Một nguyên ĐBQH cố tình không hiểu chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an
Việc sửa đổi Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 đã và đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội trong thời gian qua. Bên cạnh những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng tích cực thì cũng có những ý kiến trái chiều, trong đó một vị tiến sỹ Luật, nguyên là đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng.
Như đã biết, Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải tổ chức lấy ý kiến một số bộ, ngành, chuyên gia, góp ý sửa Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008 theo hướng tách thành 2 luật mới: Luật Đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, soạn thảo và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Thực tế, mọi thay đổi trong quy định pháp luật từ trước đến nay đều tạo ra những luồng ý kiến, đánh giá đa chiều, nhất là đối với những thay đổi có tác động sâu rộng đến người dân như vấn đề giao thông đường bộ. Thế nên nhiều chuyên gia đóng góp ý kiến trên tinh thần xây dựng, thể hiện sự băn khoăn, thận trọng vì lợi ích của người dân ở nhiều điểm cần dự Luật giải đáp rõ. Tuy nhiên, có một vị nguyên đại biểu Quốc hội lại xoáy sâu vào vai trò của Bộ Công an hơn là những nội dung mà dự thảo Luật đã đưa ra. Cụ thể, ông ấy viết: “Bộ Công an là cơ quan quản lí về an ninh, trật tự và phòng chống tội phạm, nên không có thẩm quyền quản lí về giao thông, đường xá, phê duyệt làm đường, cắm biển báo, quản lí phương tiện, kể cả xử phạt vi phạm hành chính… Trong trường hợp này cho thấy, không có bất kì cơ sở nào để có thể giao cho Bộ Công an quản lí trật tự, an toàn giao thông đường bộ”. Chưa kể, ông còn mang người dân ra làm tấm bia “bảo vệ” cho luận điệu của mình rằng: “Dân không đồng tình thì đừng cố tách Luật!”.
Thứ nhất, cần làm rõ một điều, Bộ Công an không cố tách Luật mà đang cải tiến, sửa đổi để có lợi cho người dân, đồng thời phù hợp với khả năng chuyên môn của mình. Như chúng ta cũng thấy, các chiến sỹ CSGT là những người thường kiểm tra, giám sát hành vi tham gia giao thông của người dân, xử lý những trường hợp vi phạm Luật An toàn giao thông bộ. Chính vì vậy, hơn ai hết họ rất hiểu hành vi cũng như lỗi sai nguy hiểm mà người dân gặp phải, chính vì vậy không ai phù hợp hơn họ trong việc đưa ra quy chuẩn đào tạo, sát hạch và cấp phép lái xe để người dân có kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông, ý thức tham gia giao thông tốt hơn, giảm tình trạng tai nạn giao thông hiện nay. Cũng giống như việc đi học, thầy cô kiểm tra học sinh chính là người đào tạo, ra đề. Điều này hoàn toàn bình thường. Huống hồ, hiện nay, ở các trường đào tạo lực lượng công an có hẳn chuyên ngành đào tạo Cảnh sát giao thông, thậm chí bao nhiêu năm nay, họ vẫn đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho chính các học viên của mình, xem đó là điều kiện hoàn thành để ra trường. Thế thì không thể nói “Bộ Công an là cơ quan quản lí về an ninh, trật tự và phòng chống tội phạm, nên không có thẩm quyền quản lí về giao thông, đường xá, phê duyệt làm đường, cắm biển báo, quản lí phương tiện, kể cả xử phạt vi phạm hành chính” được.
Hơn nữa, nếu Bộ GTVT có 650 cán bộ, công chức chuyên trách tổ chức sát hạch, cấp GPLX thì Bộ Công an hiện nay cũng đã có sẵn cơ cấu tổ chức, bộ máy từ cấp Bộ, Tỉnh, quận/huyện, phường/xã, trong đó đã bố trí công tác đăng ký, quản lý 739 đầu mối, đã đầu tư, triển khai, lắp đặt hệ thống hơn 700 điểm đăng ký phương tiện,… Với chuyên môn và nguồn lực sẵn có như vậy thì chúng ta hoàn toàn có niềm tin Bộ Công an có thể đảm bảo tốt công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe cho người dân.
Thứ hai, vị nguyên đại biểu Quốc hội chê bôi: “Việt Nam là một trong số ít nước sử dụng lực lượng vũ trang để giữ trật tự giao thông, đó là sự tréo ngoe với những nguyên tắc quản lí xã hội. Đây chính là sự xâm chiếm về mặt pháp lí, từ lĩnh vực này nhảy sang lĩnh vực khác để làm thay, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ”. Nhưng dường như ông ấy đã quên mất một điều, đất nước ổn định không thể thiếu lực lượng vũ trang, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Không riêng gì Việt Nam mà ở Mỹ, Pháp, Anh, Úc, chức năng quản lý trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng được giao lực lượng Cảnh sát. Nếu dự Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo “chưa đúng và cần sửa đổi” thì ông ấy nên góp ý chứ không phải sử dụng luận điệu bài xích Bộ Công an.
Thứ ba, có vẻ như vị đại biểu này chưa tìm hiểu rõ tất cả lý do vì sao cần tách Luật mà đã vội gạt bỏ vai trò của lực lượng Công an trong việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông “Các bộ, ngành, địa phương đều có thanh tra chuyên ngành, có thẩm quyền xử phạt. Vậy vì sao không bàn giao toàn bộ nhiệm vụ đó cho thanh tra giao thông? Rõ ràng có vấn đề cần cân nhắc, xem xét ở tầm vĩ mô”. Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã nêu lên lý do cho rằng cần tách các nội dung về ATGT khỏi Luật GTĐB hiện hành đó là: Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ xoay quanh mục tiêu đảm bảo cho người tham gia giao thông được an toàn, chuyên sâu hóa các yếu tố ATGT như người, phương tiện và quy tắc giao thông, giải quyết các bất cập thực tế về an toàn, an ninh trật tự trên đường. Nhằm quy trách nhiệm khi có tai nạn giao thông xảy ra do người thì cơ quan cấp bằng lái chịu trách nhiệm, còn do đường, biển báo thì cơ quan quản lý hạ tầng chịu trách nhiệm… Khi tách ra như vậy, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của thanh tra giao thông và lực lượng Cảnh sát giao thông cũng sẽ được phân biệt một cách rõ ràng.
Việc tách Luật không phải là “dẫm lên chân nhau” hay vì lợi ích của riêng bất cứ Bộ nào mà điều quan trọng là tính hợp lý, mang lại lợi ích cho người dân. Tin rằng, người dân vẫn đang theo dõi mỗi ngày chứ không phải là “không đồng tình” và họ cần lắng nghe những quan điểm đúng đắn nhằm cải tiến Luật tiến bộ hơn, sát thực tế hơn chứ không phải là những ý kiến trái chiều lập lờ, thiếu chiều sâu như vậy.
Phù Vân