Đua thanh lý ô tô giá chỉ từ 60-200 triệu đồng: Chỉ là thủ thuật “câu” khách của ngân hàng?
Nhiều ngân hàng tiếp tục thanh lý lượng lớn ô tô với giá dưới 200 triệu đồng, thậm chí chỉ từ 60 triệu đồng.
Ngân hàng thanh lý ô tô với giá dưới 200 triệu đồng
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là ngân hàng tích cực nhất trong “cuộc đua” thanh lý ô tô xử lý nợ xấu.
Thống kê cho thấy, trung bình từ tháng 2 đến nay, mỗi tháng VPBank đều đặn rao bán 50-80 chiếc xe ô tô các loại. Hơn 30% trong số này có giá rẻ dưới 200 triệu đồng thuộc các hãng Dongben, Teraco, Chien Thang, Chevrolet, Veam, Jac, được sản xuất năm 2016-2017.
Mới đây nhất, nhà băng này tiếp tục rao bán tới 90 chiếc xe ô tô. Đáng chú ý, trong đợt thanh lý này có hơn 20 chiếc xe ô tô được ngân hàng rao bán với giá khởi điểm dưới 200 triệu đồng, thậm chí chỉ từ 60 triệu đồng.
Chẳng hạn, 2 chiếc xe tải thùng kín Changan SC1022DB4N/TK sản xuất năm 2017 được ngân hàng rao bán với giá 61 triệu đồng và 67,5 triệu đồng. Một chiếc xe tải Chiến Thắng sản xuất năm 2016 cũng đang được ngân hàng rao bán với giá 96 triệu đồng. 3 chiếc xe tải Veam có giá khởi điểm từ 136-180 triệu đồng,…
Hàng loạt xe Chevrolet Spark sản xuất năm 2017 đang được ngân hàng rao bán với giá từ 143-170 triệu đồng.
Ngoài ra, VPBank cũng đang rao bán nhiều xe với giá khoảng 1 tỷ đồng. Chẳng hạn, chiếc Mazda CX5 có giá khởi điểm là 940 triệu đồng. Chiếc xe tải Huyndai Universe 2017 có giá trên 1,65 tỷ đồng. Chiếc có giá cao nhất là BMW 640i 2016 với giá 1,76 tỷ đồng.
VIB cũng tiếp tục rao bán 69 phương tiện vận tải. Trong đó, chiếc Chevrolet Spark Van được ngân hàng rao bán với giá từ 185-204 triệu đồng, Chevrolet Aveo giá 268 triệu đồng, chiếc Toyota Vios giá 360 triệu đồng, Kia Morning 2018 giá 330 triệu đồng…
Ngoài ra, VIB cũng đang rao bán nhiều chiếc xe tải có giá dưới 200 triệu, chẳng hạn như chiếc Xe tải Đô Thành sản xuất năm 2017 được mô tả “khá rỉ sét” với giá 185 triệu, xe tải TMT 2016 được mô tả “ngoại quan tổng thể khá” có giá 160 triệu đồng…
Trong tháng 7, TPBank cũng đã đăng thông báo thu giữ và thanh lý tới gần 70 xe ô tô các loại với giá chỉ từ 140 triệu đồng trở lên như Teraco, Kia, Ford, Chevrolet, Veam, Toyota với giá từ 140 triệu trở lên.
Chevrolet Aveo (2018) được bán đấu giá với giá khởi điểm 140 triệu, Veam (2018) giá khởi điểm 200 triệu, Kia Cerato (2018) 300 triệu, Mazda 3 (2019) 457 triệu, Samco Felix (2017) có giá từ 700 triệu và Mercedes- Benz E250 là 1,78 tỷ… Số xe này chủ yếu là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ bị chuyển sang nợ quá hạn từ đầu năm đến cuối tháng 4 vừa qua.
Techcombank cũng không ngoại lệ khi từ tháng 7 đến nay đã thông báo bán đấu giá gần 30 xe ô tô các loại. Trong đó chiếc ô tô con nhãn hiệu Ford Focus 2017 có giá khởi điểm 266 triệu đồng, chiếc Toyota Camry 2015 giá khởi điểm 402 triệu đồng, ô tô con nhãn hiệu Nissan Teana giá 284 triệu đồng, xe tải mui nhãn hiệu Thaco giá 166 triệu đồng…
Riêng trong ngày 24/8, ngân hàng này đã thông báo bán đấu giá 4 chiếc ô tô, bao gồm 1 xe Mazda 6 với giá khởi điểm gần 763 triệu đồng; một chiếc Chevrolet Aveo giá khởi điểm 189 triệu đồng, cùng với 2 xe bồn hiệu Howo.
Không chỉ các ngân hàng thương mại tư nhân trên mà từ đầu năm đến nay, nhiều “ông lớn” ngân hàng khác cũng ồ ạt thanh lý xe ô tô, số lượng và tần suất dày hơn hẳn mọi năm. Chẳng hạn Vietcombank cũng từng thông báo thanh lý 10 chiếc xe Kia với giá từ 60 triệu đồng; BIDV thì thanh lý 8 xe khách giường nằm nhãn hiệu Thaco với giá 508 triệu đồng đến hơn 1,1 tỷ đồng trong đó có nhiều xe đấu giá tới cả chục lần vẫn ế ẩm.
Giá thấp chỉ là “thủ thuật”?
Dưới góc nhìn của người kinh doanh ô tô, ông Nguyễn Minh Tuấn, chủ một cửa hàng chuyên về xe ô tô cũ trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) cho biết, giá xe thanh lý mà các ngân hàng đang đưa ra dù có thấp hơn giá chung của thị trường nhưng lại có nhiều thủ tục giải quyết phức tạp hơn. Bên cạnh đó, chất lượng chiếc xe cũng không được bảo hành dài như tại các cơ sở khác.
Cũng theo phân tích của ông chủ cửa hàng xe cũ này, ô tô mà ngân hàng thu hồi sẽ có những xe còn chất lượng tốt, nhưng cũng có những xe đã xuống cấp do khách hàng không giữ gìn, sửa chữa do hỏng hóc nặng… Tuy nhiên, vì đây là tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu nên bắt buộc ngân hàng phải thu hồi mà không có sự sàng lọc chất lượng xe.
“Tại ngân hàng cũng có các bộ phận thẩm định giá tài sản trước khi tiến hành thanh lý. Chắc chắn giá xe ô tô mà các ngân hàng đưa ra đã được cân nhắc kỹ lưỡng về mọi yếu tố, chứ không có chuyện thanh lý ‘hớ'”, anh Tuấn nói.
Từng tham gia nhiều cuộc đấu giá xe ô tô của ngân hàng, anh Nguyễn Mạnh Hùng, chủ một cửa hàng ô tô cũ trên đường Nguyễn Xiển (Hà Nội) cho hay, giá xe thanh lý mà ngân hàng đưa ra chỉ là mức giá khởi điểm ban đầu. Theo nguyên tắc thanh lý tài sản của ngân hàng, tài sản sẽ được tiến hành đấu giá. Nếu trong phiên đấu giá có từ 2 người tham gia trả giá trở lên thì ai là người trả giá cao hơn sẽ sở hữu xe.
“Từ giá trị ban đầu của chiếc xe nhưng trong phiên đấu giá có thể sẽ được trả giá cao hơn. Việc đưa ra giá xe ban đầu thấp chỉ là “thủ thuật” để “câu khách”, thu hút nhiều người quan tâm tham gia đấu giá. Càng nhiều người quan tâm, tham gia trả giá xe thì ngân hàng càng được lợi và khả năng giá xe được đẩy lên cao hơn”, anh Hùng cho hay.
“Dù vậy, nếu so với việc thanh lý tài sản đảm bảo là bất động sản thì việc thanh lý ô tô này dễ hơn nhiều, bởi giá trị xe ô tô thấp hơn nên người dân có nhu cầu vẫn có thể mua được.”, một cán bộ ngân hàng khẳng định.
PV/DV