+
Aa
-
like
comment

Dựa vào đâu mà Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông?

Ốc Biển Trường Sa - 05/05/2020 09:24

Trung Quốc ngày càng có hành vi hung hăng trên Biển Đông là điều cả thế giới nhìn thấy. Từ việc điều đội tàu gồm tàu khảo sát năng lượng ra Biển Đông, đe dọa các bên tuyên bố chủ quyền khác trong việc tham gia phát triển dầu khí ngoài khơi; rồi đơn phương thành lập cái gọi là “trạm nghiên cứu” trên đá Chữ Thập và đá Subi thuộc chủ quyền của Việt Nam; cho đến ngang nhiên áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông. Những hành động ngang nhiên của Trung Quốc đe dọa hòa bình thế giới ngày càng thấy rõ ràng hơn.

Trách nhiệm bảo vệ an ninh hàng hải, vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, cần có sự hành động của tập thể, những tiếng nói đồng lòng từ nhiều tổ chức.

Biển Đông, trong đó có một phần thuộc chủ quyền của Việt Nam, một phần thuộc khu vực tự do hàng hải quốc tế, đó là nơi không phải thuộc sở hữu của riêng Trung Quốc, mà nước này muốn làm gì thì làm. Đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, tuyên bố tăng cường tàu chấp pháp giám sát “bắt và xử phạt các trường hợp bị coi là vi phạm” – hành động này không chỉ cho thấy một Trung Quốc vô pháp, vô thiên – cản trở tự do hàng hải; một Trung Quốc đầy tham lam, ngông cuồng, muốn cướp – độc chiếm Biển Đông, mà còn là quốc gia vô cùng tàn bạo.

Để ứng phó việc Trung Quốc ngày càng có nhiều hành vi hung hăng trên Biển Đông, chuyên gia quốc tế TS Rajeswari Pillai Rajagopalan đã đưa ra ý kiến đáng suy ngẫm: “Asean cần đoàn kết phản ứng và tứ giác an ninh Mỹ – Ấn Độ – Nhật Bản – Úc cũng cần tăng cường thêm biện pháp”.

Trước các chuỗi hành vi ngang ngược, hung hãn mà Trung Quốc giở thói ngông cuồng trên Biển Đông, ngoài hành động đưa tàu quân sự đến Biển Đông, thể hiện thái độ cứng rắn với Trung Quốc, thì ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn kêu gọi các quốc gia khu vực đồng lòng, buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho những hành động khiêu khích, phi pháp.

Đặc biệt, trong cuộc họp với ngoại trưởng các quốc gia Asean ngoại trưởng Pompeo nói thẳng Trung Quốc là một mối đe dọa lâu dài cho an ninh chung, xét tới những gì nước này đang làm trên Biển Đông. Đồng thời, ngoại trưởng Mỹ cũng nhắc nhở: “Ngay cả khi đang ứng phó với đại dịch, chúng ta vẫn cần nhớ rằng những mối đe dọa lâu dài đối với an ninh chung của chúng ta chưa hề biến mất”

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo kêu gọi: “Mỹ mạnh mẽ phản đối hành vi bắt nạt của Trung Quốc và chúng tôi hi vọng các quốc gia khác cũng sẽ buộc họ chịu trách nhiệm”.

Với vai trò là một trong bốn thành viên của tứ giác an ninh, Mỹ đã có những hành động cụ thể, Úc cũng nêu rõ quan điểm của mình thông qua việc cử tàu chiến, tham gia cùng Hải quân Mỹ tập trận ở Biển Đông, ngay sau khi tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Động thái, quan điểm phát tín hiệu về cam kết với khu vực của Úc, Mỹ đã quá rõ. Tuy nhiên, hành động của hai nước này chưa đủ để gắn kết, phát huy sức mạnh từ tứ giác an ninh, và cần hơn nữa là các động thái dứt khoát, cứng rắn với Trung Quốc từ Ấn Độ – Nhật Bản.

Đã một thời gian dài, các quốc gia kiềm chế và mong muốn Trung Quốc có sự thay đổi, nhưng những gì Trung Quốc thực hiện cho thấy, nước này không muốn giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình. Sự hiếu chiến cùng với tham vọng bành trướng, cướp trắng Biển Đông ngày càng khiến cho Trung Quốc hung hăng, thậm chí là giết ngư dân của Việt Nam một cách không nhân tính. Đó là lý do, Trung Quốc cần phải được “dạy dỗ” bằng những hành động cứng rắn của các quốc gia!

Có nhiều cách để đối phó với một Trung Quốc ngang ngược, theo gợi ý của chuyên gia quốc tế TS Rajeswari Pillai Rajagopalan: “Đối với các diễn biến gần đây, nhóm tứ giác an ninh cũng có thể tiến hành trừng phạt Trung Quốc về mặt kinh tế bằng cách chuyển các khoản đầu tư ra khỏi Trung Quốc có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc đại lục”. Như một lẽ tất nhiên, không quốc gia nào có thể phát triển, hoặc cầm cự được lâu dài nếu thiếu sự chính nghĩa, bị cô lập một mình.

Trong lúc này đây, bên cạnh hành động cứng rắn từ các tổ chức, các quốc gia khu vực, thiết nghĩ luật pháp quốc tế cũng cần được thực thi một cách đúng nghĩa. Còn nhớ, vụ kiện liên quan đến Biển Đông, khi mà tòa án quốc tế ra phán quyết vô hiệu hóa cái “đường lưỡi bò” tự huyễn của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc vẫn coi thường, ngang ngược không chấp hành. Chính vì sự dửng dưng, chưa siết chặt này phần nào khiến cho Trung Quốc ngày càng hung hăng, coi thường các quốc gia trong khu vực, giở càng nhiều các yêu sách. Việc Trung Quốc ma mãnh đưa ra yêu sách “Tứ Sa” thời gian gần đây, không khó nhận ra, đó chính là một phiên bản mới của “đường lưỡi bò” nhưng tham vọng thậm chí còn lớn hơn!

Thế nên, đối phó với một Trung Quốc ngang ngược, cần sự đoàn kết các quốc gia, và cần hơn nữa là sự thực thi công lý.

Ốc Biển Trường Sa

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều