Dự báo 2024: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào top đầu thế giới, hơn Singapore, Malaysia, Thái Lan
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2024, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới.
Hồi tháng 10, dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2024, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới.
Danh sách dẫn đầu với Macau (Trung Quốc) tăng trưởng 27,16%, Guyana 26,56%, Palau 12,40%, Niger 11,14%, Senegal 8,82%. Đông Nam Á có Campuchia (6,13%) và Philippines (5,88%) có dự báo tăng trưởng cao hơn VIệt Nam.
Giới chuyên gia IMF bày tỏ lạc quan về triển vọng trong trung hạn, với mức dự báo tăng trưởng GDP đạt 5,8% vào năm 2024 và 6,9% vào năm 2025.
Đó là do nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam chịu nhiều tác động của nhu cầu sụt giảm từ bên ngoài trong năm nay, song nền tảng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có được từ trước thời kỳ đại dịch COVID-19 vẫn được duy trì.
Cùng đó, trong báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), dự báo mức tăng trưởng lên 5,5% vào năm 2024 và 6,0% vào năm 2025. Các chính sách hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn, dỡ bỏ các rào cản trong việc thực hiện đầu tư công và giải quyết các hạn chế về cơ sở hạ tầng có thể giúp nền kinh tế đạt được các mục tiêu này và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.
Ngân hàng Thế giới cho rằng: Môi trường bên ngoài đầy thách thức và nhu cầu trong nước yếu hơn đang khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam chậm lại. Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ tăng tốc trong những năm tiếp theo.
“Nền kinh tế Việt Nam đang bị thử thách bởi các yếu tố bên trong và bên ngoài. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính phủ có thể hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư công hiệu quả, từ đó tạo việc làm và kích thích hoạt động kinh tế,” bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết. “Ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, chính phủ không nên bỏ qua các cải cách thể chế cơ cấu – bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng – vì chúng là điều bắt buộc đối với tăng trưởng dài hạn”.
WB lưu ý nhu cầu trong nước được kỳ vọng vẫn là động lực tăng trưởng chính, mặc dù tốc độ tăng trưởng vẫn ở mức thấp. Lạm phát trung bình cả năm 2024 là 3,0% vào năm 2024 và 2025 với giả định giá năng lượng và hàng hóa ổn định.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7% trong trung hạn
Trong báo cáo công bố ngày 9/11, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đánh giá chính sách tài chính tiền tệ của Việt Nam đã hỗ trợ rất nhiều cho nền kinh tế đất nước.
Trên cơ sở đó, Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 và 7,0% vào năm 2025. Fitch Ratings cũng tin rằng các yếu tố cơ bản trong trung hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn tích cực và tăng trưởng bền vững sẽ mở ra triển vọng kinh doanh tích cực cho các ngân hàng.
Tổ chức Fitch Ratings đánh giá những thách thức đối với nền kinh tế từ khó khăn trên thị trường bất động sản, nhu cầu toàn cầu suy yếu sẽ ít tác động đến triển vọng kinh tế vĩ mô trong trung hạn cùng với dư địa chính sách dồi dào sẽ góp phần kiểm soát rủi ro trong ngắn hạn.
Tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục củng cố nền tài chính công lành mạnh, với nợ Chính phủ được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn so với các quốc gia cùng xếp hạng tín nhiệm.
Trong trung hạn, Tổ chức Fitch dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khoảng 7% nhờ động lực tăng trưởng từ dòng vốn FDI mạnh mẽ và nguồn lao động dồi dào.
Bên cạnh đó, việc tham gia vào mạng lưới FTA rộng khắp của khu vực và toàn cầu trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng và việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” sẽ tiếp tục thúc đẩy thu hút FDI mạnh mẽ hơn vào Việt Nam.
Theo đánh giá của Tổ chức Fitch, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã dần cải thiện sau mức giảm mạnh trong năm 2022 và sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2024, 2025, phản ánh dòng vốn quay trở lại và thặng dư thương mại lớn hơn.
Trong trung hạn, thu ngân sách sẽ được củng cố nhờ vào các giải pháp mở rộng cơ sở thu thuế đặt ra tại Chiến lược tài chính đến năm 2030 của Việt Nam.
Tổ chức Fitch cho rằng cùng với việc Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, nền kinh tế lấy lại được đà tăng trưởng trong thời gian tới.
Bích Trâm