+
Aa
-
like
comment

Dư luận nói gì về đề xuất giảm giờ làm dưới 48 giờ/tuần?

Bảo Trâm - 04/04/2024 12:00

Thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam và một số đại biểu Quốc hội đã có kiến nghị về giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động xuống dưới 48 giờ/tuần. Điều này gây ra nhiều ý kiến trái chiều lẫn ủng hộ bởi người lao động mong muốn có thêm thời gian nghỉ ngơi nhưng lo ngại giảm giờ làm, thu nhập sẽ không đủ sống.

Phản hồi của Bộ LĐ-TB&XH về kiến nghị giảm giờ làm việc bình thường xuống dưới 48 giờ/tuần

Trước đó, khi đề xuất nội dung giảm giờ làm việc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dẫn Nghị quyết số 101/2019/QH14 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV nêu: Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế – xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần, và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc giảm giờ làm việc bình thường xuống dưới 48 giờ/tuần là chính sách có tác động lớn đến kinh tế – xã hội. Vì vậy, sẽ nghiên cứu đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn, để bảo đảm tính khả thi khi đề xuất chính sách này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.

Hiện, Bộ luật Lao động 2019 quy định thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần, nhưng phải thông báo cho người lao động biết. Trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần.

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.

Giảm giờ làm giúp người lao động tái tạo sức khỏe, có thời gian vun vén gia đình, song họ cũng lo ngại thu nhập sẽ không đủ sống.

Như vậy, người sử dụng lao động phải đảm bảo số giờ làm bình thường của người lao động không quá 8 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần đối với thời giờ làm việc bình thường. Trường hợp làm việc theo tuần, thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần.

Không phải đến thời điểm hiện tại, vấn đề giảm giờ đối người lao động (NLĐ) xuống dưới 48 giờ/tuần mới được đưa ra. Nhà nước cũng khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với NLĐ nhưng giảm giờ làm kéo theo nhiều vấn đề về chi phí, xây dựng kế hoạch sản xuất – kinh doanh nên không phải doanh nghiệp (DN) nào cũng đồng tình.

Chị Đoàn Ngọc Thủy, cán bộ Công đoàn tại một DN chuyên sản xuất giày da sử dụng hàng ngàn lao động tại huyện Bình Chánh, TP HCM, cho rằng dưới góc độ DN, rất khó để đồng thuận với đề xuất này bởi khiến chi phí bị đội lên rất cao. Vì vậy, nếu chỉ khuyến khích thì không có chủ DN nào muốn áp dụng, đặc biệt trong các lĩnh vực thâm dụng lao động.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ NLĐ thì việc giảm giờ làm có lợi cho họ, trong điều kiện là thu nhập không bị giảm sút. Thực tế, nhiều CN vì cuộc sống khó khăn mà đánh đổi sức khỏe và thời gian chăm lo cho người thân, gia đình.

Mặt khác, bà Thủy cho rằng hiện tại Việt Nam, thời giờ làm việc tại khu vực cơ quan, hành chính nhà nước đang áp dụng là 40 giờ/tuần, còn công nhân lao động trực tiếp là 48 giờ/tuần, có sự chênh lệch. Việc giảm giờ làm sẽ tạo sự công bằng giữa hai khu vực. “Nhưng trước bất cứ một đề xuất nào thay đổi về chính sách, cần có sự cân nhắc kĩ lưỡng, đúng thời điểm để dung hòa lợi ích” – bà Thủy cho hay.

Một số ý kiến cho rằng việc giảm giờ làm không phải bất khả thi, thực tế cũng có những DN đã đi trước. Điển hình như Công ty TNHH Fujiimpulse Việt Nam (KCX Linh Trung I; TP Thủ Đức, TP HCM) cho NLĐ nghỉ từ 1 – 2 ngày thứ bảy trong 1 tháng. Nếu tuần nào đi làm ngày thứ bảy, người lao động được về sớm 1 giờ, tương đương làm việc 7 giờ trong ngày đó. Tính ra, NLĐ Công ty chỉ làm việc từ 43,5 – 45 giờ/tuần.

Riêng người lao động vẫn vừa mừng vừa lo, vì khi nghe đề xuất giảm giờ làm anh vừa mừng vừa lo bởi với thu nhập như hiện nay, không tăng ca thì không đủ sống. Nếu giảm giờ làm, kéo theo giảm thu nhập nữa thì CN sẽ phải làm thêm công việc khác mới đủ lo cho gia đình.

Tương tự, chị Hồ Thị Hồng Diệu, CN tại KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM) cũng khá lo ngại việc giảm giờ làm sẽ kéo theo giảm lương. Chồng mất sớm, một mình chị làm việc nuôi 2 con nhỏ. Thời điểm cuối năm 2023, công ty ít việc, giảm giờ làm khiến thu nhập của nhập của chị sụt giảm từ 8-9 triệu đồng/tháng còn 6-7 triệu đồng/tháng. Chị phải chật vật vay mượn của người thân, bạn bè để lo toan gia đình, khi đến kỳ lương lại trả.

“Nếu giảm giờ làm thu nhập vẫn giữ nguyên thì tôi rất trông chờ. Ai cũng mong có thời gian nghỉ ngơi, vun vén gia đình. Tuy nhiên, mức thu nhập thực tế khi chúng tôi làm việc 48 tiếng/tuần hiện nay vẫn không đủ sống. Nếu giảm giờ làm kéo theo giảm thu nhập thì rất đáng ngại” – chị Diệu bày tỏ.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều