+
Aa
-
like
comment

Dù phát ngôn của Thủ tướng bị đổi màu nhưng niềm tin với nông dân vẫn nguyên vẹn

Đặng Trường - 16/12/2019 01:12

“Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”, đó là lời khẳng định của Bác Hồ cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Một câu hỏi lớn là nông dân phải làm gì để cùng Nhà nước thực hiện được lời của Bác? Câu trả lời đã được chính người đứng đầu Chính phủ gợi ý tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân: “Đã đến lúc nông dân của chúng ta phải cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu mình”. Tuy nhiên câu nói này đã bị một số tờ báo giật tít một cách rất vô duyên khiến nhiều người hiểu sai thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

ttnd
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ và đối thoại với nông dân lần thứ 2 với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”.

Với mong muốn lắng nghe những khó khăn và tìm kiếm giải pháp cho bà con nông dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long – nơi trồng lúa và nuôi trồng thủy hải sản lớn nhất cả nước nhưng cũng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần này đã được tổ chức tại Cần Thơ. Đúng như tinh thần của hội nghị, nhiều bà con nông dân thỏa lòng nêu ra những vấn đề thiết thực, đang là nỗi đau đầu của nhà nông hiện nay trước Thủ tướng và những lãnh đạo đứng đầu các bộ, ban, ngành liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tất cả nỗi lòng của nhà nông đều được bày tỏ trực tiếp và rất dân chủ.

Hiểu được sự vất vả và cả những khó khăn mà người nông dân đang gặp phải nên việc đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra yêu cầu với các bộ, ngành, cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước tính toán lãi suất làm sao để bà con vay được vốn; Bộ Tài chính, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải phải có cơ chế để hỗ trợ bà con. Quan trọng hơn cả là cơ chế ứng dụng công nghệ cho phát triển thương mại điện tử, giải quyết thủ tục còn rườm rà, quy hoạch rõ hơn các vùng và liên kết vùng giúp bà con nông dân bớt ngột ngạt. Người đứng đầu Chính phủ cũng không quên yêu cầu các Bộ, ban ngành liên quan thông tin rõ ràng hơn về thị trường, về dự báo các khả năng xảy ra, đặc biệt về chính sách hỗ trợ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm và uy tín thương hiệu Việt Nam,…

Tuy nhiên, để có được nền nông nghiệp thịnh thì không thể thiếu những người nông dân giỏi và giàu. Những năm qua, người nông dân Việt Nam đã thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm và khát vọng vươn lên của mình nhưng đâu đó vẫn còn rất nhiều vùng, nhiều nhà nông còn mang nặng tư duy tiểu nông, sản xuất manh mún, thiếu sự liên kết, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thiếu tự chủ trong sản xuất nông nghiệp. Không lấy làm lạ khi 6 tháng trước đến một vùng đất nọ thuộc tỉnh Đắk Lắk vẫn thấy bà con thu hoạch cà phê nhưng thời gian sau đã thấy chuyển sang trồng nghệ, thêm ít thời gian nữa lại trồng loại cây khác. Tất nhiên, một số người nông dân có thể đổ lỗi cho mất mùa, giá nông sản thấp nhưng cái cơ bản vẫn là chạy theo đám đông, thấy nhà hàng xóm hoặc trong vùng trồng cây này cây kia có tiền nên làm theo nhưng khi cung vượt qua cầu thì chuyện nông sản bán không ai mua hoặc đổ đống là chuyện như cơm bữa. Đó chưa kể bị thương lái dụ dỗ, gian thương trục lợi. Thử hỏi sao nhiều nhà nông không rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, ngân hàng siết nợ, bỏ đất bỏ xứ ra đi?

ttnxp
Thủ tướng xem sản phẩm nông nghiệp do bà con nông dân tự làm.

Để hạn chế, thậm chí là chấm dứt tình trạng nói trên thì tự bản thân người nông dân chân lấm tay bùn phải làm một cuộc cách mạng. Cách mạng từ trong nhận thức, tư duy sản xuất đến hành động mà nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “đất nước Việt Nam cần một lớp nông dân đổi mới. Đã đến lúc nông dân của chúng ta phải cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu mình”. Tự mình nuôi dưỡng khát vọng, ý chí làm giàu. Tự mình đi tìm cái cần để câu cá, tự mình suy nghĩ, vạch ra kế hoạch sản xuất rõ ràng trên chính mảnh đất của mình. Hơn bao giờ hết, đây chính là thời điểm người nông dân cần nâng cao học vấn, kiến thức khoa học công nghệ lẫn thị trường để tự làm chủ, tự quyết định số phận sản phẩm do mình làm ra. Đất nước đang phát triển theo hướng cách mạng công nghiệp 4.0 thì bắt buộc nông nghiệp, gần nhất là người nông dân cũng cập nhật, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để cải thiện năng lực cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại cũng như mở ra cơ hội cho mình.

Việt Nam đã có anh hùng lao động Hồ Quang Cua, cha đẻ của giống gạo ngon nhất thế giới ST25; anh nông dân Trần Phú Lộc học người Nhật làm hồng sấy; thầy giáo Huỳnh Trung Quân, người đầu tiên trồng thành công giống cây mâm xôi xuất xứ Châu Âu hay rất nhiều người nông dân khác sáng chế máy móc kỹ thuật phục vụ nông nghiệp như chiếc trực thăng phun thuốc, bón phân của anh nông dân Trần Quốc Hải; máy ép dầu phộng, dầu mè của anh Lê Hữu Minh,… Vậy thì chẳng có lý do gì nông dân Việt Nam không tự tin làm được nhiều điều hơn thế?

Sự thật Nhà nước chỉ đóng vai trò nâng đỡ, làm cầu nối đưa thành quả lao động của nhà nông đi ra khỏi biên giới Việt Nam nhanh chóng và rộng rãi hơn chứ không thể cứu người nông dân ra khỏi thất bại nếu như chính họ không có khát vọng vươn lên, tự cứu lấy mình. Với tình hình sản xuất nông nghiệp hiện này cũng như tất cả những rào cản đã được nêu ra tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân thì câu nói “Đã đến lúc nông dân của chúng ta phải cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu mình” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chẳng hề vô trách nhiệm như cách giật tít của một số tờ báo hay cách nghĩ và rao tin của một số kẻ cơ hội chính trị. Trên hết, đó chính là một hiệu lệnh thức tỉnh nông dân cả nước đứng lên đổi mới; đó là sự đề cao, là lòng tin của Thủ tướng vào trí tuệ và khả năng sáng tạo của nông dân Việt Nam về một thế hệ “nông dân giàu”, “nông nghiệp thịnh”.

Đặng Trường 

Bài mới
Đọc nhiều