đưa tin, trong chuyến công du Slovakia hôm nay 6/5, Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht cho biết, giới chức nước này đã nhất trí chuyển 7 lựu pháo tự hành PzH 2000 cho Ukraine. Các lựu pháo này sẽ được lấy ra từ kho dự phòng của Đức và sẽ sớm chuyển cho Ukraine sau khoảng vài tuần bảo dưỡng. Đức cũng sẽ cung cấp cho Ukraine lô đạn đầu tiên dành cho lựu pháo.
Ngoài ra, Đức sẽ hỗ trợ huấn luyện vận hành lực pháo cho 20 binh sĩ Ukraine đầu tiên từ tuần tới tại thị trấn Idar-Oberstein của Đức. Các binh sĩ này là người đều đã có kinh nghiệm vận hành lựu pháo do Liên Xô sản xuất.
PzH-2000 là sản phẩm của tập đoàn Đức Krauss-Maffei Wegmann. Nó được xem là một những lựu pháo tự hành mạnh nhất thế giới. PzH-2000 được chế tạo dựa trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-1. Vũ khí chính của PzH-2000 là pháo 155 mm.
Lựu pháo này được trang bị hệ thống nạp đạn tự động cho phép đạt tốc độ bắn 9 viên một phút. Đặc biệt, nó có chế độ bắn loạt nhiều viên ở các quỹ đạo khác nhau (MRSI) và đánh trúng mục tiêu cùng lúc. PZH-2000 có thể bắn các loại đạn pháo 155 mm tiêu chuẩn NATO, tầm bắn thông thường 30 km, 40 km với đạn pháo tăng tầm. PzH-2000 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại với khả năng cập nhật tham số mục tiêu qua hệ thống liên kết dữ liệu. Thân xe được bọc giáp có thể chống lại đạn cỡ nòng 14,5 mm.
Đức sở hữu 119 hệ thống pháo PzH 2000, nhưng chỉ có 40 hệ thống đang được vận hành. Quyết định cung cấp PzH 2000 đánh dấu một bước ngoặt nữa trong lập trường của Đức về cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine.
Sau nhiều sức ép cả trong nước và quốc tế, Berlin đã đảo ngược chính sách không chuyển vũ khí hạng nặng đến vùng chiến sự Ukraine. Tuần trước, Đức lần đầu tiên đồng ý cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine với kế hoạch chuyển pháo phòng không Gepard cho nước này.
Nga tấn công dòng vũ khí hàng tỷ USD của phương Tây đổ về Ukraine
Cả Moscow và Kyiv đều tập trung vào dòng vũ khí viện trợ đang dồn dập đổ về Ukraine, khi bước vào cuộc đua định hình giai đoạn giao tranh mới. Nga nhiều lần cảnh báo nước này coi dòng vũ khí từ phương Tây đến Kyiv là mục tiêu và sẽ tìm cách tiêu diệt.
“Mỹ và đồng minh NATO đang tiếp tục bơm vũ khí vào Ukraine. Chúng tôi coi bất kỳ chuyến vận tải nào từ NATO đến lãnh thổ (Ukraine) chở vũ khí hoặc thiết bị dành cho quân đội đều là mục tiêu cần tiêu diệt”, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết hôm 4/5, theo Reuters.
“Dòng chảy” vẫn tiếp tục
Điện Kremlin đang tập trung tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine, bao gồm cả cơ sở hạ tầng giao thông, các trạm biến áp cung cấp điện và nước. Hôm 3/5, Nga đã không kích 6 ga tàu ở miền Trung và miền Tây Ukraine, theo Guardian.
Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết tên lửa hành trình của nước này đã bắn trúng một nhà chứa máy bay ở Odesa – nơi lưu trữ máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như tên lửa và đạn dược từ Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho rằng việc Nga tăng cường tấn công không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch vận chuyển vũ khí.
Ông nói thêm rằng việc vận chuyển vũ khí của Mỹ và đồng minh không bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Dòng (vũ khí) chảy vào khu vực tiếp tục với tốc độ đáng kinh ngạc. Và vũ khí từ khu vực xung quanh vẫn được vận chuyển vào Ukraine hàng ngày”, ông nói. “Những vũ khí, hệ thống đó đang tới tay người Ukraine”.
Ông Kirby tiết lộ vũ khí đang được vận chuyển thông qua nhiều tuyến đường, thay đổi liên tục để đối phó với các đợt không kích.
Trong bối cảnh Mỹ lo ngại về kế hoạch của Nga nhằm kiểm soát các vũng lãnh thổ ly khai Donetsk và Luhansk ở phía đông, và Kherson ở phía nam, dòng vũ khí phương Tây hướng tới Ukraine đang trở thành “dòng lũ”.
Ban đầu, vũ khí loại nhỏ và thiết bị phòng thủ là trọng tâm trong kế hoạch viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi trong những tuần gần đây, ít nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố gói hỗ trợ 33 tỷ USD cho Kyiv, bao gồm 20 tỷ USD viện trợ quân sự.
Vào tháng trước, Tổng thống Biden cũng yêu cầu tăng cường vũ khí hạng nặng cho Ukraine, nhấn mạnh đây là yếu tố quan trọng khi Nga chuyển trọng tâm sang phía đông.
Bên cạnh đó, các nguồn tin cũng chỉ ra rằng Anh dự định cung cấp cho Kyiv máy bay không người lái chở hàng để tiếp tế cho các khu vực giao tranh ở phía đông và phía nam.
Toan tính của phương Tây
Mỹ và đồng minh phương Tây tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine khi quân đội nước này gặp tình trạng thiếu hụt vũ khí và ngày càng cạn kiệt kho đạn dự trữ.
Điều này cũng xuất phát từ quan điểm của các nhà lãnh đạo phương Tây, bao gồm cả Tổng thống Biden và Thủ tướng Boris Johnson. Họ cho rằng với “mối đe dọa” mà Nga gây ra, quốc gia này phải “suy yếu”.
Mỹ đã cung cấp khoảng 3,4 tỷ USD vũ khí cho Ukraine kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào ngày 24/2, bao gồm các hệ thống tên lửa phòng không Stinger, Javelin, đạn dược và áo chống đạn. 5.500 hệ thống tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ được cho là đã khiến thiết giáp Nga thiệt hại nặng nề trong cuộc xung đột.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng chuyển đến Ukraine thuốc nổ C-4, pháo phản lực, trực thăng Mi-17, xe Humvee bọc thép, xe chở quân M113, máy bay không người lái Switchblade và mìn M18A1. Các lô vũ khí mới nhất bao gồm cả máy bay chiến đấu.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã dành 477 tỷ USD vũ khí cho Ukraine, bao gồm các hệ thống phòng không, vũ khí chống tăng và đạn dược.
Vương quốc Anh đã cung cấp cho Ukraine tên lửa phòng không Starstreak, 800 tên lửa chống tăng và đạn dược chính xác. London cũng đang bổ sung xe tuần tra bọc thép hạng nặng Mastiff, cùng máy bay không người lái chở hàng cho Kyiv.
Ngoài ra, Ukraine cũng nhận vũ khí từ nhiều nước khác, chẳng hạn Đức và Cộng hòa Czech.
Sau một thời gian do dự, Đức đã trở thành một trong những nhà viện trợ vũ khí lớn nhất cho Kyiv, cung cấp các hệ thống phòng không bọc thép Gepard. Cộng hòa Czech cũng chuyển xe tăng chiến đấu T-72 cho Ukraine, trong khi Canada cho biết đã chuyển giao pháo hạng nặng, bao gồm cả lựu pháo M777 cho Kyiv.
Trước tình hình đó, Nga đang tăng cường tấn công vào cơ sở hạ tầng của Ukraine.
“(Nga) vốn không tin rằng phương Tây sẽ cung cấp cho Ukraine vũ khí hạng nặng. Khi quá trình này bắt đầu, họ cảm thấy cần phải làm gì đó để ngăn chặn. Vì vũ khí phương Tây kết hợp với kinh nghiệm chiến đấu của Ukraine sẽ mang lại cho chúng tôi lợi thế lớn”, quan chức quân sự Ukraine cho biết.
(Theo Reuters)