Đưa 5 người bị nạn đi cấp cứu, tiếp tục tìm kiếm 13 người mất tích ở Rào Trăng 3
Chiều tối 13-10, công tác tìm kiếm 13 người mất tích khi đi cứu nạn thủy điện Rào Trăng 3 vẫn đang tiếp tục. Trong khi đó 5 người bị thương ở thủy điện Rào Trăng 4 đã được đưa về Bệnh viện Đa khoa Bình Điền.
Tiếp tục tìm kiếm người mất tích ở Rào Trăng 3
Tối 13-10, tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế cho biết lực lượng cứu hộ đã dùng 2 canô ngược dòng hồ thủy điện Hương Điền lên thủy điện Rào Trăng 4 để tiếp thức ăn, thức uống, thuốc men… cho nhóm công nhân bị mắc kẹt tại đây.
Lực lượng cũng đã đưa 5 công nhân bị thương trong nhóm này lên canô và chở về cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bình Điền (Bình Tiến, thị xã Hương Trà). Nguồn tin của phóng viên cho biết các nạn nhân đã về tới bệnh viện. Những người còn lại vẫn bị mắc kẹt tại thủy điện Rào Trăng 4.
Ông Nguyễn Văn Phương, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết lực lượng cứu hộ đã lên phương án trong ngày 13-10 sẽ cố gắng đưa toàn bộ người đang mắc kẹt tại thủy điện Rào Trăng 4 về bằng canô.
Ông Phương cũng cho biết lực lượng bộ đội sẽ tiếp tục đi đường bộ để tiếp cận vị trí thủy điện Rào Trăng 3 và thủy điện A Lin B2 hiện đang bị cô lập. Nhóm xe cơ giới tiếp tục làm đường dẫn lên vị trí khu vực trạm 67 bị vùi lấp.
Trong khi đó ông Nguyễn Đại Thành – đại diện Công ty cổ phần thủy điện Rào Trăng 3, xác nhận sạt lở khiến 3 công nhân chết, hơn 10 người mất liên lạc.
Thủ tướng đồng ý thành lập Ban chỉ đạo tiền phương
Thông tin từ Chính phủ cho hay, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có điện thoại báo cáo nhanh về tình hình mưa lũ, cứu hộ cứu nạn tại Thừa Thiên Huế với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập Ban chỉ đạo tiền phương do Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo chung công tác tìm kiếm cứu nạn, Tư lệnh Quân khu 4 trực tiếp đề xuất và trực tiếp chỉ đạo triển khai phương án tìm kiếm cứu nạn cụ thể.
Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 huy động mọi lực lượng, phương tiện cần thiết, có thể, bằng mọi biện pháp nắm tình hình, tiếp cận nhanh nhất khu vực có người bị nạn.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đưa lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương tập trung khắc phục sạt lở, thông tuyến giao thông để phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn (khắc phục ngay các vị trí sạt lở, các ngầm tràn).
UBND tỉnh phân công người phát ngôn, hằng ngày cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình, tiến độ cứu nạn và các vấn đề khác có liên quan đến công tác cứu nạn cho cơ quan thông tin báo chí.
Trước đó, báo cáo nhanh gửi Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ngày 13-10 về sự cố Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 tại Thừa Thiên Huế, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết: có 13 người trong đoàn công tác đi kiểm tra, xác minh sự cố Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 với 11 cán bộ quân đội và 2 cán bộ địa phương còn mất tích.
Trước đó, lúc 10h50 ngày 13-10, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã báo cáo diễn biến vụ việc lên Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Cụ thể, lúc 12h ngày 12-10, một người dân gọi điện thoại trực tiếp cho ông Phan Thiên Định – phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế – thông báo lúc 12h ngày 11-10 đã xảy ra sạt lở núi lấp nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3, thuộc địa phận xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nhận được thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra, xác minh để có phương án cứu hộ cứu nạn. Đoàn có 21 người, gồm lãnh đạo UBND tỉnh, Cục Cứu hộ cứu nạn, Quân khu 4, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo UBND huyện Phong Điền, Ban chỉ huy quân sự huyện Phong Điền và một số cơ quan liên quan.
Đoàn xuất phát lúc 14h cùng ngày từ Huyện ủy Phong Điền đi thủy điện Rào Trăng 3. Đến 16h, đoàn đến ngầm tràn sâu trên đường 71, ôtô không qua được. Vì vậy, đoàn để lại ôtô, đi bộ vào thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 13km.
Đến 21h cùng ngày, đoàn đến tiểu khu 67, Trạm kiểm lâm Sông Bồ. Theo thông tin báo về tỉnh lúc 22h ngày 12-10, đoàn dừng nghỉ tại nhà kiểm lâm, nhà có 4 gian (3 gian nghỉ, 1 gian bếp). Lúc 0h ngày 13-10, nghe tiếng nổ lớn, sụt toàn bộ núi, đất đá trùm lên tòa nhà đoàn đang nghỉ.
Theo thông tin ban đầu, 8 người trong đoàn thoát được ra ngoài, 13 người hiện còn mất tích.
Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, lúc 9h ngày 13-10, Bộ Quốc phòng đã có điện chỉ đạo Quân khu 4, Cục Tác chiến, Cục Cứu hộ cứu nạn và các đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ, tích cực triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 đã phối hợp UBND tỉnh Thừa Thiên Huế điều động lực lượng, phương tiện tổ chức khắc phục sạt lở, thông đường đến khu vực người mất tích và thủy điện Rào Trăng 3; chủ trì, phối hợp với các lực lượng tại chỗ tổ chức tìm kiếm cứu nạn người mất tích tại 2 khu vực; tổ chức hệ thống thông tin liên lạc thông suốt phục vụ chỉ huy điều hành công tác tìm kiếm cứu nạn.
TUẤN PHÙNG – NGỌC AN – NHẬT LINH/ TTO