Đức: Các trạm xăng phải có chỗ sạc cho xe chạy điện
Chính phủ Đức cho biết sẽ yêu cầu tất cả các trạm xăng tại nước này phải có bốt sạc dành cho ô tô điện. Đây là một phần trong kế hoạch cứu trợ kinh tế trị giá 130 tỷ euro.
Việc này có thể tạo ra một cú hích đối với nhu cầu xe chạy điện tại Đức, và là một phần của gói kích cầu bao gồm các biện pháp như hỗ trợ tới 6.000 euro/xe cho các khách hàng mua xe điện mới, và tăng thuế tiêu thụ đối với các xe sử dụng động cơ đốt trong. Quyết định của chính phủ Đức được đưa ra sau khi một quốc gia châu Âu khác là Pháp cũng công bố kế hoạch thúc đẩy xe chạy điện.
Tổ chức The Mobility House nhận định đây là một cam kết rất rõ ràng của chính phủ Đức nhằm đưa nước này lên vị trí dẫn đầu trong công nghệ sản xuất và sử dụng xe chạy điện thân thiện với môi trường.
Chính phủ Đức sẽ dành 2,5 tỷ euro đầu tư sản xuất pin và xây dựng các trạm sạc điện, lĩnh vực đang có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp lớn như Shell, Engie hay Tesla.
Nhu cầu đối với xe chạy điện đã có lúc chững lại do lo ngại những hạn chế của công nghệ pin khiến xe không chạy được nhiều sau mỗi lần sạc, gây bất tiện. Tại Đức, ôtô điện chỉ chiếm 1,8% số xe con đăng ký mới trong năm 2019, trong khi xe động cơ diesel và xăng có tỷ lệ lần lượt là 32% và 59%. Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải Đức, trong tháng 5 vừa qua, chỉ có 5.578 xe điện mới đăng kí, chiếm 3,3% lượng xe đăng kí mới trên cả nước.
Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia hàng đầu trong sản xuất và tiêu thụ xe điện, Đức cần xây dựng ít nhất 70 nghìn trạm sạc điện tiêu chuẩn và 7 nghìn trạm sạc điện nhanh.
Trong thập kỷ vừa qua, hiệu suất của xe điện đã được cải thiện tới 40% nhờ vào các tiến bộ trong thiết kế pin.
Các ô tô chạy xăng cũng đạt được những tiến bộ tương tự, dẫn tới sự sụt giảm số lượng các trạm xăng. Theo số liệu từ Hiệp hội ô tô Đức ADAC, số lượng trạm xăng tại quốc gia này đã giảm xuống còn 14.118 trạm trong năm 2020 so với con số 40.640 trạm vào năm 1945.
Lạc Diệp/DT