Dự án “trọng điểm” quốc gia sẽ rơi vào tay Trung Quốc?
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ông Nguyễn Văn Thể lên tiếng kêu gọi các doanh nghiệp trong nước nên liên kết lại, hoặc liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài để tham gia đấu thầu dự án Cao tốc Bắc – Nam sắp tới. Hiện tại đang có gần 60 bộ hồ sơ dự sơ tuyển của các liên danh nhà đầu tư trong và ngoài nước được nộp, vượt so với dự đoán của chính Bộ Giao thông vận tải.
Trong đó gồm 16 nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, 5 nhà đầu tư Hàn Quốc, 2 nhà đầu tư Pháp và Singapore, Phillipines mỗi nơi có 1 nhà đầu tư, riêng Việt Nam nhiều nhất, con số lên tới 29 Doanh nghiệp, nhưng đa số là liên danh, và liên danh với Trung Quốc dự sơ tuyển cao tốc Bắc – Nam, Thật sự tiếc nuối khi trong các bộ hồ sơ dự sơ tuyển được nộp thiếu vắng khá nhiều doanh nghiệp tư nhân tên tuổi trong nước từng được kỳ vọng là sẽ tạo ra đối trọng mạnh với các nhà đầu tư nước ngoài. số phận cao tốc Bắc – Nam sẽ rơi vào tay ai?
Trong cuộc đấu này, nếu giả sử doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, thì đó là tín hiệu tích cực cho thấy sự vươn lên của nhà đầu tư nội. Việc nhà đầu tư Việt Nam không trúng cũng không phải là vấn đề quá lớn, nhất là khi mục tiêu quan trọng nhất là chọn ra được nhà đầu tư tốt nhất, có sự tin tưởng cao nhất để trao gửi tuyến cao tốc Bắc – Nam. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng các nhà đầu tư hạ tầng, tài chính trong và ngoài nước đối với một trong những dự án giao thông có quy mô về vốn cùng sức lan tỏa lớn bậc nhất Việt Nam trong những năm tới.
Bên canh đó về việc lựa chọn nhà đầu tư, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tổ chức thực hiện công tác lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật, trên nguyên tắc ưu tiên nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm, uy tín; khuyến khích các nhà đầu tư trong nước liên danh, liên kết với nhau, với các nhà đầu tư quốc tế đủ năng lực để triển khai Dự án; đồng thời thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản: số 1119/VPCP-CN ngày 04 tháng 5 năm 2019, số 1429/VPCP-CN ngày 31 tháng 5 năm 2019 và số 4903/VPCP-CN ngày 06 tháng 6 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ. Bộ Giao thông vận tải sớm báo cáo Thường trực Chính phủ nghe và cho ý kiến chỉ đạo về việc lựa chọn nhà đầu tư theo đúng các quy định của pháp luật và đảm bảo các yêu cầu về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Rút kinh nghiệm cho những dự án trước đây đến giờ chúng ta phải gánh lấy hậu quả: Như Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư hơn 550 triệu USD, trong đó vốn vay ưu đãi của Trung Quốc 419 triệu USD. Đến nay, tổng mức đầu tư đã vọt lên 891,9 triệu USD, đội giá thêm 339,1 triệu USD (tăng gần 40%).
Dự án khởi công vào tháng 10-2011 với mục tiêu hoàn thành vào tháng 6-2014 và đưa vào khai thác 1 năm sau (năm 2015). Tuy nhiên, dự án liên tục lùi tiến độ vận hành. Điểm lùi hiện nay của dự án đến hết năm 2019 mặc dù đã đạt 99% khối lượng công việc. Như vậy, sau gần 8 năm thi công với chục lần lùi tiến độ cùng với việc đội vốn khủng, đường sắt Cát Linh – Hà Đông có lẽ là một trong những dự án giao thông nhiều trắc trở nhất trong lịch sử ngành giao thông nước ta.
Đặc biệt tại diễn đàn Quốc hội hôm 5/6/2019 vừa qua, trả lời chất vấn của các đại biểu, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay, việc chọn tổng thầu Trung Quốc trong dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông nằm trong hiệp định ký vốn vay, Việt Nam không có quyền lựa chọn. Nghe câu trả lời của ông Bộ Trưởng cho chúng ta cảm giác mọi dự án dù lớn dù nhỏ đều đã có số phận của nó. Cát Linh- Hà Đông sau 10 năm, vốn đầu tư đội kỷ lục giờ mỗi tác dụng… che nắng cho xe máy.
Kế đó có thể nói đến Dự án Sân vận động Mỹ Đình hoàn thiện và đi vào hoạt động từ năm 2004, nhưng chỉ 2 năm sau khánh thành bắt đầu xuất hiện những khe nứt, dự án Sân vận động Mỹ đình khi kêu gọi nhà đầu tư theo tôi được biết đã có rất nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ, trong đó có ba nhà thầu lớn từ Philipp Holzmann AG International (Đức) và Hanoi International Group (HISG – Trung Quốc), Lemma (Mỹ), nhưng nhà thầu HISG Trung Quốc trúng thầu, dự án SMĐ Mỹ đình là con đẻ của người cha xảo quyệt mang tên Trung Quốc, cũng bởi họ khôn ngoan vì bỏ thầu thấp nhất để trúng, với giá trúng thầu 53 triệu USD, thấp nhất trong số các nhà thầu tham gia dự án SVĐ Mỹ Đình năm 2001, nhưng sau đó đủ lý do để kéo dài, để đội vốn, để ăn bù…và hiện tại chúng ta đã thấy những hậu quả mà nó đem lại.
Tính sơ thôi nhà thầu HISG của Trung Quốc sau này “kiếm lại” bằng cách bán thầu. Đại ý cứ mỗi m3 dầm móng, bán cho thầu phụ với giá 55,78 USD, HISG bỏ túi 32,8 USD. Mỗi tấn cốt thép dầm móng, bán với giá 408,1 USD, nhà thầu HISG Trung Quốc này cũng ăn không 125,01 USD. Sự thật quá sức tưởng tượng.
Trục lợi tới mức dù hợp đồng yêu cầu “toàn bộ thiết bị vật tư có xuất xứ từ Tây Âu và Mỹ”, nhưng sau này, Thanh tra phát hiện 94% thiết bị bị thay đổi với trị giá 17 triệu USD. 5,495 triệu USD (chiếm 30% tổng giá trị gói thầu thiết bị) thậm chí còn không biết nó từ nguồn nào? Thậm tệ đến mức, ông Hà Quang Dự – nguyên bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao sau này tiếc nối: Nếu như chúng ta không chọn nhà thầu Trung Quốc mà chọn nhà thầu Âu, Mỹ thì hàng năm ngành thể thao không đến nỗi phải bỏ ra hàng tỉ đồng để sửa chữa sân SVĐ Mỹ đình như suốt những năm qua.
Bên cạnh đó không xa lạ gì với Dự án đường sắt Yên Viên – Cái Lân dừng thi công từ năm 2011 khiến nhiều nhà ga vắng khách và hàng chục tấn vật liệu nằm phơi mưa nắng. Theo Bộ Giao thông Vận tải, năm 2011, dự án đã được bố trí 4.536 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư 7.663 tỷ đồng, tuy nhiên dự án cần có thêm khoảng 5.268 tỷ đồng mới có thể hoàn thành. Để tìm hướng đi cho dự án này, năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Chính phủ kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa, song đến nay vẫn dừng lại ở việc xem xét, nghiên cứu, vấn đề quá nan giải và không biết đến bao giờ mới hoàn thành xong dự án này.
Quay lại với vấn đề Dự án cao tốc Bắc – Nam lần này mang đến nhiều tranh luận trong việc chọn lựa nhà đầu tư, nhà thầu. Tôi tin chắc một điều ai trong chúng ta cũng đều mong muốn rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thành lập Tổ giám sát gồm đại diện các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ và mời Kiểm toán Nhà nước để thực hiện giám sát chặt chẽ quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Theo như thông tin được đưa, Phó Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương kịp thời tuyên truyền về chủ trương và quá trình triển khai Dự án, bảo đảm tính công khai, minh bạch và khách quan hơn nữa. Những sai lầm trước đây không nên để xảy ra một lần nữa.
Nói thì dễ nhưng làm thì khó, điều quan trọng nhất phải là niềm tin và sự dũng cảm bắt đầu. Dự án cao tốc Bắc – Nam không chỉ quan trọng về yếu tố cấp thiết đồng thời cũng là một dự án trọng điểm quốc gia, cần tập trung các yếu tố mang tính quyết định về vốn, nhân lực, công nghệ… cần có sự đột phá trở thành bước ngoặt cho sự thay đổi. Thay đổi cả về tư duy, lòng tin, thay đổi những hình ảnh xấu xí của đội vốn, chậm tiến độ hay công nghệ lạc hậu… Thay đổi cả chính vị thế, tầm quan trọng của các doanh nghiệp trong nước.
Quan trọng hơn bao giờ hết việc triển khai xây dựng dự án này còn liên quan đến an ninh quốc gia. Không sử dụng được nguồn lực trong nước, chính chúng ta đang tự đặt mình vào nguy cơ sập bẫy nợ, không bảo đảm được các bí mật về an ninh, quốc phòng trong quá trình triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam. Mọi quyết định cần phải sáng suốt và cẩn trọng để không phải gánh hậu quả về sau.
(Theo Tạp chí Bút Danh)