+
Aa
-
like
comment

Dư luận lên tiếng về Dự thảo Luật Giao thông đường bộ

Khai Tâm - 24/06/2020 16:42

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chia giấy phép lái xe ra thành 17 hạng khác nhau thay vì 13 hạng như hiện nay. Tuy chỉ là dự thảo nhưng lại nhận được rất nhiều phản hồi trái chiều từ người dân.

Thay đổi lớn nhất chính là bổ sung bằng A0, trước giờ người dân đã quen cho con đi học bằng xe phân khối nhỏ dưới 50 phân khối hoặc xe đạp điện nên đã rất nhiều phản ứng khác nhau.

Chị Trần Khánh Ngọc nói: “Tại sao phải bổ sung A0, cho lý do chính đáng và phù hợp thực tiễn xã hội dùm cái. Lớp 5 lớp 6 thi A0 được không? Nếu được thì cầm khai sinh đi thi à… Nếu thi thì nghĩ học bao nhiêu buổi là đủ để đăng ký và thi. Nếu không thi được thì để ba mẹ chở hoặc đạp xe hết à… Nhà nghèo cách trường 5 7km không có tiền học bán trú, thì đạp xe trước giờ học mấy tiếng là đủ… hay ba má làm công nhân phải xin nghỉ làm đổi việc để phù hợp với giờ đưa rước con.… Mời xử lý trên góc độ người lao động ở nhà thuê, làm công nhân phổ thông giùm.”

Bạn Lê Thanh Hiền phản bác: “Thêm A0 là để ép các ‘tay lái lụa nhí’ đi HỌC cách lái xe. Cứ nhìn ra thực tiễn xã hội giúp mình, rất nhiều em nhỏ cấp 2, cấp 3 chạy xe lạng lách, tốc độ cao, chạy vèo vèo. Bên cạnh đó, mình cũng biết là có nhiều bạn nhỏ chạy khá đúng luật. Nhưng chung quy lại, đã tham gia giao thông cùng nhau thì vẫn nên biết luật, vẫn phải biết cách chạy làm sao cho an toàn và cho đúng. Suy ra, phải đi học và phải có bằng.”

Và cũng có nhiều người đồng tình với dự thảo mới này. Anh Lê Nhất Linh nhận xét: “Cái bằng B2 trên dành cho người không hành nghề lái xe là hoàn toàn chính xác. Còn chuyên nghiệp thì lấy bằng B rất rõ ràng mà. Nhiều người bằng B2 mỗi tháng đi xe vài lần mà bắt họ đổi bằng cứ 10 năm như hiện nay có vẻ hơi phiền phức. Giữa B1 vs B2 đều là lái xe không chuyên nhưng khác nhau ở chỗ B2 số sàn. Mình thấy phân chia vậy cũng ok rồi.”

Anh Trần Thanh Hải thì lại cho ý kiến: “Cần xem xét thời hạn Vô Hạn: vì tôi thấy người già chạy xe đạp, xe điện và xe máy… rất nhiều người loạng choạng, đôi khi chúng ta sẽ bị oan. Nên xem xét đến độ tuổi nào thì cấm đi để bảo vệ an toàn cho tất cả. Kiểu như ngành ngân hàng ấy: trên 70 tuổi – dừng cấp tín dụng, trên 75- dừng bảo lãnh (để bảo vệ các bên, do ko đủ sức lao động và minh mẫn)”.

Nhưng sự thay đổi ở bằng lái A1 và A đã làm rất nhiều người dân lên tiếng phản đối vì cho rằng việc đó là không cần thiết.

Anh Trần Hoài Nam lên tiếng: “Tôi không hiểu các nhà làm luật dựa vào đâu để đưa ra các hạng như vậy. Về lý thuyết khi đã học luật lái xe ô tô thì dĩ nhiên phải biết luật lái xe mô tô (xe máy) nên một logic tất yếu là có bằng lái xe ô tô thì HIỂN NHIÊN phải được phép lái xe máy tất cả các hạng. Tương tự tôi thấy chẳng có sự khác nhau về xe 125 – 250 trong điều khiển và chấp hành luật. Vậy tại sao phải phân ra nhiều cho rối rắm, về thời hạn cũng nên xem lại.”

Bạn Nguyễn Trung Thành cho ý kiến: “Xe máy phổ thông bây giờ dung tích tới 150cc rồi (ab, nvx,ex…) muốn đi được thì phải thi bằng cao nhất. Trước giờ mình đã có bằng A1 cạy SH, giờ thêm cái này thì lại phải thi thêm lần nữa, đẻ ra thêm việc à.”

Bất cứ dự thảo nào đưa ra cũng sẽ gây ra rất nhiều tranh luận trái chiều bởi vì thói quen phải thay đổi để thích nghi với luật mới. Tuy nhiên cũng phải nghĩ lại rằng vì sao phải thay đổi luật vì để phù hợp hơn với những thay đổi của xã hội. Những thứ cũ kỹ phải được thay thế bằng những cái mới phù hợp hơn với sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên đây cũng chỉ là dự thảo và ý kiến của người dân sẽ được lắng nghe và luật cũng sẽ có những điều chỉnh hợp lý với thực tế.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều