Đua nhau về Tây Nguyên, miền Tây phát triển khu đô thị
Những khu vực, tỉnh, thành ở xa đô thị lớn như Tây Nguyên, Hậu Giang, Kiên Giang… là điểm đến mới của các doanh nghiệp bất động sản.
Trong khi thị trường bất động sản (BĐS) các TP lớn ngày càng khan hiếm nguồn cung, thủ tục đầu tư khó khăn hơn và quỹ đất ngày càng thu hẹp, nhiều chủ đầu tư đã chọn dịch chuyển “đánh bắt xa bờ” để phát triển thương hiệu. Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn mở đường, tìm đến các tỉnh, thành xa xôi để phát triển những dự án khu đô thị (KĐT) quy mô lớn.
Nhiều ông lớn đầu tư khu đô thị
Ngày càng có nhiều chủ đầu tư chuyển hướng tới các tỉnh lân cận TP.HCM để phát triển nguồn hàng mới. BĐS khu vực đồng bằng sông Cửu Long sau nhiều năm im lìm gần đây đã được đánh thức khi nhiều tập đoàn địa ốc đổ bộ đầu tư.
Tỉnh Kiên Giang đón dòng vốn hơn 2.600 tỉ đồng của CEO group đổ vào dự án KĐT biển tại TP Rạch Giá. Tại tỉnh này, nửa đầu năm 2020 cũng có thêm hai KĐT mới, tổng mức đầu tư khoảng 17.000 tỉ đồng, được xây dựng trên hai đảo nhân tạo lấn biển.
Sau khi thành công tại Long An và Bình Phước, Tập đoàn Cát Tường cũng đã đặt chân tới tận Hậu Giang. Đại diện tập đoàn này cho biết đã chọn đầu tư KĐT tại TP Vị Thanh. Lý do là ở đây có quỹ đất lớn, giá còn mềm, vị trí cửa ngõ phía nam TP Cần Thơ, tiếp giáp với bốn vùng kinh tế trọng điểm của Tây Nam bộ.
KĐT được xây dựng với nhiều tiện ích, dịch vụ như quảng trường, khu kinh tế đêm, trường học… được chủ đầu tư kỳ vọng sẽ là nơi thu hút nhà đầu tư, người dân, góp phần phát triển bộ mặt đô thị tại địa phương này.
Xa hơn nữa, khu vực Tây Nguyên có Tập đoàn FLC vừa khởi công KĐT tại Kon Tum. Đây là dự án đô thị cao cấp đầu tiên tại tỉnh Kon Tum với quy mô gần 18 ha. Dự án được quy hoạch bài bản thành hai phân khu chức năng bao gồm hệ thống shophouse, shop boutique, tổ hợp chung cư và khách sạn năm sao.
Ông Lê Tiến Vũ, Phó Tổng giám đốc Cát Tường Group, cho biết các chủ đầu tư hướng về tỉnh lẻ trước hết là do nhu cầu có thực. Nhu cầu nhà ở tại các tỉnh này tăng cao do đều là khu vực đang phát triển nhiều khu công nghiệp, thu hút hàng triệu lao động và các chuyên gia đến làm việc. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kết nối các địa phương, các vùng với nhau ngày càng đồng bộ, thuận tiện. Rào cản tâm lý về khoảng cách và thời gian di chuyển dần được xóa bỏ.
“Sự dịch chuyển của các tập đoàn BĐS lớn ra các tỉnh lẻ xây dựng KĐT khiến nhà đầu tư càng tin vào tiềm năng gia tăng giá trị các dự án tại thị trường này. Từ đó hình thành nên làn sóng đầu tư và ngày càng tăng nhiệt” – ông Vũ chia sẻ.
Địa phương cần sàng lọc chủ đầu tư
Theo các chuyên gia, việc phát triển KĐT quy mô lớn, bài bản sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, các KĐT đó phải phù hợp với quy hoạch về nhiều mặt của từng vùng, từng tỉnh, phù hợp với chủ trương, kế hoạch, tiến độ phát triển kinh tế của địa phương. Việc phát triển KĐT ồ ạt, không được tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng sẽ khiến nguồn cung BĐS vượt cầu, tạo khủng hoảng dư thừa, lãng phí tài nguyên, dễ dẫn đến khủng hoảng cho chính chủ đầu tư, ngân hàng và cả nền kinh tế địa phương đó.
Theo ông Ngô Đức Sơn, Phó Tổng giám đốc DRH Holdings, công tác xúc tiến đầu tư muốn đạt hiệu quả cần có những chương trình tập trung và đa dạng trong cách tiếp cận. Các địa phương mời gọi chủ đầu tư phát triển KĐT phải dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, gắn với phân kỳ thực hiện, khu vực và ngành cụ thể.
Các địa phương phải sàng lọc, lựa chọn các chủ đầu tư có năng lực, loại bỏ các chủ đầu tư yếu bởi hiện nay có không ít doanh nghiệp đầu tư KĐT nhưng chỉ đăng ký để giữ đất, chờ chuyển nhượng. “Một số tỉnh, TP sau khi giao đất cho doanh nghiệp đã giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để doanh nghiệp triển khai. Thế nhưng có những dự án kéo dài, không triển khai thực hiện, gây nhiều thiệt hại cho địa phương, người dân” – ông Sơn nói.
Theo phó tổng giám đốc Cát Tường Group, để xây dựng một KĐT phải cần trên 50 ha đất mới đủ cho các hạng mục nhà ở, tiện ích, khu dịch vụ thương mại, công viên… Để phát triển dự án thuận lợi thì doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền về thủ tục pháp lý, tạo quỹ đất sạch… Nhiều ý kiến cũng đồng tình việc phát triển các KĐT địa phương rất cần vai trò chủ trì của cơ quan quản lý nhà nước nhằm tạo cơ chế về tín dụng, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị và quản lý quy hoạch đồng bộ.
Bốn lưu ý khi đầu tư bất động sản tỉnh lẻ
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo có những dự án phân lô, bán nền với quy mô vài hecta, thậm chí chưa tới 1 ha cũng được các công ty quảng cáo là KĐT. Có nơi quảng cáo nhiều tiện ích như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… nhưng thực tế lại không có.
Do vậy, nhà đầu tư, người mua nhà cần xem xét kỹ khi đầu tư BĐS ở tỉnh lẻ. Thứ nhất, phải lựa chọn nơi có vị trí gần các khu dân cư đông đúc, giao thông thuận tiện. Thứ hai, nhà đầu tư nên xem xét kỹ lưỡng về giấy phép, quy hoạch của dự án. Chỉ nên chọn các dự án có sổ riêng từng nền bởi các dự án này đã có pháp lý hoàn thiện, hạn chế được rủi ro phát sinh. Tiếp đến là chọn lựa chủ đầu tư uy tín, từng phát triển thành công các KĐT, đảm bảo họ xây dựng các hạng mục hạ tầng, tiện ích đúng như cam kết. Cuối cùng, nhà đầu tư nên đầu tư phần lớn bằng nguồn vốn của bản thân, hạn chế vay ngân hàng.
QUANG HUY/PL