Đủ chiêu lừa đảo, trục lợi quỹ bảo hiểm
Nếu không có những biện pháp mạnh tay để xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi thì nguy cơ mất cân đối quỹ bảo hiểm vẫn có thể xảy ra.
Theo BHXH Việt Nam, thời gian qua, đường dây nóng của cơ quan này đã nhận được thông tin phản ánh của một số người dân về việc họ nhận được các cuộc điện thoại của người lạ có các đầu số: 0555…, 8009… tự xưng là người của cơ quan BHXH. Các đối tượng này thông báo cho người dân việc họ đã đi khám chữa bệnh (KCB) bằng thẻ BHYT nhưng chưa thanh toán tiền KCB hoặc thông báo người dân đã trục lợi tiền KCB từ Quỹ BHYT… Sau đó yêu cầu người dân cung cấp về nhân thân và nộp một khoản tiền (thông qua tài khoản) để thanh toán chi phí đã KCB BHYT hoặc hoàn trả tiền đã trục lợi từ Quỹ BHYT, nếu không, cơ quan BHXH sẽ báo công an vào cuộc điều tra, cắt quyền sử dụng thẻ BHYT của người dân…
Mạo danh cơ quan bảo hiểm
Trước vụ việc trên, đại diện BHXH Việt Nam cảnh báo việc đối tượng tự xưng là người của cơ quan BHXH gọi điện cho người dân để thông báo các nội dung trên là lừa đảo. BHXH Việt Nam khuyến nghị người dân cần nâng cao cảnh giác khi nhận được các cuộc điện thoại lạ, tự xưng là người của cơ quan BHXH; tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào của các đối tượng, nhất là không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Trường hợp người dân nhận được các cuộc gọi đến từ người lạ tự xưng là người của cơ quan BHXH, cần báo ngay cho cơ quan công an để xử lý hoặc thông báo đến số đường dây nóng của BHXH Việt Nam là 19009068 để được tư vấn, hỗ trợ và giải đáp kịp thời.
Theo BHXH Việt Nam, những năm qua, tình trạng trục lợi, lạm dụng, gây thất thoát quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vẫn còn diễn ra với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp. Đơn cử, nhiều doanh nghiệp (DN) lách luật BHXH bằng cách ký hợp đồng thời vụ dưới 3 tháng với người lao động (NLĐ) nhằm mục đích vừa bảo đảm kinh doanh – sản xuất vừa không phải đóng BHXH bắt buộc. Như vậy, trên thực tế có không ít NLĐ được bảo hiểm cho hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng thực tế họ vẫn đi làm, nhận lương từ DN nhưng lại không được DN hỗ trợ đóng BHXH, BHYT. Một chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm cho rằng trong năm 2020, số tiền chi các chế độ về BHTN sẽ tăng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Dù quỹ BHTN hiện đang kết dư nhưng nếu không có những biện pháp mạnh tay để xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi thì nguy cơ mất cân đối quỹ vẫn có thể xảy ra.
Thu hồi hàng tỉ đồng sai phạm
Trong khi đó, ghi nhận tại một số địa phương, trợ cấp thai sản và trợ cấp thất nghiệp là 2 chế độ bảo hiểm bị trục lợi nhiều. Một số BHXH tỉnh đã phát hiện nhiều vụ trục lợi quỹ ốm đau, thai sản bằng cách lập khống hồ sơ hưởng thai sản và hồ sơ hưởng BHXH một lần. Đặc biệt, qua kiểm tra đã phát hiện hơn 1.000 lượt NLĐ hưởng chế độ ốm đau, thai sản chưa đúng quy định với số tiền phải thu hồi gần 2 tỉ đồng. Qua chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng cũng cho thấy đã xảy ra tình trạng trục lợi quỹ hưu trí, tử tuất bằng cách chi trả trùng lương hưu, chi trả lương hưu khống… Nhiều trường hợp cơ quan BHXH đã phải đề nghị cơ quan công an vào cuộc làm rõ.
Hiện cả nước có khoảng 87,05 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 90,1% dân số. Từ đầu năm 2020 đến nay, số tiền chi trả từ quỹ BHYT đã lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, nạn gian lận, trục lợi quỹ BHYT ngày càng phức tạp, tinh vi, gây tổn hại cho quỹ cũng như quyền lợi của người tham gia BHYT. Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho biết qua hệ thống giám định, cơ quan bảo hiểm đã phát hiện một số người không tham gia BHYT nhưng mượn thẻ BHYT của người thân, người quen để đi KCB BHYT. Một số trường hợp sau khi người bệnh đến KCB, nhân viên y tế dùng mã thẻ của người bệnh tiếp tục kê khống đơn lĩnh thuốc và đề nghị thanh toán. Cùng với đó, còn tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT của cơ sở KCB, chỉ định dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết, thanh toán tiền hội chẩn không đúng quy định… Trước thực trạng này, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết hệ thống thông tin giám định BHYT đã phát hiện và công khai các trường hợp lạm dụng BHYT như: đi KCB nhiều lần, nhiều nơi trong ngày; thu dung người bệnh có thẻ BHYT để trục lợi… giúp BHXH tỉnh, TP kịp thời kiểm tra, giám định lại các khoản chi BHYT.
Người đã chết vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh
BHXH tỉnh Bình Dương vừa có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Bình Dương phối hợp chỉ đạo các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh kiểm tra quy trình tiếp nhận bệnh và xác định rõ nguyên nhân vì sao đối tượng đã được xác nhận tử vong nhưng sau ngày tử vong có phát sinh chi phí KCB BHYT tại cơ sở KCB. Trước đó, qua kiểm tra dữ liệu báo cáo từ Phòng Nghiệp vụ BHXH tỉnh và các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn, BHXH tỉnh Bình Dương đã ghi nhận có 5 trường hợp xác định là đã tử vong nhưng ngay sau ngày tử vong có phát sinh chi phí KCB BHYT tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. BHXH tỉnh Bình Dương làm rõ sự việc trên xảy ra tại các cơ sở y tế: Trạm y tế phường Tân Đông Hiệp – Trung tâm Y tế TP Dĩ An, Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Hoàn Hảo, Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Năm Anh, Trạm y tế phường Bình An – Trung tâm Y tế TP Dĩ An, Phòng khám Đa khoa khu vực Phước Hòa – Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo.
BHXH tỉnh Bình Dương yêu cầu Sở Y tế và 5 cơ sở KCB BHYT nêu trên xử lý các cá nhân liên quan đến quy trình tiếp nhận và điều trị bệnh để dẫn đến các sai sót có phát sinh chi phí KCB BHYT sau ngày tử vong.
NGỌC DUNG/ NLĐ