“Dự án Trung Quốc” khét tiếng ở Campuchia: 1 công ty vội vã tháo chạy – Cảnh sát “sợ” nên không can thiệp?
Một cựu nhân viên của “Dự án Trung Quốc” nói rằng nơi này khét tiếng vì sự tàn bạo của nó. Có những người đã bị đánh đập dã man và ném ra ngoài vệ đường.
MỘT “CÔNG TY” THÁO CHẠY SAU BÀI BÁO CỦA KHMER TIMES
Khmer Times cho hay, sau khi tờ báo này đăng bài phóng sự về “Dự án Trung Quốc” ở tỉnh Preah Sihanouk, một “công ty” trong khu phức hợp này đã “tháo chạy”.
Cụ thể, theo lời một cựu nhân viên giấu tên, sau khi truyền thông công bố những cáo buộc của người từng thoát khỏi “Dự án Trung Quốc”, vào khoảng 21h30′ ngày 25/8, nhiều người đã được thả khỏi một tòa nhà 10 tầng thuộc khu phức hợp này – trong đó bao gồm cựu nhân viên này.
Nhân chứng ẩn danh cho biết, trong số khoảng 30 người thoát khỏi tòa nhà, có ít nhất 2 người đàn ông châu Phi, hàng chục công dân Ấn Độ và một thiếu nữ 17 tuổi. Một số người được cho là bị “bán” cho “công ty” khác đang hoạt động trong khu phức hợp mà không cần thông qua chính quyền địa phương. Theo nhân chứng, hoạt động “bán” nhân viên giữa các “công ty” là thông lệ ở “Dự án Trung Quốc”.
Người này cho biết: “Hầu hết mọi người trong tòa nhà đã thoát, ngoại trừ một số người Bangladesh bị bán cho các ‘công ty’ khác. Chắc hẳn họ đã được đưa đến một tòa nhà khác nhưng tình hình cũng không khác gì so với ở đây”.
Ngoài những người Bangladesh nói trên, người nhân viên tin rằng một người phụ nữ Nam Phi và bạn đời của cô vẫn còn “mắc kẹt bên trong”. Nhân chứng nói rằng anh đã không liên lạc với hai người này trong hơn 2 tuần.
“Những người vừa thoát khỏi tòa nhà nói với tôi rằng họ không được phép đi bất cứ đâu trong vòng 6 tháng. Tôi vui vì họ đã tự do, nhưng tôi muốn toàn bộ tòa nhà bị khám xét để tất cả mọi người có thể thấy những gì đang diễn ra ở đó. Mới chỉ có một công ty bị ‘hạ gục’, vẫn còn rất nhiều công ty nữa”, nhân chứng cho biết.
Một nhân chứng khác cho biết vợ anh là cựu nhân viên của “Dự án Trung Quốc”. Cô đã bị đánh đập khi từ chối lừa người châu Âu.
“Vợ tôi đã xin nghỉ việc ngay lập tức, nhưng những người Trung Quốc ở đó không cho phép cô ấy rời đi. Họ muốn bán cô ấy cho một ‘công ty’ khác”, người đàn ông nói.
Những cựu nhân viên cho biết họ bị thu hộ chiếu ngay khi vừa đến khu phức hợp. Nhiều người nói rằng họ bị đe dọa, bị bạo hành thể xác. Có ít nhất một thai phụ bị đánh đến chảy máu.
Nhiều nguồn tin cũng xác nhận rằng có hai gái mại dâm người Đông Âu và nói rằng 2 người này được trả hơn 8.000 USD/tháng để “phục vụ” nhân viên và trò truyện qua video với “con mồi”.
VÌ SAO CẢNH SÁT KHÔNG CAN THIỆP?
Khmer Times dẫn lời một nguồn thạo tin cho biết, cảnh sát địa phương dường như có “nỗi sợ” đối với khu phức hợp “Dự án Trung Quốc” khét tiếng này.
Nguồn tin ẩn danh nói rằng những người đứng sau “Dự án Trung Quốc” có thể là một nhóm doanh nhân máu mặt và quyền lực, có tầm ảnh hưởng không nhỏ trong cộng đồng.
“Tất cả những người Trung Quốc sống ở Sihanoukville hơn vài tháng đều biết đến nó. Họ gọi nó là Thành phố Trung Quốc”, người này nói.
Trước đó, Khmer Times từng đưa tin rằng có hàng chục đến hàng trăm người đang được “đào tạo” thành kẻ lừa đảo trong khu phức hợp này. Các cựu nhân viên cho biết họ đã được dạy cách lập tài khoản mạng xã hội để dụ dỗ đàn ông đầu tư vào tiền điện tử hoặc các quỹ đầu tư đáng ngờ khác.
Một cựu nhân viên của “Dự án Trung Quốc” nói rằng nơi này khét tiếng vì sự tàn bạo của nó. Có những người đã bị đánh đập dã man và ném ra ngoài vệ đường.
“Thành phố Trung Quốc là nơi tồi tệ nhất. […] Ở đây cảnh sát chỉ can thiệp nếu có tin báo về ma túy”, nhân chứng cho biết.
Người chồng của một cựu nhân viên “Dự án Trung Quốc” chia sẻ với Khmer Times rằng vợ anh đã được giới thiệu đến đó làm công việc nhân viên tổng đài thông qua một công ty môi giới.
Vào thời điểm đó, người phụ nữ này đang mang thai hai tháng – nhưng cô đã bị đánh đập đến chảy máu.
Người chồng cho biết: “Ban đầu mọi thứ đều ổn. [Phía công ty] nói là sẽ đào tạo cô ấy ở một địa điểm gần sân bay, cô ấy đã được đón đến trung tâm đào tạo. Nhưng trên đường đi, họ lại thay đổi địa điểm thành khu đào tại ở Sihanoukville. Họ nói rằng việc đào tạo chỉ mất một tuần, nhưng sau khi đến nơi vợ tôi liền nhận ra ngay rằng đây là công việc lừa đảo những người ở châu Âu. Vợ tôi lập tức xin nghỉ việc, nhưng quản lý của cô ấy không cho phép và còn định bán cô ấy cho công ty khác”.
“Tôi đã báo ngay cho cảnh sát nhưng họ chẳng làm gì cả. Họ muốn tôi trả 2.000 USD nhưng tôi không đưa tiền cho họ. Chúng tôi đã theo dõi 3 đêm mà không có kết quả gì, cho đến khi truyền thông đưa tin về khu phức hợp này thì vợ tôi mới thoát được. Tôi hy vọng là câu chuyện của chúng tôi sẽ giúp những người còn mắc kẹt trong đó sớm được tự do”, người chồng nói./.
Hồng Anh