+
Aa
-
like
comment

Dự Olympic Bắc Kinh 2022: Ông Putin mang món “quà quý” cho ông Tập Cận Bình

05/02/2022 08:47

Tới Bắc Kinh dự Thế vận hội Mùa đông 2022 vào hôm 4/2, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã công bố thỏa thuận dầu khí mới giữa Nga và Trung Quốc trị giá 117,5 tỷ USD. 

Hãng tin Reuters cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới Bắc Kinh dự Thế vận hội Mùa đông 2022 vào hôm 4/2, mang theo thỏa thuận tăng cường cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với phương Tây.

Tổng thống Putin nói với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Nga đã chuẩn bị một thỏa thuận mới để cung cấp cho Trung Quốc thêm 10 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên, theo một chương trình phát sóng về cuộc trao đổi giữa 2 lãnh đạo.

“Các nhà khai thác dầu mỏ của chúng tôi đã chuẩn bị những giải pháp mới rất tốt về nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc”, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 4/2 tại Bắc Kinh, sau khi hai nước đạt các thỏa thuận dầu mỏ và khí đốt mới.

“Ngành công nghiệp khí đốt cũng đã đạt bước tiến mới”, ông chủ Điện Kremlin cho biết, đề cập đến hợp đồng mới giúp cung cấp 10 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ vùng Viễn Đông của Nga cho Trung Quốc. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov sau đó cho hay thỏa thuận này có thời hạn 25 năm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh hôm 4/2. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh hôm 4/2.

Theo tính toán của Reuters, hợp đồng khí đốt này có thể mang lại khoảng 37,5 tỷ USD trong vòng 25 năm, nếu tính giá khí đốt trung bình là 150 USD/1.000 m3 như mức giá trong hợp đồng hiện nay giữa tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga với Trung Quốc.

Ngoài hợp đồng khí đốt trên, Nga – Trung còn ký thỏa thuận giữa tập đoàn dầu khí Rosneft và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), nhằm cung cấp 100 triệu tấn dầu trong vòng 10 năm thông qua Kazakhstan, đồng nghĩa với kéo dài hợp đồng hiện có giữa hai bên. Rosneft cho hay thỏa thuận mới trị giá 80 tỷ USD.

Nga vốn là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ ba của Trung Quốc, đất nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới. Những hợp đồng mới được cho là giúp Moskva giảm phụ thuộc vào các khách hàng truyền thống ở châu Âu, giữa lúc Điện Kremlin và phương Tây căng thẳng vì vấn đề Ukraine.

Khủng hoảng Ukraine tăng nhiệt sau khi phương Tây cáo buộc Nga đưa hơn 100.000 quân tiến sát biên giới Ukraine với ý định tiến đánh nước này, nhưng Moskva liên tục phủ nhận và cho rằng Washington cùng các đồng minh mới là bên khiến căng thẳng gia tăng.

Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu, nên phương Tây lo ngại nguồn cung có thể bị gián đoạn trong trường hợp xung đột bùng phát. Vì vậy, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chuẩn bị sẵn kế hoạch thay thế nguồn cung này.

Đường ống dẫn dầu. Ảnh minh họa.

Thái độ của Mỹ

Mỹ và một số đồng minh đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Bắc Kinh 2022 để phản đối một số hành vi liên quan đến vấn đề nhân quyền của Trung Quốc. Trung Quốc phản đối tất cả mọi cáo buộc.

Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến ​​sẽ ăn trưa cùng nhau vào hôm 4/2 và có thể ký hơn 15 thỏa thuận, trong đó có các thỏa thuận mới đang được chuẩn bị, liên quan đến khí đốt tự nhiên.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Nga và Trung Quốc đã thống nhất lập trường của họ về Ukraine trong cuộc họp giữa ngoại trưởng 2 nước là ông Vương Nghị và ông Sergei Lavrov, tại Bắc Kinh hôm 3/2.

Đáp trả lại hành động của Nga và Trung Quốc, Mỹ cảnh báo các công ty Trung Quốc rằng họ sẽ phải đối mặt với hậu quả nếu tìm cách trốn tránh các biện pháp kiểm soát xuất khẩu được áp đặt ở Moscow trong trường hợp Nga tiến vào Ukraine.

“Chúng tôi có một loạt các công cụ nếu chúng tôi thấy các công ty nước ngoài, bao gồm cả những công ty ở Trung Quốc, cố gắng để che lấp các hành động kiểm soát xuất khẩu của Mỹ,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay.

Trước ông Lavrov, Bắc Kinh đã không tiếp các vị khách nước ngoài trong gần 2 năm do phải đối phó với Covid-19.

Trong lúc đó, NATO cáo buộc hàng nghìn binh sĩ Nga đã tập trung hàng loạt binh sĩ gần biên giới Ukraine, làm dấy lên lo ngại rằng Moscow sẽ sớm tiến vào Ukraine. Nga phủ nhận kế hoạch trên, yếu cầu NATO cấm cho Ukraine gia nhập.

(Theo Reuters)

Bài mới
Đọc nhiều