+
Aa
-
like
comment

Dư thừa điện mặt trời: Nghiên cứu giải pháp xử lý

25/02/2021 17:54

Theo nội dung dự thảo quy hoạch điện VIII, miền Trung và miền Nam sẽ nghiên cứu xây dựng các liên kết sang Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar để bán điện khi dư thừa, đặc biệt là nguồn điện mặt trời, điện gió.

Cụ thể, văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan đối với Dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) của Bộ Công Thương có nhiều nội dung liên quan tới điều hành, quản lý nguồn điện.

Theo đó, dự thảo Đề án nhấn mạnh: “Ưu tiên việc nhập khẩu từ các nước láng giềng và liên kết lưới điện khu vực”. Đối với khu vực miền Bắc, tiếp tục xem xét khả năng mua thêm điện Trung Quốc qua lưới 500kV (3000MW) như đã từng được đề xuất trước đây.

Ngoài ra, cần tiếp tục xem xét tăng cường mua thêm các dự án điện tiềm năng, xem xét khả năng xây dựng các đường dây liên kết với lưới điện Bắc Lào. Qua đó, xem xét mua nguồn điện dư thừa của Lào về miền Bắc Việt Nam do tiềm năng xây dựng nguồn thủy điện khu vực này là khá lớn.

Dư thừa điện mặt trời: Có thể bán cho Lào, Thái Lan,… - Ảnh 1.
Nguồn điện mặt trời dư thừa có thể bán sang các nước như: Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề cập đến việc có thể nghiên cứu xây dựng liên kết 500kV thông qua trạm Back to Back đặt tại biên giới Thanh Hóa với Lào để kết nối lưới 500kV Bắc Lào.

Các nhà máy điện ở Trung Lào dự kiến bán sang Việt Nam sẽ nên được xem xét kết nối với lưới 500kV của Lào và truyền tải ra Bắc Lào để bán điện cho khu vực Bắc Bộ của Việt Nam.

Thuyết minh đề án, Viện năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, trong giai đoạn tới, do khả năng phát triển phụ tải cao và việc xây dựng nguồn điện rất hạn chế, khu vực Bắc Bộ có nguy cơ thiếu điện vào năm 2025.

Do đó, cần sớm xem xét nhập khẩu các nguồn thủy điện (có hồ chứa) từ Lào (Cụm Nậm Ou) và nhập khẩu thêm Trung Quốc qua trạm Back to Back 220kV phía Lào Cai và Hà Giang trước năm 2025.

Được biết, hiện tại, các dự án điện tại Lào dự kiến nhập khẩu về Việt Nam đều được nghiên cứu theo phương thức đấu trực tiếp vào lưới điện Việt Nam. Do đó, nguồn điện này được coi như nguồn điện của Việt Nam trong vận hành.

Vì vậy, nhà quản lý cần nghiên cứu kỹ về giá mua điện, khả năng truyền tải của hệ thống, khả năng hấp thu nguồn năng lượng tái tạo và chi phí của hệ thống để tích hợp nguồn điện năng lượng tái tạo.

Đồng thời xem xét ưu tiên nhập khẩu nguồn điện có khả năng điều tiết như thủy điện có hồ chứa, hạn chế nguồn điện biến đổi vì sẽ làm tăng gánh nặng về chi phí linh hoạt của hệ thống Việt Nam.

Đặc biệt các dự án điện gió và mặt trời của Lào dự kiến đấu nối về Tây Nguyên và Trung Trung Bộ cần được xem xét kỹ vì vừa làm tăng gánh nặng lên lưới truyền tải ra Bắc Bộ, vừa làm tăng chi phí linh hoạt của hệ thống Việt Nam.

Trong khi đó, miền Trung và miền Nam sẽ nghiên cứu xây dựng các liên kết sang Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar để bán điện khi dư thừa nguồn điện, đặc biệt là điện gió, mặt trời.

Tuy nhiên, việc liên kết và mua điện từ các nước láng giềng còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện chính trị của các nước. Chính vì vậy, Quy hoạch điện VIII sẽ tính toán phương án nguồn điện đảm bảo cho khả năng có thể xảy ra là chưa thực hiện được liên kết.

Thanh Phong

Bài mới
Đọc nhiều