Đưa hộ kinh doanh vào luật sẽ kéo lùi Luật Doanh nghiệp
Đừng phá vỡ tư tưởng, logic và làm hỏng cấu trúc của Luật Doanh nghiệp!
Luật Doanh nghiệp được đánh giá là một trong những luật trong lĩnh vực kinh tế có chất lượng tốt nhất của Việt Nam kể từ khi bắt đầu Đổi mới.
Tuy nhiên, ý tưởng đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp trong lần sửa đổi này, nếu thành hiện thực, sẽ làm sứt mẻ hình ảnh đẹp đẽ của Luật Doanh nghiệp.
Phá vỡ cấu trúc, tư tưởng và logic của Luật Doanh nghiệp
Đưa hộ kinh doanh thành một loại hình doanh nghiệp vào Luật Doanh nghiệp và vỡ cấu trúc và logic của luật, khiến bộ luật rất tiến bộ này trở thành một luật chứa đựng đầy mâu thuẫn về phương diện khoa học pháp lý và về thực tiễn.
Điều đó có thể đe dọa tới sự phát triển bền vững của khu vực hộ kinh doanh cá thể và không thể hiện được một triết lý và một phương pháp luận đầy đủ, tổng thể nhằm hỗ trợ sự phát triển của khu vực này. Thậm chí, ngáng đường cho những cải cách của khu vực hộ kinh doanh bởi những luật và quy định khác trong thời gian tới do đặt vị thế của hộ kinh doanh vào “một sự đã rồi”.
Luật Doanh nghiệp đã quy định đầy đủ các hình thức pháp lý như pháp nhân kinh doanh với các hình thức như cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, và thậm chí rất mở với các hình thức như doanh nghiệp TNHH một thành viên.
Luật Doanh nghiệp cũng quy định các hình thức cá nhân kinh doanh như doanh nghiệp tư nhân (đáng nhẽ ra phải được gọi là doanh nghiệp cá thể hoặc doanh nghiệp một chủ). Nếu đưa hộ kinh doanh vào luật, câu hỏi đặt ra là bản chất về tư cách pháp lý của hộ kinh doanh sẽ là gì.
Khi phát sinh các các giao dịch pháp lý, trách nhiệm và quyền lợi theo pháp luật, chúng ta cần phải định danh rõ ràng là hộ kinh doanh sau khi đưa vào luật sẽ có tư cách pháp lý như thế nào? Họ sẽ là pháp nhân kinh doanh hay cá nhân kinh doanh? Họ có trách nhiệm nhiệm hữu hạn hay vô hạn? Nếu là cá nhân kinh doanh và với trách nhiệm vô hạn thì hô kinh doanh sẽ khác gì so với hình thức doanh nghiệp tư nhân hiện đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp?
Những câu hỏi này sẽ khiến cho ngay cả giới luật sư, các chuyên gia luật pháp bối rối khi giải thích về bản chất pháp lý của hộ kinh doanh cá thể khi được đưa vào Luật Doanh nghiệp và về mâu thuẫn không giải thích được về giữa hộ kinh doanh và hình thức doanh nghiệp tư nhân vốn đã được quy định trong luật.
Nếu chỉ thuần túy bằng cách ghi tên hộ kinh doanh vào luật, vị thế pháp lý, quyền và nghĩa vụ cơ bản của hộ kinh doanh chắc chắn vẫn không được làm rõ về phương diện khoa học pháp lý nếu không trả lời được một cách dứt khoát, rõ ràng những câu hỏi này.
Khiến Luật Doanh nghiệp kém tiến bộ hơn so với các luật khác
Các luật khác tại Việt Nam đang có các quy định và ứng xử với khu vực hộ kinh doanh một cách phù hợp hơn, tiến bộ hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế hơn. Các luật này kiên trì theo phương pháp tiếp cận tách bạch giữa pháp nhân kinh doanh và cá nhân kinh doanh.
Ví dụ, Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng đã không còn quy định về hộ kinh doanh và không còn ghi nhận hộ kinh doanh là một chủ thể trong giao dịch dân sự. Cũng từ nguyên tắc này, các đối tượng không phải là pháp nhân, ví dụ như hộ kinh doanh, sẽ không đủ tư cách chủ thể để tham gia các giao dịch dân sự, ví dụ như vay vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Tương tự như vậy, các luật khác như Luật Sở hữu Trí tuệ cũng không khẳng định một cách rõ ràng về việc hộ kinh doanh cá thể có thể là một chủ thể được quyền sở hữu tài sản sản trí tuệ. Ngành thuế hiện cũng đang hoàn thiện hệ thống thuế theo nguyên tắc về các pháp nhân kinh doanh, các cá nhân kinh doanh và cá nhân không kinh doanh.
Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, và khẳng định một cách chắc chắn là qua việc này, hộ kinh doanh có địa vị pháp lý mặc dù chưa rõ là địa vị pháp lý gì như đề cập ở trên rõ ràng khiến cho Luật Doanh nghiệp kém tiến bộ hơn so với các cải cách đang được thực hiện ở các luật khác. Thậm chí điều này gây mâu thuẫn và cản trở cho những cải cách về quy định pháp luật mà dường như hợp lý hơn hiện đang diễn ra ở các ngành khác.
Xói mòn nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh vốn là nền tảng của Luật Doanh nghiệp
Một trong những tiến bộ của Luật Doanh nghiệp là tôn trọng quyền tự lựa chọn hình thức pháp lý của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh. Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sẽ không giúp cho việc kéo hộ kinh doanh lên cùng đẳng cấp với doanh nghiệp. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp với quyền tự do lựa chọn hình thức kinh doanh của các hộ kinh doanh. Gần 5 triệu hộ đang rất yên ổn với hình thức kinh doanh hiện tại. Sự yên ổn và sự lựa chọn hình thức kinh doanh sẽ bị xáo trộn mạnh mẽ nếu đề xuất này thành hiện thực.
Các hộ kinh doanh có doanh thu lớn, sử dụng nhiều lao động, có mức rủi ro cao về thuế cần phải được chuyển đổi thành doanh nghiệp để trở nên minh bạch hơn. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng nếu vì lý do không thể chuyển đổi các hộ kinh doanh lớn này thành doanh nghiệp mà bắt cả cộng đồng gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể chịu cùng một biện pháp hành chính là không hợp lý.
Luật Doanh nghiệp hiện nay đã có quy định chặt chẽ về vấn đề các hộ có quy mô lớn phải bắt buộc phải chuyển đổi thành doanh nghiệp. Vấn đề nằm ở việc thi hành. Bắt buộc tất cả các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp là một đơn thuốc sai cho vấn đề hạn chế về thi hành luật.
Điều đáng nói là đơn thuốc đó được kê cho toàn bộ khu vực hộ kinh doanh vốn đang rất yên ổn với hình thức kinh doanh mà họ đã lựa chọn.
Khiến Luật Doanh nghiệp cập kênh so với thông lệ quốc tế
Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sẽ tiếp tục làm thui chột và phủ nhận lợi thế của một hình thức doanh nghiệp đã được quy định trong luật và là hình thức doanh nghiệp rất phổ biến trên thế giới: doanh nghiệp tư nhân (có bản chất là doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ).
Chúng ta cần đặt câu hỏi tại sao hình thức doanh nghiệp một chủ (đã có trong Luật Doanh nghiệp với tên gọi doanh nghiệp tư nhân) tại các quốc gia khác lại vô cùng phổ biến nhưng ở Việt Nam lại hoàn toàn ngược lại.
Tại Liên minh Châu Âu (EU), trong số 2,3 triệu doanh nghiệp được thành lập trong năm 2012, 1,6 triệu hay 70% được đăng ký dưới hình thức doanh nghiệp một chủ. Tỷ lệ này đặc biệt cao tại một số quốc gia, ví dụ như tại Pháp là 92,3%, Ba Lan 86,9%, Hà Lan 86,4%, và Cộng hòa Séc là 86,1% (EuroStat, 2013). Tại Hungary, trong số 450.733 doanh nghiệp đang hoạt động có tới 53% là dưới hình thức doanh nghiệp một chủ (OECD, 2016). 73% doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ là dưới hình thức doanh nghiệp một chủ (US Small Business Administration, 2013).
Trong khu vực Đông Nam Á, trong số 907.065 doanh nghiệp đăng ký tại Malaysia, có 554.900 doanh nghiệp hay 61,2% là dưới hình thức doanh nghiệp một chủ (SMECorp Malaysia, 2017).
Tại Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp cá thể/ doanh nghiệp một chủ) chỉ chiếm vỏn vẹn khoảng 2,5% vào năm 2017 và 2018. Cũng trong năm này, tỷ lệ người khởi nghiệp lựa chọn hình thức hộ kinh doanh để khởi nghiệp đạt gấp 45 lần so với những người lựa chọn hình thức doanh nghiệp tư nhân.
Chính thức hóa hộ kinh doanh: Không chỉ có một con đường duy nhất
Tại sao các hộ kinh doanh đã không đăng ký theo hình doanh nghiệp một chủ hay các hình thức doanh nghiệp khác? Tại sao chúng ta không tìm cách thực hiện các cải cách để khiến hình thức doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp một chủ) này hấp dẫn hơn, phù hợp hơn để hộ kinh doanh khi đi đăng ký, sẽ lựa chọn hình thức này?
Tại sao chúng ta không nghiên cứu sâu hơn hướng tiếp cận hiện này của ngành tư pháp, ngành thuế với khu vực hộ kinh doanh và thực hiện các điều chỉnh cần thiết về đăng ký kinh doanh, về quy định đối với chế độ thuế, quy định về quản trị đối với doanh nghiệp tư nhân để đạt được các mục tiêu về chính thức hóa khu vực hộ. Những câu hỏi đó không phải quá khó để trả lời.
Nhưng lựa chọn trả lời các câu hỏi này và tìm các giải pháp phù hợp với các nguyên tắc thị trường thì thường đòi hỏi nhiều hơn thời gian, công sức và trí tuệ.
Đi tắt, đón đầu bằng cách đổi tên hộ kinh doanh thành doanh nghiệp qua việc đưa họ vào Luật doanh nghiệp sẽ dễ dàng giúp chúng ta có được gần 5 triệu doanh nghiệp sau 1 đêm, thậm chí giúp chúng ta vượt qua cả Hàn Quốc và Nhật Bản về số lượng doanh nghiệp đăng ký chính thức.
Nhưng điều đó không làm thay đổi bản chất của khu vực hộ kinh doanh, không làm khu vực doanh nghiệp của chúng ta mạnh hơn khu vực doanh nghiệp của các nước khác. Nó thậm chí sẽ tạo ra những hệ lụy mà khoảng 5 hoặc 10 năm nữa nếu chúng ta mới có cơ hội sửa chữa nếu như chu kỳ Luật Doanh nghiệp sẽ tiếp tục được lặp lại như thời gian qua.
Cần thực sự thận trọng trước ý tưởng vô tiền khoáng hậu này. Chúng ta hoàn toàn có thể chính thức hóa khu vưc hộ kinh doanh cá thể bằng các biện pháp khác, hợp lý hơn với khu vực hộ kinh doanh, phù hợp hơn với nguyên tắc thị trường và các luật khác mà không cần phải đưa hộ kinh doanh cá thể vào Luật Doanh nghiệp.
Đừng phá vỡ tư tưởng, logic và làm hỏng cấu trúc của Luật Doanh nghiệp!
TS. Lê Duy Bình