Du lịch Việt Nam vươn mình
“Đạt được nhiều kết quả phục hồi ấn tượng” là nhận định chung về du lịch Việt Nam sau 2 năm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ. Cuối năm 2022, du lịch Việt Nam đã khẳng định được vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước và góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, tạo cơ hội việc làm cho người dân và thịnh vượng chung của quốc qua.
Ngày 22/01/2020 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 147/QĐ-TTg về Phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2023. Những chỉ đạo cụ thể về mục tiêu và giải pháp cũng như chiến lược nêu rõ trong Quyết định trên trở thành kim chỉ nam trong tổ chức thực hiện và phát triển ngành kinh tế được xem là mũi nhọn này.
Đánh giá về vị trí quan trọng của ngành du lịch, Chính phủ luôn ưu tiên xây dựng nhiều chiến lược phục hồi sau đại dịch. Cùng với sự chung tay góp sức của nhiều cơ quan, lực lượng và ban ngành chức năng du lịch Việt Nam đến thời điểm này đã thực sự khởi sắc.
Từ đầu năm 2022 đến nay ngành du lịch đã phục vụ gần 72 triệu lượt du khách trong nước, vượt kế hoạch cả năm 12 triệu lượt và 733.000 lượt du khách quốc tế. Tổng thu đạt 316.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp lữ hành trở lại hoạt động và cấp phép mới thời điểm hiện tại là 2.563 doanh nghiệp quốc tế và 1.060 doanh nghiệp nội địa. Có 90% các cơ sở lưu trú được hoạt động trở lại và đạt 95% công suất phòng tại nhiều địa phương.
Việt Nam có tiềm năng và đa dạng về các loại hình, chú trọng phát triển du lịch là bước đi mang tính bền vững phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước. Từ mọi vùng miền Tổ quốc, bất kỳ đâu cũng có thể phát triển một loại hình du lịch cụ thể gắn với đặc trưng của địa phương. Núi cao, biển rộng, mưa thuận gió hòa, người Việt hiếu khách trọng tình, du lịch có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển dựa trên tiềm năng đất nước.
Ngày 23/8 vừa qua Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 262/TB-VPCP về tình hình trình triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi du lịch theo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch năm 2022. Trong đó nổi bật triển khai Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải tiến quy trình thủ tục cấp thị thực điện tử nhằm hấp dẫn khách du lịch quốc tế.
Với nhiều chủ trương đổi mới và mang tính quyết định của Chính phủ, du lịch Việt Nam hứa hẹn từ năm 2030 sẽ trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.
Hạnh Phúc