Dự kiến 2 phương án cho kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 phương án tổ chức kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV.
Sáng 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp thứ nhất và cho ý kiến bước đầu về chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV dự kiến khai mạc vào 20/10/2021.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu dự kiến 2 phương án.
Phương án 1: Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ (nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp). Dự kiến bố trí thảo luận tổ về các dự án luật, các nội dung về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, dự thảo Nghị quyết về xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Quốc hội chia đại biểu tham gia 73 tổ thảo luận, trong đó: Khoảng 200 đại biểu Quốc hội ở trung ương sẽ chia thành 10 tổ họp tại Nhà Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội ở địa phương chia 1 tổ/1 địa phương.
Tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 17 ngày và 1 ngày dự phòng (Quốc hội làm việc 1 ngày thứ bảy); phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/10, bế mạc ngày 10/11/2021.
Phương án 2: Quốc hội họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung tại Nhà Quốc hội và chia thành 2 đợt (dịch bệnh đã được kiểm soát tốt mới về họp tập trung).
Quốc hội làm việc 17 ngày và dự phòng 1 ngày; trong đó, bố trí Quốc hội làm việc 2 ngày thứ bảy. Trong đó, đợt 1, họp trực tuyến: 11 ngày (từ 20/10 đến 2/11/2021); có bố trí thảo luận ở tổ (cách chia tổ giống phương án 1).
Nội dung: Trù bị, khai mạc; thảo luận 7 dự án luật, 1 Nghị quyết về định hướng công tác lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, các báo cáo về công tác tư pháp, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.
Đợt 2, họp tập trung 6 ngày (từ ngày 4 đến 10/11/2021); có bố trí thảo luận ở tổ (cách chia tổ như thông lệ). Trong đó, thảo luận dự thảo Nghị quyết về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; xem xét, quyết định về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước; chất vấn và trả lời chất vấn; biểu quyết thông qua 2 dự án luật, các nghị quyết và bế mạc.
Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng cần chủ động xây dựng phương án tổ chức kỳ họp bảo đảm chu đáo, an toàn, hiệu quả với phương án và quy trình xử lý tình huống chuyên nghiệp, bài bản.
Trình bày báo cáo tổng kết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV vừa qua, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động đề xuất và phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan hữu quan để kịp thời trình Quốc hội bổ sung việc ban hành Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, trong đó quy định các biện pháp mạnh, cấp bách về phòng, chống dịch COVID-19 nhằm kiểm soát hiệu quả, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn cũng như mong mỏi, kỳ vọng của nhân dân.
Kết quả của kỳ họp có ý nghĩa rất quan trọng, là sự tiếp nối, phát huy thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, qua đó góp phần kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt và quyết định những vấn đề lớn mang tính chiến lược, dài hạn nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tạo khuôn khổ pháp lý để Chính phủ, các địa phương triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước giai đoạn 2021-2025.
Xuân Trường