Dự thảo của EU hé lộ câu trả lời cho giấc mộng “đặc cách” của Ukraine
Theo Reuters, các nhà lãnh đạo EU cho rằng việc ưu tiên cho Ukraine sẽ phát sinh nhiều vấn đề với các quốc gia vốn đã ở trong danh sách chờ lâu năm.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) trích dẫn dự thảo mới của Liên minh châu Âu (EU) cho biết các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí dần loại bỏ việc mua dầu, khí đốt và than đá của Nga vì hành động quân sự của Moskva tại Ukraine đã là lời cảnh tỉnh khiến họ nhận ra EU cần bớt phụ thuộc vào Nga.
Bên cạnh đó, về vấn đề khả năng Ukraine gia nhập EU, dự thảo này cũng nêu rõ rằng EU không thể nhanh chóng cấp cho Ukraine tư cách ứng viên theo diện “đặc cách”.
Trong ngày hôm nay và ngày mai (10-11/2), các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia EU sẽ họp tại Versailles, Pháp trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine bước sang tuần thứ 3 bất chấp các loạt đòn trừng phạt mạnh tay của phương Tây.
Reuters trích dẫn nội dung bản dự thảo mà họ có được:
“Trước tình hình bất ổn, cạnh tranh chiến lược và các mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng, chúng tôi quyết định chịu trách nhiệm nhiều hơn về an ninh của châu Âu, thực hiện các động thái mang tính quyết định hơn nữa để xây dựng chủ quyền châu Âu, giảm bớt sự phụ thuộc [vào Nga] và thiết kế một mô hình phát triển – đầu tư cho năm 2030”.
Theo Reuters, đây quyết định mang tính bước ngoặt đối với EU, vì Nga là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của khối này, Chỉ riêng Nga cung cấp hơn 40% lượng khí đốt, hơn 1/4 lượng dầu nhập khẩu và gần một nửa lượng than đá cho EU.
Các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ không đặt ra thời hạn chung cho tất cả các quốc gia thành viên, vì mỗi quốc gia có mức độ phụ thuộc vào Nga khác nhau. Đức, Italy, Hungary, Áo là những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung từ Moskva.
Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu tin rằng toàn EU có thể giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm nay nếu đa dạng hóa các nguồn cung cấp, đầu tư vào năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà.
Ngoài ra, cũng theo dự thảo này, sau nhiều thập kỷ phụ thuộc vào Mỹ với vai trò hậu thuẫn an ninh lớn nhất của châu Âu, EU hiện muốn tăng mạnh chi tiêu cho quốc phòng và khiến châu Âu độc lập hơn khi sản xuất bộ vi xử lý, dược phẩm hoặc thực phẩm.
Về khả năng Ukraine được “đặc cách” đẩy nhanh quá trình gia nhập EU, các nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng điều này khó có thể thực hiện dù một số thành viên như Ba Lan và các quốc gia Baltic đã lên tiếng ủng hộ. Các nhà lãnh đạo EU đồng ý rằng việc tạo điều kiện cho Ukraine có thể sẽ ngay lập tức gây ra vấn đề với những quốc gia trong danh sách chờ như Macedonia , Montenegro, Albania hay Serbia.
Reuters dẫn lời một quan chức EU cho biết: “Các nhà lãnh đạo khó có khả năng trao cho Ukraine tư cách ứng viên, mà thay vào đó họ sẽ đề xuất tăng cường hợp tác trong khuôn khổ thỏa thuận liên kết”.
Vị quan chức này cho biết: “Việc trao tư cách ứng viên cho Ukraine ở thời điểm hiện tại là không thể vì đây là quốc gia hiện đang chìm trong chiến tranh”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng động thái trao tư cách cho Ukraine sẽ rất có ý nghĩa khi nó sẽ đem lại cho nước này “hy vọng” cần có để chống trả Nga, mà không cần phải đưa ra cam kết chắc chắn nào cho tương lai sau này, giống như Thổ Nhĩ Kỳ từng nhận tư cách thành viên vào năm 1999 nhưng đến nay vẫn chưa được gia nhập EU./.
Khai Tâm