Du học sinh Việt Nam đóng góp ‘gần 1 tỷ đôla’ cho kinh tế Mỹ
Số du học sinh Việt Nam học bậc đại học tại Hoa Kỳ tăng năm thứ 18 liên tiếp, đóng góp “gần một tỷ đôla” cho nền kinh tế Mỹ, theo báo cáo thường niên Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE).
Với gần 25 nghìn sinh viên, tăng 0,3% so với năm học 2017 – 2018, Việt Nam đứng thứ sáu trong số các quốc gia dẫn đầu về con số du học sinh tại Mỹ trong khoảng thời gian từ 2018 tới 2019.
Đứng trước Việt Nam trong danh sách công bố hàng năm hôm 18/11 nhân Tuần lễ Giáo dục Quốc tế là các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ảrập Xêút và Canada.
Sinh viên của quốc gia đông dân nhất thế giới đứng đầu bảng với gần 370 nghìn sinh viên, đóng góp cho kinh tế Mỹ gần 15 tỷ đôla.
Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, sinh viên quốc tế đóng góp gần 45 tỷ đôla cho nền kinh tế Hoa Kỳ năm 2018, tăng 5,5% so với một năm trước đó.
Phúc trình được Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội dẫn lại cho biết rằng trong tổng số 24.392 sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ, 69,9% học bậc đại học, 15,2% học sau đại học, 10,2% tham gia thực tập không bắt buộc, và 4,6% còn lại theo học các chương trình không cấp bằng.
Không chỉ công bố số du học sinh Việt Nam ở Mỹ, báo cáo cũng cho hay rằng số lượng sinh viên Mỹ đến Việt Nam học tập đã tăng 7,1%, từ mức 1.147 sinh viên trong năm học 2016 – 2017 lên tới 1.228 sinh viên trong niên khóa 2017 – 2018.
Cơ quan ngoại giao của Mỹ tại Hà Nội cho rằng dữ liệu Open Doors là “bằng chứng rõ ràng cho thấy giáo dục vẫn là nền tảng của mối quan hệ song phương”.
Tuyên bố chung Việt – Mỹ nhân chuyến thăm của Tổng thống Trump cuối năm 2017 viết rằng ông Trump và Chủ tịch Việt Nam khi đó là ông Trần Đại Quang, “khẳng định ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa nhân dân hai nước, qua đó làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau, hợp tác và tình hữu nghị giữa hai dân tộc, cụ thể thông qua trao đổi chuyên môn và học thuật”.
Hai nhà lãnh đạo cũng nêu ví dụ về mối quan hệ liên quan tới giáo dục, trong đó có việc đưa trường Đại học Fulbright Việt Nam vào hoạt động cũng như các khoản trợ cấp với tổng trị giá 500.000 USD dành cho cựu sinh viên của Quỹ Giáo dục Việt Nam.
Theo phúc trình Open Doors, có hơn 1 triệu sinh viên quốc tế học tập tại các trường đại học và cao đẳng của Hoa Kỳ trong năm học 2018 – 2019, chiếm 21% tổng số du học sinh bậc đại học trên toàn thế giới.
Các môn được nhiều du học sinh lựa chọn khi tới Mỹ đó là kỹ thuật, toán học và khoa học máy tính, kinh doanh và quản trị. Số lượng sinh viên theo học ngành Nông nghiệp tăng nhanh nhất, với 10,3%. 10 bang có nhiều sinh viên quốc tế du học nhất gồm California, nơi có cộng đồng người Mỹ gốc Việt lớn nhất ở Hoa Kỳ, cùng các bác khác như New York, Texas, Massachusetts, Illinois, Pennsylvania, Florida, Ohio, Michigan và Indiana.
Báo cáo Open Doors được công bố hàng năm vào Tuần lễ Giáo dục Quốc tế, vốn là một sáng kiến chung giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục Hoa Kỳ nhằm quảng bá giáo dục đại học.
Theo Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ này đã đánh dấu tuần lễ này với các khoá tập huấn dành cho chuyên viên tư vấn và cố vấn học tập tại các trường đại học và trung học phổ thông khu vực TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, cũng như các buổi thông tin du học Mỹ và các chương trình học bổng trao đổi của chính phủ Hoa Kỳ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, tin cho hay, Tổng Lãnh sự Marie Damour hôm 18/11 đã khánh thành Điểm hẹn Hoa Kỳ tại trường Đại học An Giang, văn phòng vệ tinh thứ hai sau Cần Thơ, nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận thông tin cho sinh viên khu vực đồng bằng sông Cửu Long về Hoa Kỳ, học tiếng Anh, và dịch vụ tư vấn giáo dục của Văn phòng Giáo dục Hoa Kỳ.
Viễn Đông