+
Aa
-
like
comment

Đứa trẻ chào đời trong tháng Tư lịch sử, mất mẹ 13 ngày trước giải phóng

30/04/2020 17:39

Mẹ chị Tiến mất khi còn 13 ngày nữa là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cha chị đã hy sinh trước đó 2 tháng. Chị Tiến chỉ biết cha mẹ mình qua 2 Bằng Tổ quốc ghi công đặt trên bàn thờ.

Bán nhà, cầm sổ lương hưu để nuôi con bạn tù

Cựu tù chính trị Lê Ngọc Thanh (Tám Thương) quê ở Cà Mau, tham gia hoạt động cách mạng từ thời Pháp, đến đầu năm 1975 là Ủy viên Ban chấp hành Nông dân Khu Tây Nam bộ.

Đứa trẻ chào đời trong tháng Tư lịch sử, mất mẹ 13 ngày trước giải phóng - 1
Bà Lê Ngọc Thanh xúc động kể lại những ngày tháng trong ngục tù.

Khoảng 2/1975, bà Thanh được Khu ủy phân công lên tỉnh Phong Dinh (nay là TP Cần Thơ) triển khai Nghị Quyết phá kèm, chuẩn bị giải phóng miền Nam. Bà Thanh đi đến cầu Cái Răng (nay thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ) thì bị địch bắt đưa vào giam tại Khám Lớn Cần Thơ.

Tại đây, bà Thanh cũng như những người tù khác bị tra tấn dã man. Bà Thanh thương nhất là người bạn tù bụng mang dạ chửa Lê Kim Tiến (hoạt động binh vận), dù đang mang thai vẫn bị địch tra tấn không thương tiếc. Mỗi lần bị đánh, bà Tiến lại đưa lưng ra nhận đòn vì sợ bọn lính đá vào bụng sẽ chết đứa con.

Phòng giam vốn chỉ dành cho 5 người nhưng bọn lính giam đến 25 người, 4 bức tường chỉ có một lỗ thông hơi nhỏ. Bà Kim Tiến không chịu nổi, nhiều lần ngất xỉu. Những lúc như vậy, bà Thanh nằm dưới, những chị em khác nằm chất chồng lên nhau và cho bà Tiến nằm trên cùng, thò đầu vào lỗ thông hơi để thở. Vì theo bà Thanh, chị em trong tù đều bị tra tấn dã man, chẳng còn sức ngồi hay đứng để đỡ bà Tiến đứng dậy thở.

Đứa trẻ chào đời trong tháng Tư lịch sử, mất mẹ 13 ngày trước giải phóng - 2
Bà Thanh và tấm ảnh mà Khám Lớn Cần Thơ còn lưu giữ lại hoàn cảnh người bạn tù Kim Tiến nuôi con trong tù. Đứa bé được đặt tên Lê Việt Tiến (ghép tên cha và mẹ) là con nuôi của bà hiện nay
Đứa trẻ chào đời trong tháng Tư lịch sử, mất mẹ 13 ngày trước giải phóng - 3
Khi con người bạn tù được sinh ra vài tháng, bà Thanh mang về nuôi đến tận bây giờ

Thương người bạn tù Kim Tiến, bà Thanh thường chịu khát để nhường phần nước của mình cho bà Tiến.

“Khi đứa con trong bụng Kim Tiến tới tháng thứ 7, áo mặc không vừa, tôi phải cắt ống quần sửa lại áo cho Kim Tiến mặc. Ban đêm tôi ngủ ngồi, thậm chí ngủ đứng để nhường chỗ cho bà bầu nằm ngủ. Kim Tiến đã gửi gắm đứa con trong bụng cho tôi nuôi. Và tôi đã hứa, nếu còn sống sẽ nuôi đứa bé khôn lớn”, bà Thanh bồi hồi kể.

Bà Thanh kể về người bạn tù mang bầu, bị địch tra tấn dã man.

Đứa trẻ chào đời trong tù, chỉ biết cha mẹ qua Bằng Tổ quốc ghi công

Bà Kim Tiến sinh con vào ngày 10/4/1975; được vài ngày thì bà Thanh cũng được ra tù và trở về căn cứ tiếp tục hoạt động. Lúc này, lính biết bà Kim Tiến sắp chết nên cho ra tù. Ngày 17/4 bà Kim Tiến mất. Trước khi mất, bà Tiến trăng trối gửi con tên Lê Việt Tiến cho người mợ và dặn tìm người bạn tù tên Tám Thương (bí danh của bà Thanh) để gửi nuôi cháu Việt Tiến.

Bà Thanh kể: “Kim Tiến mang thai ở trong tù, vừa thiếu ăn, thiếu uống vừa bị đánh đập, chích điện… nên cháu Việt Tiến ra đời mang trong mình đủ thứ bệnh. Nhưng nhờ trời thương và sự đùm bọc của cô chú, anh em cán bộ làm việc chung, tôi cũng nuôi cháu khôn lớn, cưới chồng cho nó. Tôi phải bán nhà, cầm cả sổ lương hưu để cứu con khỏi bệnh tật”.

Đứa trẻ chào đời trong tháng Tư lịch sử, mất mẹ 13 ngày trước giải phóng - 4
Bà Lê Ngọc Thanh và chị Lê Việt Tiến
Đứa trẻ chào đời trong tháng Tư lịch sử, mất mẹ 13 ngày trước giải phóng - 5
45 năm qua, bà Thanh thương chị Việt Tiến như con ruột.

Trước đây, bà Thanh có căn nhà lớn ở phường An Khánh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) nhưng khi chị Việt Tiến ngã bệnh (năm 2014, khi chị đang mang bầu đứa con đầu lòng), trong tình thế thập tử nhất sinh, bà Thanh đã bán gấp căn nhà lấy 400 triệu đồng để cứu con, cứu cháu ngoại. Nhưng số tiền ấy vẫn không đủ, đồng đội bà Thanh nhiều người đã cho bà mượn tiền, thậm chí bán vàng mang đến bệnh viện cho bà Thanh cứu con bạn tù.

Bác sĩ cứu được chị Việt Tiến nhưng không cứu được đứa con trong bụng chị. Sau khi chị Việt Tiến hồi phục hẳn, bác sĩ khuyên bà Thanh chuyển chị lên Bệnh viện TP Hồ Chí Minh điều trị bệnh tim. Lúc này trong nhà trọ chỉ còn cái ti vi, với bà Thanh khi đó là tài sản quý nhất bởi bà có thể nhịn ăn nhưng không thể không xem thời sự. Vậy mà bà đành dứt ruột bán đi, cầm cả sổ lương hưu để mang tiền lên Sài Gòn điều trị bệnh cho chị Việt Tiến.

Chị Việt Tiến chia sẻ: “Lúc nhỏ má Thanh rất vất vả nuôi tôi; khi tôi có gia đình thì mắc bệnh hiểm nghèo, buộc má phải bán hết tài sản cứu tôi. Công ơn nuôi dưỡng của má không đời nào tôi báo đáp hết. Chỉ mong bệnh tình khỏi, vợ chồng tôi đi làm chăm sóc má chu đáo, an dưỡng tuổi già”.

Còn nói về cha mẹ ruột của mình, chị Việt Tiến kể, mẹ sinh chị được đúng 7 ngày thì mất, còn cha trước đó 2 tháng đã bị địch bắt và giết chết. Chị chỉ biết về cha mẹ qua lời kể của má Thanh và 2 tấm Bằng Tổ quốc ghi công trên bàn thờ.

Đứa trẻ chào đời trong tháng Tư lịch sử, mất mẹ 13 ngày trước giải phóng - 6
Bà Thanh 45 năm yêu thương con bạn tù như con đẻ.

Hơn 4 năm qua, bà Thanh không được nhận lương hưu vì bà còn nợ người cầm sổ lương hưu 100 triệu đồng. Hiện nay, bà sống cùng chị Việt Tiến trong căn nhà thuê, cuộc sống khó khăn nhưng luôn ấm áp, yêu thương.

Trắng đêm may cờ Tổ quốc chuẩn bị xuống đường ăn mừng chiến thắng

Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam 30/4, cựu tù kiên trung Lê Ngọc Thanh (Tám Thương) vẫn nhớ như in giây phút lịch sử cả nước độc lập, thống nhất.

Theo bà Thanh, tối 29/4, người dân tỉnh Phong Dinh (nay là TP Cần Thơ) gần như thức thâu đêm may cờ Tổ quốc chuẩn bị cho việc xuống đường ăn mừng chiến thắng. Đến sáng 30/4, khi khắp nơi tiếng súng vang lên, nhiều tỉnh, nhiều vùng tại Cần Thơ được giải phóng, người dân kéo ra đường hô vang khẩu hiệu yêu cầu ông tỉnh trưởng cát cứ sân bay buông súng đầu hàng. Vài giờ sau, lực lượng ta hoàn toàn làm chủ Cần Thơ, nhân dân đổ ra đường ăn mừng chiến thắng.

Nguyễn Hành/DT

Bài mới
Đọc nhiều