+
Aa
-
like
comment

Du lịch lao đao vì viêm phổi cấp Corona

31/01/2020 09:05

Dịch viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (viêm phổi Vũ Hán) bùng nổ vào đúng mùa cao điểm khiến ngành du lịch Việt Nam lao đao vì hụt thị trường khách chủ lực: Trung Quốc.

Khách Trung Quốc mang khẩu trang y tế tham quan Nha Trang /// Ảnh: Nguyễn Chung
Khách Trung Quốc mang khẩu trang y tế tham quan Nha Trang

Lữ hành, dịch vụ khốn đốn

Khoảng 1 tháng sau khi dịch viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) được phát hiện lần đầu tiên tại TP.Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 27.1, Chính phủ nước này đã ban lệnh cấm các chuyến đi du lịch ra nước ngoài theo nhóm. Ngay sau đó, một số địa phương tại Việt Nam như Khánh Hòa, Lào Cai, Đà Nẵng… cũng thông báo sẽ ngưng tiếp nhận khách Trung Quốc do lo ngại dịch bệnh viêm phổi cấp lan rộng. Là thị trường khách chủ lực của ngành du lịch Việt Nam trong nhiều năm qua, việc Trung Quốc “bế quan tỏa cảng” vì dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lữ hành, dịch vụ thiệt hại nặng nề. Thống kê từ ngày 27.1 cho thấy mùa du lịch dịp Tết Nguyên đán, lượng khách Việt Nam và khách quốc tế tăng mạnh tại Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl nhưng nhóm du khách Trung Quốc tại Vinpearl Nha Trang giảm 50%. Đại diện Vinpearl dự kiến lượng khách Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm mạnh tới hơn 90% trong 5 ngày tới.

Tổng cục Du lịch cần ngay lập tức có kế hoạch cụ thể, chi tiết để đối phó với sự sụt giảm mạnh của thị trường khách Trung Quốc, bù đắp lại cả về số lượng và chất lượng

TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam

Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang – DN lữ hành chuyên khai thác thị trường Trung Quốc, cho biết năm nay ông nghỉ tết dài hơn vì công ty ít việc. Từ Tết Nguyên đán cho tới khoảng giữa tháng 2, công ty ông phải hủy tour của 10 đoàn khách Trung Quốc gồm 300 du khách. Đối với các đoàn khách đã đặt cọc dịch vụ, hãng hàng không và một số khách sạn nói hoàn tiền nhưng chưa hoàn hoặc thỏa thuận rời sang đoàn khác, coi như cũng mất sạch. “Từ Tết Nguyên đán kéo dài tới khoảng gần mùa hè là mùa cao điểm khách Trung Quốc tới Việt Nam. Đây cũng là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu lượng khách quốc tế đến nước ta. Mất thị trường này chắc chắn sẽ gây ra tác động không nhỏ đến ngành du lịch mà ảnh hưởng đầu tiên chính là các DN. Một vài người bạn của tôi đang kinh doanh nhà hàng, khách sạn tại Nha Trang và Đà Nẵng còn khổ hơn. Vắng tanh! Doanh thu sụt giảm gần một nửa”, ông Thành nói.

Đại diện Công ty du lịch Vietravel thông tin dịp Tết Nguyên đán 2020, Vietravel đã hủy khoảng 60 đoàn khách Trung Quốc sang Việt Nam (khoảng 1.000 khách). Hiện tại công ty đã hủy tất cả tour từ Trung Quốc sang Việt Nam đến hết tháng 3.2020. Vị này dự đoán để tình hình có thể ổn định, dịch bệnh được kiểm soát và phục hồi thì phải đến khoảng tháng 6. Do đó chắc chắn các DN kinh doanh trong lĩnh vực du lịch thời gian tới sẽ gặp khó khăn và thiệt hại đáng kể. Giám đốc một DN lữ hành lớn tại Nha Trang ước tính việc bùng nổ dịch viêm phổi cấp Corona khiến nhiều DN thiệt hại thậm chí vài chục tỉ đồng.

Cơ hội thoát phụ thuộc khách Trung Quốc

Dịch bệnh bùng nổ ảnh hưởng tiêu cực tới ngành du lịch, nhưng cả DN và chuyên gia đều cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam cơ cấu, định hướng lại sự phát triển của ngành.

Ông Từ Quý Thành nhận định việc tạm thời đóng cửa du lịch đối với khách Trung Quốc là dịp tốt để cải tổ, sàng lọc đối tượng khách, chấn chỉnh tình trạng “tour 0 đồng” tại nhiều địa phương thời gian qua. Không còn xô bồ quá đông khách Trung Quốc, các điểm du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh… sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho khách nội địa và khách quốc tế đến từ các quốc gia khác. “Thực tế, khách Trung Quốc đáp ứng rất tốt về mặt tăng trưởng số lượng nhưng không đạt được những kỳ vọng về chất lượng. Khách Tây Âu và nhiều quốc gia phát triển khác mới là thị trường khách bền vững. Nhân cơ hội này, ngành du lịch Việt Nam cần có chiến lược để “hâm nóng”, chăm sóc lại các thị trường khách truyền thống khác để tránh tình trạng mất khách Trung Quốc khiến hàng loạt DN dịch vụ đóng cửa, phá sản diễn ra tại Đài Loan cách đây vài năm”, ông Thành nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, đánh giá thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam quá chú trọng thành tích, mải chạy theo con số nên vô hình trung bị phụ thuộc vào thị trường khách Trung Quốc, thị trường “đỏng đảnh” vì các chính sách khuyến khích công dân đi du lịch dễ thay đổi theo nhịp thở của chính trị.

Chưa kể việc khai thác tràn lan, “thượng vàng hạ cám” biến nhiều điểm đến trở nên nhếch nhác, mất hình ảnh, giảm thu hút đối với các nguồn khách khác. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy, bằng chứng là dịch bệnh viêm phổi cấp Corona nổ ra, ngay lập tức ngành du lịch Việt Nam lao đao. Theo ông Lương, dịch bệnh, khách Trung Quốc giảm là tin buồn nhưng ở một góc độ khác cũng là cơ hội để ngành du lịch thật sự nhìn nhận nghiêm túc lại mục tiêu, định hướng phát triển. Khai thác khách Trung Quốc cần tập trung vào phân khúc cao cấp, cùng với đó quay lại các thị trường truyền thống có hiệu quả như Tây Âu, Bắc Mỹ. Đây là các đối tượng vừa tạo ra nguồn thu lớn, vừa không gây áp lực đến hạ tầng du lịch, xã hội.

“Muốn vậy, cần sự quyết tâm, cơ cấu lại từ hệ thống sản phẩm cho tới hoạt động xúc tiến. Tổng cục Du lịch cần ngay lập tức có kế hoạch cụ thể, chi tiết để đối phó với sự sụt giảm mạnh của thị trường khách Trung Quốc, bù đắp lại cả về số lượng và chất lượng”, ông Lương đề xuất.

Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách Trung Quốc đến VN trong năm 2019 qua thống kê từng tháng luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu khách quốc tế, trung bình dao động từ 30 – 50%. Trước khi các lệnh cấm đón khách từ vùng dịch được ban hành, trong tháng 1.2020, ngành du lịch VN ghi nhận lượng khách quốc tế đến ước đạt gần 2 triệu lượt người, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, tăng mạnh nhất là khách Trung Quốc – tăng 72,6%, đạt 644.700 lượt khách.

Hà Mai/TN

Bài mới
Đọc nhiều